Lời căn dặn sâu sắc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nguồn động lực mạnh mẽ thôi thúc nhà trường vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Hậu cần.

Từ lớp huấn luyện đầu tiên

Phóng viên (PV): Từ lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên với 88 học viên, đến nay Học viện Hậu cần đã trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính quân sự có uy tín của quân đội và đất nước. Lịch sử gần 70 năm ấy gắn với nhiều lần chia tách, sáp nhập với những tên gọi khác nhau của học viện…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng: Đúng là từ khi ra đời đến nay, Học viện Hậu cần đã trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập với những tên gọi khác nhau. Đầu tiên là Các lớp huấn luyện cán bộ cung cấp (5-1951 / 7-1953); tiếp đến là Trường Cán bộ cung cấp (8-1953 / 12-1954); Trường Hậu cần (1-1955 / 1-1957); Trường Cán bộ Hậu cần (2-1957/ 9-1958); Trường Sĩ quan Hậu cần (10-1958 / 6-1974); Học viện Hậu cần (7-1974 / 2-1980); Học viện Hậu cần; Trường Sĩ quan Hậu cần (3-1980 / 2-1996); hiện nay là Học viện Hậu cần (từ tháng 3-1996).

Từ Lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên đến Học viện Hậu cần ngày nay là chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang, gắn liền với lịch sử phát triển của quân đội và ngành hậu cần quân đội trong từng thời kỳ cách mạng. Đến nay, học viện đã thực sự trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính quân sự có uy tín của quân đội và đất nước; có đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đủ số lượng, bảo đảm yêu cầu chất lượng, 100% giảng viên có trình độ đại học, trong đó 83,43% có trình độ sau đại học (tiến sĩ là 22,29%). Học viện đã đào tạo ra trường hơn 47.000 cán bộ hậu cần, tài chính cho quân đội và công an; hơn 2.000 cán bộ, nhân viên hậu cần, tài chính cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia; hơn một nghìn cử nhân, kỹ sư đóng góp vào nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Hậu cần. Ảnh: Phạm Kiên

PV: Những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đội ngũ giáo viên Trường Sĩ quan Hậu cần (Học viện Hậu cần hiện nay) không chỉ đảm nhiệm đào tạo, giảng dạy tập trung mà còn bổ sung cho các đơn vị chiến đấu và đi nghiên cứu thực tiễn ở các chiến trường trong nước và quốc tế. Khi ấy, nhà trường đã chuyển hướng đào tạo theo phương châm “Huấn luyện sát với thời chiến, cần gì học nấy, theo yêu cầu thực tế của nhiệm vụ, theo điều kiện thực tế của 3 chiến trường”. Theo đồng chí thì thực tiễn lịch sử ấy để lại bài học gì cho học viện hôm nay?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng: Từ cuối năm 1965 đến năm 1968, trong điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, đội ngũ giáo viên của nhà trường thiếu do vừa bổ sung cho các đơn vị chiến đấu, vừa đi nghiên cứu thực tiễn ở các chiến trường, nhà trường đã chuyển hướng đào tạo theo phương châm mà các đồng chí đã nêu, là: “Huấn luyện sát với thời chiến, cần gì học nấy, theo yêu cầu thực tế của nhiệm vụ, theo điều kiện thực tế của 3 chiến trường”. Thực tiễn lịch sử ấy để lại cho học viện bài học quý báu trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là giáo dục và đào tạo, học viện luôn phát huy truyền thống “Tuyệt đối trung thành, chủ động sáng tạo, đoàn kết chặt chẽ, dạy tốt, học tốt, gắn với chiến trường, hướng về đơn vị”; luôn thực hiện tốt phương châm “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, coi trọng lý thuyết gắn với thực hành, hướng ra tiền tuyến, hướng ra đơn vị để xây dựng, hoàn chỉnh chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của quân đội và cách mạng.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Học viện Hậu cần giới thiệu với đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu về công tác giáo dục, đào tạo và xây dựng chính quy tại học viện năm 2019. Ảnh: Thanh Tuyền

Những năm gần đây, trước yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, học viện thường xuyên nắm bắt những quan điểm mới của Đảng, tình hình phát triển, tổ chức biên chế của quân đội, của khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam và thế giới; tiếp thu có chọn lọc thành tựu đổi mới giáo dục, đào tạo trong nước và quốc tế; nắm vững những kiến thức mới về quản lý kinh tế, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn để cập nhật, bổ sung vào nội dung huấn luyện. Về công tác nghiên cứu khoa học, học viện tập trung đi sâu nghiên cứu các đề tài liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành hậu cần như vấn đề ăn, ở, mặc, cơ động, bảo đảm hậu cần cho các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong khu vực phòng thủ, hậu cần quân sự địa phương, nhiệm vụ phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; bảo đảm trong thực hiện các hình thức tác chiến mới của chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao và bảo đảm trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó với các tình huống khẩn cấp... Với tư duy chiến lược “Nhà trường đi trước một bước”, học viện đã thực sự chú trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo ra những cán bộ hậu cần “vừa hồng, vừa chuyên”, có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ với yêu cầu rất cao trong thời kỳ mới.

“3 thực chất” và một môi trường mẫu mực

PV: Chúng tôi rất ấn tượng với phương châm “3 thực chất” trong quá trình đổi mới các khâu của quá trình đào tạo của học viện hiện nay. Nội dung và kết quả của “3 thực chất” đó như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng: Xác định nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong những năm qua, Thường vụ, Đảng ủy, Ban giám đốc học viện đã có nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện. Năm học 2018-2019, thực hiện chủ trương về năm “công tác nhà trường”, trên cơ sở quán triệt Chỉ thị 89/CT-BQP ngày 4-4-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các nhà trường quân đội, Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Đảng ủy học viện đã xác định tiếp tục đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo với phương châm “dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”, mà cụ thể là:

- Dạy thực chất: Dạy những gì người học cần, đơn vị cần, dạy theo đúng chương trình đã xác định; dạy để học viên đạt được các chuẩn kiến thức, năng lực theo chuyên ngành đào tạo.

- Học thực chất: Phát huy cao độ tính chủ động, tự giác của người học. Học để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Học để làm việc, học những kiến thức để đảm nhiệm nhiệm vụ, chức trách sau khi ra trường. Học để đạt được các chuẩn kiến thức, năng lực nhất là năng lực thực tiễn theo chuyên ngành đào tạo.

- Đánh giá thực chất: Đánh giá kết quả của học viên khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ, năng lực của người học.

Thực hiện phương châm này đã tạo sự chuyển biến sâu sắc cả về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong học viện. Đặc biệt với học viên, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ trách nhiệm, năng lực thực hành chức trách, nhiệm vụ theo chuyên ngành đào tạo được nâng lên rõ rệt.

PV: Từ đơn vị về nhà trường, cá nhân đồng chí có những cảm nhận và suy nghĩ gì?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng: Sau nhiều năm công tác ở đơn vị, trên cương vị công tác mới, cảm nhận của cá nhân tôi về Học viện Hậu cần, đó là một nhà trường có bề dày truyền thống, một môi trường sư phạm mẫu mực, môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh. Đội ngũ cán bộ, nhà giáo nhiệt tình, trách nhiệm, tác phong làm việc nghiêm túc, mô phạm, có chuyên môn, kinh nghiệm về quản lý giáo dục, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Học viện được đầu tư xây dựng ngày càng chính quy, khang trang, sạch đẹp; có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng hiện đại… Học viện thực sự là môi trường tốt cho các học viên học tập, rèn luyện, là tiền đề cho người học phấn đấu trở thành cán bộ hậu cần ưu tú của quân đội trong tương lai.

Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy học viện, bản thân tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ hậu cần; nhận thức sâu sắc chức trách, nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm, gương mẫu trong công tác; thường xuyên giữ vững mối quan hệ đoàn kết gắn bó, phát huy được trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo; cùng với Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng Đảng bộ học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; coi trọng chỉ đạo tiến hành có hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác; xây dựng học viện thực sự chính quy, khoa học, tiên tiến, mẫu mực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TRẦN HOÀNG - TRANG KIÊN (thực hiện)