Ngày đầu tháng 4-1975, lúc 2 giờ, tại hầm làm việc của Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Cục Hậu cần Quân khu 5, Phó trưởng phòng Nguyễn Đức Phước nhận cuộc điện thoại của đồng chí Đoàn Khuê-Phó chính ủy quân khu đang trực tại sở chỉ huy cơ bản, hỏi về tình hình gạo ở Ninh Hòa (Khánh Hòa). Lập tức, ông Phước mở sổ công tác đối chiếu với bản đồ bố trí hậu cần của quân khu và trả lời:
- Báo cáo, cách Ninh Hòa 20km về hướng tây, trên trục Đường 21, gần cầu lớn, từ trên xuống, rẽ tay phải 1km vào khu rừng nhỏ có kho gạo 20 tấn. Hai chiến sĩ đang canh giữ.
- Có chính xác không?
- Dạ, chính xác ạ!
Đặt ống nghe xuống, ông Phước vui mừng khôn xiết vì tại thời điểm chiến dịch đang diễn biến nhanh chóng, việc “lót ổ” gạo ở Ninh Hòa với số lượng nhỏ, gần địch, gần đường, táo bạo và hiểm hóc, chắc chắn sẽ làm ấm lòng bộ đội trên đường truy kích địch...
Gần sáng hôm ấy, ta giải phóng thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nằm trên Đường 1. Ông Phước càng thêm xúc động nghĩ sâu đến người đã giúp ông rèn luyện để có được phong cách làm việc của một cán bộ tham mưu hậu cần, nắm chắc tình hình, ứng phó kịp thời với mọi tình huống.
Ngược dòng thời gian trở về những năm cuối thập niên 1950, Nguyễn Đức Phước là cán bộ tài chính của Sư đoàn 305-bộ đội Khu 5 tập kết. Sau khi đi học một năm nghiệp vụ chỉ huy hậu cần, ông trở về làm Phó chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn dù 305. Tiếp sau nữa, ông được điều động làm Phó chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 304.
Mùa khô năm 1965, ta mở Chiến dịch Plei Me (Tây Nguyên, từ ngày 19-10 đến 26-11-1965). Sư đoàn 304 từ miền Bắc vào tham chiến, ông Phước đi cùng tiểu đoàn vận tải bộ để bảo đảm cho thương binh. Chuyến đầu tiên chuyển thương binh về sư đoàn an toàn. Chuyến thứ hai, 8 cáng thương binh nặng đi qua rừng khộp bị máy bay trinh sát của địch phát hiện. Ông chỉ đạo các bộ phận nhanh chóng sơ tán để bảo vệ thương binh. Máy bay địch rà sát ngọn cây, bắn phá dữ dội liền hai tiếng đồng hồ, đến sẩm tối mới thôi. Nhờ chấp hành kỷ luật nghiêm, nhất cử nhất động đều theo sự chỉ huy của ông nên anh em vận tải không ai thương vong, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và vận chuyển thương binh.
Sau lần ấy, tổ chức đã tạo điều kiện cho ông độc lập công tác, xử trí các tình huống trong phục vụ chiến đấu, rèn luyện toàn diện để có năng lực đảm nhiệm chức vụ cao hơn. Ông thường được phân công đi phục vụ từng trận đánh, từng hướng chiến dịch, cả trong mùa khô, mùa mưa.
Năm 1970, ông được điều động về đồng bằng Khu 5 quê hương ông. Tại đây, đồng chí Hoàng Giang, Chủ nhiệm Hậu cần quân khu báo ngay cho ông:
- Bộ tư lệnh quân khu đã quyết định sắp xếp anh làm Phó phòng Tham mưu-Kế hoạch Cục Hậu cần.
Sau giây lát ngỡ ngàng, ông báo cáo với đồng chí chủ nhiệm về quá trình công tác mà ông đã trải qua, đồng thời bày tỏ lo lắng trước nhiệm vụ mới mẻ, quan trọng, nặng nề. Đồng chí chủ nhiệm nói:
- Những điều anh trình bày, Bộ tư lệnh quân khu đã biết rõ nên mới bổ nhiệm anh vào vị trí ấy. Anh cố gắng làm, có anh em giúp đỡ. Đừng lo!
Trên cương vị mới, ông Phước được phân công nắm tình hình, làm kế hoạch, báo cáo, đi giao ban quân khu hằng ngày với Chủ nhiệm Hoàng Giang. Những bỡ ngỡ ban đầu trong việc thảo văn bản hướng dẫn công tác cho đơn vị, viết điện báo cáo tình hình hằng tháng về Tổng cục Hậu cần... được Chủ nhiệm Hoàng Giang trực tiếp uốn nắn. Có những văn bản phải thông qua lãnh đạo quân khu, ông thức nhiều đêm để chuẩn bị. Đồng chí chủ nhiệm cũng ngồi với ông trắng đêm để chỉnh sửa, kịp thông qua quân khu đúng thời hạn...
Chủ nhiệm Hoàng Giang thường ân cần chỉ bảo và động viên ông: “Phải có lòng tự tin. Mạnh dạn viết. Không được rụt rè, e ngại. Viết theo đúng ý định và suy nghĩ của mình.
Khi thông qua sẽ được góp ý bổ sung, rồi mình gọt giũa lại”. Giữa chiến trường khắc nghiệt, ông quyết chí học hỏi cấp trên và đồng đội, xông pha thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tiến bộ, đền đáp sự quan tâm, tin tưởng của Chủ nhiệm Hoàng Giang và tổ chức.
Năm 1974, Cục Hậu cần quân khu khẩn trương chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Các đoàn hành lang trên toàn tuyến dọc, ngang được triệu tập về cơ quan cục báo cáo tình hình và nắm những yêu cầu đang đặt ra.
Nghe Chủ nhiệm Hoàng Giang dặn dò phải ghi chép thật đầy đủ và tuyệt đối giữ bí mật số liệu, ông Phước hình dung ra tầm quan trọng của công việc. Ông thận trọng ghi các số liệu vào sổ và xác lập mối liên hệ giữa các số liệu ấy với những chấm đỏ báo hiệu điểm chốt gạo có ở toàn vùng đồng bằng Khu 5-thể hiện một thế trận hậu cần vững chắc, nổi bật trên tấm bản đồ hậu phương được phổ biến tại hội nghị. Đây chính là sự kiện đã đem lại cho ông niềm vui lớn và sự xúc động sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp như đã nói ở trên.
Sau giải phóng miền Nam, ông Phước được bổ nhiệm Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 5, tham gia giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng và góp phần xây dựng ngành hậu cần quân đội. Cho đến khi nghỉ hưu, ông luôn nghĩ rằng những bài học trong thời gian chống Mỹ, cứu nước gắn liền với sự quan tâm, giúp đỡ của Chủ nhiệm Hậu cần quân khu Hoàng Giang hồi ấy, đối với ông là vô giá.
Đầu tháng 12-1999, từ TP Hồ Chí Minh, ông Phước trở lại Quân khu 5 dự kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Quân đội ta, biết tin đồng chí Hoàng Giang đã về với tổ tiên, lòng ông se lại, lắng đọng bùi ngùi tưởng nhớ: “Vĩnh biệt anh Hoàng Giang! Nhờ anh tôi đã trưởng thành. Xin cảm ơn anh và nhớ anh mãi mãi!”.
PHẠM XƯỞNG (Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Đức Phước, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 5)