QĐND - Năm 1966 là thời điểm sau một năm đế quốc Mỹ chính thức đưa quân tham chiến tại miền Nam Việt Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thấy cần tạo một bước chuyển biến mới, mở các trận đánh lớn và cần phải có kế hoạch chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc. Các đồng chí ở Trung ương Cục miền Nam (R) đã đặt vấn đề xin Trung ương bổ sung thêm 2 vạn quân và 3000 tấn vũ khí nhằm chủ trương đánh lớn.

Đồng chí Phan Hàm (thứ nhất bên trái) cùng các đồng chí trong Trung ương Cục miền Nam (5-1966). Ảnh tư liệu

Tháng 5-1966, đồng chí Phan Hàm, Cục phó Cục Tác chiến-Bộ Tổng tham mưu cùng đồng chí Nguyễn Văn Vịnh được Trung ương và Bộ Quốc phòng cử vào Trung ương Cục miền Nam, phổ biến nghị quyết của Trung ương. Hai đồng chí đã gặp, họp bàn với các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Chu Huy Mân, Trần Văn Trà, Trần Độ. Sau cuộc họp, hai đồng chí đã chụp ảnh chung với các đồng chí nói trên (xem ảnh).

Sau đó, đồng chí Phan Hàm còn ở lại đi thị sát tình hình ở một số tỉnh thuộc B2. Sau khi ra Trung ương báo cáo, đồng chí trực tiếp được đồng chí Lê Duẩn điều chỉnh kế hoạch và chỉ thị: "Không phải dùng chủ lực đánh Mỹ và diệt Mỹ cho được ngay mà phải dùng lực lượng đặc công, biệt động đánh vào các thành phố lớn, tạo bước ngoặt cho chiến trường miền Nam".

Trên cơ sở nghị quyết, thực tế chiến trường và những đề nghị chi viện, cách đánh của Trung ương Cục, sự chỉ đạo của Trung ương, trực tiếp là ý kiến của đồng chí Lê Duẩn, kế hoạch đã được triển khai thực hiện. Tháng 7-1966, sau chuyến sang Trung Quốc của đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công và đồng chí Phan Hàm đặt vấn đề viện trợ vũ khí, đến cuối năm 1966, chuyến tàu đầu tiên chở 3 nghìn tấn vũ khí đã cập bến cảng Xi-ha-núc-vin (Cam-pu-chia) chi viện, đáp ứng yêu cầu bước đầu cho chiến trường miền Nam.

Cũng trên cơ sở chủ trương, kế hoạch chi viện và thực tế các trận đánh tiếp theo, ta đã hoàn chỉnh được "Kế hoạch X" vào tháng 7-1967, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Kể từ đó, với cương vị chỉ huy tác chiến trong cơ quan Tổng hành dinh, đồng chí Phan Hàm đã gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội ta. Trong Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra từ ngày 4-3 đến ngày 3 - 4 - 1975, đồng chí giữ chức Tư lệnh phó trong Bộ tư lệnh chiến dịch, đã cùng làm việc với Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, đại diện Bộ Tổng tư lệnh tại chiến dịch và các đồng chí Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Thiếu tướng Vũ Lăng, Đại tá Đặng Vũ Hiệp, các đồng chí ở Khu ủy Khu 5 chỉ đạo, chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi.

Năm 1980, đồng chí Phan Hàm được phong cấp quân hàm Thiếu tướng, sau thời gian đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu, đồng chí làm chuyên viên của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn.

Là một trong những cán bộ chỉ huy tác chiến ở Bộ Tổng tham mưu, với tư cách nhân chứng, cảm nhận của một vị tướng giàu kinh nghiệm trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Thiếu tướng Phan Hàm đã viết và được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành cuốn ký sự dài 512 trang có tựa đề "Xuân giải phóng", tiếp đó là cuốn "Trong trận đối đầu thế kỷ", nguồn sử liệu quý, dễ đọc, giúp bạn đọc có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ ngày tôi được tiếp nhận tấm ảnh của Thiếu tướng Phan Hàm (11-1992), một kỷ niệm không quên của ông cùng các vị tướng lĩnh trong cơ quan Trung ương Cục miền Nam đến nay đã 18 năm trôi qua. Các vị tướng lĩnh tài ba của đất nước, của quân đội trong tấm ảnh: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Trần Độ, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh và chủ nhân bức ảnh - Thiếu tướng Phan Hàm đã lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng. Nhưng hình ảnh những con người và nội dung lịch sử của tấm ảnh liên quan đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Quân đội ta trong những năm tháng đầu tiên "đụng đầu" với quân xâm lược Mỹ đầy cam go và quyết liệt vẫn đang được trân trọng lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, đã góp phần làm sáng tỏ nhiều sự kiện, nhân chứng thời chiến tranh chống Mỹ của dân tộc, Quân đội ta.

Đồng Kim Hải