Gắn với chiến trường, hướng về đơn vị

Ngày 15-6-1951, lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên tổ chức tại xóm Hạ, bản Khuôn Lồng, xã Yên Đổ (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) vui mừng được nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, Người thăm hỏi, động viên cán bộ, học viên lớp học và khẳng định: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận... Cán bộ cung cấp càng phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính”. Ghi nhớ sự kiện lịch sử ấy, ngày 28-4-1999, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 547/QĐ-QP, công nhận ngày 15-6 hằng năm là Ngày truyền thống của Học viện Hậu cần.

Tìm hiểu lịch sử, chúng tôi ấn tượng với việc Nhà trường đã tổ chức thành công Tiểu đoàn 90 mang mật danh “Mũi tên xanh” trực tiếp vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Chúng tôi có dịp tới trò chuyện với Trung tướng, GS, TS, Nhà giáo Ưu tú Đồng Minh Tại, nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần (giai đoạn 2003-2011) tại nhà riêng của ông ở ngõ 132 đường Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Từ năm 1969 đến 1970, ông trực tiếp lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thuộc Đại đội 17, Tiểu đoàn 770, Binh trạm 12 (sau này là Trung đoàn 512, Sư đoàn 571), Bộ tư lệnh 559.

leftcenterrightdel
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thăm gian trưng bày của Học viện Hậu cần tại chương trình tổng kết, trao Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22. Ảnh do Học viện Hậu cần cung cấp

Trung tướng Đồng Minh Tại kể: “Những năm 1971-1974, chúng tôi là học viên Khóa 13 đào tạo sĩ quan sơ cấp hậu cần đã được nghe các thầy giáo kể nhiều chuyện về Tiểu đoàn “Mũi tên xanh”, thành lập tháng 1-1966 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Hà Nội vào chiến trường Nam Bộ. Biên chế của Tiểu đoàn gồm một số cán bộ, giáo viên, học viên... cùng một số cán bộ chính trị của Tổng cục Hậu cần. Tiểu đoàn được trang bị 100 xe Gaz 63 đầu tời, tổ chức thành 3 đại đội, do 3 đồng chí giáo viên Khoa Xăng-Xe-Vận tải làm đại đội trưởng. Theo đó, những đồng chí học viên Khóa 2 đảm nhiệm cương vị đại đội phó. Mỗi học viên Khóa 6 được giao trực tiếp lái chính và chịu trách nhiệm một xe, chiến sĩ lái mới ra trường của Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3) làm phụ xe. Sau hơn hai tháng hành quân vượt nhiều trọng điểm ác liệt, Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tới đích trước thời gian quy định”.

Tiểu đoàn “Mũi tên xanh” đã trở thành biểu tượng sáng ngời cho các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện học tập, noi theo. Trong khó khăn, ác liệt, ở Tiểu đoàn xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm như đồng chí Trung úy Phùng Duy Cầm, Đại đội trưởng Đại đội 3 đã lái xe luồn lách qua từng gốc cây dưới làn đạn 20mm của địch từ máy bay bắn xuống, vẫn bình tĩnh chỉ huy đại đội hành quân chạy cung dài 85km tới đích an toàn; đó là Trung đội trưởng Đào Quang Anh dũng cảm, mưu trí, chỉ huy trung đội vượt qua bom đạn của địch, đưa 100% hàng tới đích an toàn...

Chọn đúng khâu đột phá “3 thực chất”

Những năm kháng chiến, Nhà trường đã cử hàng trăm cán bộ, giáo viên, học viên đi nghiên cứu, thực tập ở các chiến trường, các đơn vị. Việc làm này vừa giúp họ rèn luyện, phấn đấu, vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện lý luận để chương trình đào tạo luôn mang hơi thở cuộc sống chiến đấu và bảo đảm hậu cần ở đơn vị cơ sở. Ngày nay, cùng với việc bám sát phương châm huấn luyện “gắn với chiến trường, hướng về đơn vị”, Học viện thực hiện hiệu quả phương châm “3 thực chất”: Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Học viện Hậu cần và Bộ tư lệnh Quân khu 1 ký kết Chương trình phối hợp đào tạo, huấn luyện năm 2022. Ảnh do Học viện Hậu cần cung cấp 

Đại tá, PGS, TS Vũ Hồng Hà, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Hậu cần cho hay: “Song song với việc thực hiện phương châm “3 thực chất”, những năm qua, Học viện đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị để bố trí cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đi luân chuyển các đơn vị trong toàn quân. Giảng viên ở các khoa giáo viên đi thực tế trên cương vị chức trách phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; tham quan các mô hình, các cuộc diễn tập tại đơn vị... Đồng thời, Học viện thường xuyên tổ chức lấy phiếu đánh giá về chất lượng học viên, chương trình đào tạo đối với các đơn vị có học viên thực tập chức trách cuối khóa, làm cơ sở đánh giá kết quả đào tạo. Đây không chỉ là phương châm mà còn là phong trào hành động sôi nổi, tự giác, tạo động lực thúc đẩy quá trình giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện ngày càng chất lượng, hiệu quả. Hiện nay, phương châm “3 thực chất” còn lan tỏa, đi sâu vận dụng trong mọi lĩnh vực hoạt động của Học viện”.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Học viện Hậu cần kiểm tra diễn tập H-22B năm 2022. Ảnh do Học viện Hậu cần cung cấp 

Tiếp lời Đại tá Vũ Hồng Hà, Đại tá, ThS Cao Thị Lan Hương, Trưởng khoa Ngoại ngữ cho biết: “Những năm qua, chúng tôi đã quán triệt và cụ thể hóa phương châm “3 thực chất” vào nhiệm vụ huấn luyện; thực hiện đa dạng các hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả, phù hợp với từng môn học, đối tượng đào tạo. Nhờ đó, kết quả thi và kiểm tra ngoại ngữ tỷ lệ khá, giỏi tăng lên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra theo hướng tích cực, sát thực tế, gắn với chuẩn đầu ra môn học, chuẩn đầu ra chuyên ngành đào tạo; bảo đảm khách quan, minh bạch, hiệu quả và là điểm sáng trong công tác đào tạo ngoại ngữ của Học viện”...

Từ lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên với 88 học viên, trải qua 72 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Hậu cần đã đào tạo được hơn 60.000 học viên quân sự; hơn 5.000 sinh viên dân sự; 1.571 thạc sĩ, 156 tiến sĩ. Nhiều đồng chí đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Học viện đã nghiên cứu thành công gần 3.300 đề tài các cấp, trong đó có 3 đề tài cấp Nhà nước, hơn 20 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, gần 300 đề tài cấp ngành, hơn 2.000 đề tài cấp Học viện, hàng nghìn đề tài Tuổi trẻ sáng tạo và nhiều đề tài, sáng kiến cấp cơ sở.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Học viện Hậu cần ủng hộ Quỹ vì người nghèo ở xã Yên Đổ (Phú Lương, Thái Nguyên). Ảnh do Học viện Hậu cần cung cấp 

“Các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy của Học viện qua các thời kỳ đã tận tâm, tận lực, cống hiến công sức, trí tuệ, xương máu cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần, tài chính Quân đội; trực tiếp viết nên những trang sử vẻ vang, xây đắp nên truyền thống của Học viện. Thời gian tới, Học viện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực; xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vững mạnh; thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; “Nhà trường đi trước đơn vị”. Cùng với đó, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ hậu cần, tài chính hội tụ đầy đủ phẩm chất “tận tụy phục vụ bộ đội; tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính; giỏi về công tác hậu cần Quân đội”, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội chính quy, tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, xứng đáng với truyền thống Học viện Hậu cần anh hùng...”-Trung tướng Dương Đức Thiện, Chính ủy Học viện Hậu cần nhấn mạnh.

THÁI KIÊN