Thực tế, nhìn vào tổng thể cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và nếu chỉ so sánh thuần túy tương quan lực lượng quân sự giữa Quân đội ta và quân đội Pháp, Mỹ thì hiển nhiên quân đội Việt Nam còn rất hạn chế. Đó là một đội quân đầu trần chân đất, từ nhân dân mà ra. Một đội quân non trẻ, ít trải qua trận mạc, chưa được huấn luyện bài bản, các trang bị kỹ thuật vũ khí thô sơ. Trong khi đó, quân đội viễn chinh Pháp lúc đó và quân đội Mỹ sau này là những đội quân tinh nhuệ, nhà nghề, có nền tảng chính quy, hiện đại hàng trăm năm, được huấn luyện bài bản, có kinh nghiệm chinh chiến qua nhiều trận đánh, có trang bị kỹ thuật vũ khí tối tân, hiện đại bậc nhất thế giới... Thế nhưng họ đã thất bại. Tại sao?

Có thể nói, nguồn gốc sức mạnh dẫn đến chiến thắng trước các đội quân hùng mạnh nhất thế giới của quân đội Việt Nam như ý kiến mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu, chúng ta cần chú ý đến một chi tiết khác, được viết rất ngắn gọn trong chỉ thị về Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết và ký, nhưng nó có một tầm bao quát quan trọng nếu không nói rằng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chiến thuật và chiến lược dụng binh của Quân đội ta. Đó là: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông, mai tây, lai vô ảnh, khứ vô tung... Bằng chiến thuật này, kết hợp với tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, đã sản sinh ra một đội quân chiến thắng, lập nên những chiến công hiển hách.

Chúng ta biết, ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mở đầu bằng hai trận đánh đầu tiên vào đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần do đích thân đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, Quân đội ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, làm chủ hoàn toàn hai căn cứ quân sự của Pháp. Chiến thắng này không lớn xét về mặt quân sự, nhưng nó có một ý nghĩa rất quan trọng, khích lệ tinh thần chiến sĩ, đồng thời khẳng định sự đúng đắn trong chỉ huy chiến lược và chiến thuật quân sự. Cùng thời điểm này, bằng chiến thuật toàn dân toàn diện “lai vô ảnh, khứ vô tung”, quân và dân Sài Gòn đã mở những đợt tập kích nhỏ lẻ, đánh địch ở mọi nơi, mọi địa điểm, bất ngờ và linh hoạt. Vì vậy đã làm cho quân đội Pháp tiêu hao lớn, tâm lý bất an, hoang mang. Ở Hà Nội, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đã tổ chức nhiều trận đánh mạnh mẽ vào các khu vực quan trọng của địch như Bắc Bộ Phủ, nhà ga, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân... Ở các tỉnh và thành phố khác cũng mở những đợt tấn công liên tiếp, vừa tiêu hao lực lượng, vừa phá hủy cơ sở vật chất kỹ thuật của quân đội Pháp. Quân ta vừa đánh vừa củng cố, xây dựng lực lượng, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng cũng như khả năng chiến đấu dày dạn qua từng trận đánh...

leftcenterrightdel

Bộ đội tăng thiết giáp trên đường hành quân. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Có thể nói, cho đến Chiến thắng Việt Bắc, Quân đội ta đã có một bước trưởng thành vượt bậc về số lượng và kinh nghiệm chiến đấu. Quân số lên tới chục vạn người, được biên chế thành nhiều trung đoàn, tiểu đoàn độc lập. Tuy vậy, khả năng chiến đấu của Quân đội ta chưa đồng đều, vũ khí sơ sài, chỉ có một ít pháo 20mm, cối 81mm, trọng liên 13,2mm, 12,7mm... Trang bị vũ khí chủ yếu có gì đánh nấy. Trong khi đó, quân đội Pháp huy động cả một lực lượng hùng hậu gồm 5 trung đoàn bộ binh, nhiều tiểu đoàn dù, tiểu đoàn pháo binh, máy bay, tàu thủy... với mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh, tấn công thẳng vào bộ máy đầu não của Việt Minh, tiêu diệt căn cứ Việt Bắc...

Với tinh thần bằng mọi giá phải phá tan Chiến dịch Việt Bắc của quân Pháp, Quân đội ta quyết tâm củng cố, xây dựng lực lượng lớn mạnh, đã chiến đấu và chiến thắng. Chính vì có lực lực hùng hậu, Trung ương quyết định chủ động mở Chiến dịch Biên giới từ ngày 16-9 đến 14-10. Kết quả là đã đập tan vòng vây biên giới của quân đội Pháp, làm sụp đổ tất cả các kế hoạch quân sự của Pháp. Đây là một chiến dịch lớn đầu tiên ta chủ động tiến công và cũng là sự thất bại lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược thuộc địa của Pháp. Những chiến thắng lớn lao này là những cuộc tập dượt quan trọng để đến ngày 13-3-1954, quân đội cùng với các lực lượng dân quân, du kích, dân công và nhân dân phối hợp chặt chẽ, mở đợt tấn công lần thứ nhất với quy mô lớn vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn. Ngày 30-3, quân ta mở đợt tấn công lần thứ hai tiêu diệt các căn cứ phía đông và đến ngày 1-5, ta tiếp tục mở đợt tấn công lần thứ 3 bẻ gãy các cuộc phản kích của địch, để đến ngày 7-5, quân ta tiến hành tổng công kích, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngay từ những năm đầu, quân và dân ở các tỉnh miền Nam đã đồng loạt nổi dậy diệt ác phá kìm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ cuối năm 1959 đến năm 1960, quân và dân ta đã tiến hành hàng loạt cuộc nổi dậy, mở ra một vùng căn cứ rộng lớn. Điều đáng chú ý là trong các cuộc nổi dậy này, lực lượng nòng cốt là bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trận Ấp Bắc là trận đánh có quy mô tương đối lớn và cũng là trận đối đầu đầu tiên của bộ đội địa phương, quân du kích với một lực lượng quân chính quy của Mỹ-ngụy. Chiến thắng này, xét về quy mô cũng không lớn, nhưng nó lại gây tiếng vang lớn ra thế giới. Đồng thời làm cho quân đội Mỹ hoang mang, bối rối. Bắt đầu từ chiến thắng Ấp Bắc, Quân Giải phóng miền Nam cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích được sự hỗ trợ không giới hạn của nhân dân đã liên tục mở các trận đánh quan trọng ở Bình Giã, Vạn Tường, Plei Me, Bầu Bàn, Dầu Tiếng... Các trận đánh này đã làm phá sản các kế hoạch chiến tranh của quân đội Mỹ-ngụy, làm cho quân đội Mỹ-ngụy rơi vào thế bị động đối phó, tinh thần chiến đấu rệu rã. Cùng những năm tháng ác liệt này, quân và dân miền Bắc đã anh dũng đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của Mỹ bằng không quân và hải quân, buộc phía Mỹ phải tuyên bố đình chỉ vô thời hạn cuộc chiến tranh phá hoại và buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Paris.

Để đi đến chiến thắng cuối cùng, chúng ta không thể không nhắc lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta Tết Mậu Thân 1968 cùng 17 cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam năm 1972. Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 điểm tại các thành phố, thị xã, thị trấn, tấn công vào sào huyệt đầu não của địch cũng như hàng loạt căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng... Ở Sài Gòn, quân ta đánh thẳng vào tòa đại sứ Mỹ, dinh tổng thống ngụy, bộ tổng tham mưu... Có thể nói, đây là đòn tấn công làm phá sản “chiến tranh cục bộ” của quân Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược và buộc Mỹ phải xuống thang, tạo bước ngoặt mở đầu thời kỳ đi xuống của quân đội Mỹ. Đến đầu năm 1972, quân và dân ta tiếp tục đồng loạt mở các cuộc tấn công chiến lược trên các chiến trường Trị Thiên, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng Quân khu 5. Các cuộc tiến công này đã mở ra một thế trận mới...

Cho đến mùa Xuân năm 1975, thế và lực của ta trên chiến trường đã hơn hẳn Mỹ-ngụy. Từ ngày 4-3-1975, bộ đội ta mở Chiến dịch Tây Nguyên tạo thế nghi binh, sau đó khởi đầu bằng trận đánh vào Buôn Ma Thuột. Bắt đầu từ đó cho đến hết chiến dịch, với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, quân và dân ta đã lần lượt giải phóng khắp các tỉnh, thành phố miền Nam từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết... và kết thúc chiến dịch vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn...

Một lần nữa, chiến thắng 30-4-1975 là mốc son chói lọi trong hành trình từ khi thành lập đến quá trình chiến đấu, tổ chức xây dựng lực lượng, phát triển mạnh mẽ đội ngũ cho đến ngày toàn thắng của Quân đội ta.

Không nghi ngờ gì nữa, sức mạnh của Quân đội ta là sức mạnh bắt nguồn từ sức sống mạnh mẽ của nhân dân, từ máu huyết tổ tiên bao đời tích tụ lại, từ sự gắn bó keo sơn tình làng nghĩa xóm, và từ một tình yêu quê hương tha thiết của mỗi con người cụ thể, sống và chết trên đất đai của Tổ quốc và quê hương. Sức mạnh này kết hợp với kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chính trị tinh thần mang tính quyết định.  

TRẦN THÁI PHƯƠNG