Đầu tháng 10-1954, những người làm công tác điện ảnh Xô viết chúng tôi gửi thư đến Ủy ban Hỗn hợp xin phép được vào Hà Nội vài ngày trước khi Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tiến vào tiếp quản. Trong lúc chờ đợi hồi âm, chúng tôi làm các công tác chuẩn bị. Rất may, tại Ủy ban Quân chính Hà Nội, chúng tôi được thông báo tỉ mỉ về kế hoạch giải phóng Thủ đô, nhờ đó mà đã nhanh chóng soạn thảo được chương trình quay phim phù hợp với kế hoạch đó.

Lúc này, trụ sở Ủy ban Quân chính Hà Nội là một khu xóm trải rộng thuộc tỉnh Tuyên Quang. Ở đây, các cán bộ của cơ quan Chính phủ tham gia lớp học giống như một lớp tập huấn toàn diện. Chúng tôi được biết, những người họp mặt ở đây ngay những giờ phút đầu tiên sau khi QĐND Việt Nam vào tiếp quản sẽ nhận các vị trí lãnh đạo ở các cơ quan khác nhau, thay thế cho những viên chức chính quyền Bảo Đại đã bỏ chạy. Chính quyền mới ngay lập tức phải bảo đảm cho dân chúng một cuộc sống bình thường mà trước đó đã bị thực dân và chính quyền bù nhìn phá hoại.

Buổi tối hôm ấy, chúng tôi đã được gặp trực tiếp đồng chí Phạm Văn Đồng khi ông đến phát biểu trước lớp cán bộ này. Ở Việt Nam, trông đồng chí không như ở Geneva. Chân đi dép cao su, quần nâu, áo săng-đay đen. Trên gương mặt xương xương là cặp mắt to thông minh. Đồng chí bị cảm, húng hắng ho và quấn chiếc khăn len quanh cổ. Tôi nhớ, đồng chí đã nói với cán bộ của mình: “Hà Nội ngay trong thời kỳ bị chiếm đóng cũng vẫn là Thủ đô của chúng ta và sẽ là Thủ đô của chúng ta. Chúng ta sẽ làm cho thành phố đẹp nhất của đất nước đẹp hơn nữa. Chúng ta sẽ tẩy rửa những vết đen do bọn thực dân và bè lũ tay sai của chúng để lại trên thành phố, sẽ làm cho Hà Nội thành ngọn đuốc của tự do và công lý chói ngời cho các dân tộc!”.

Cũng tại đây, chúng tôi được Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng tiếp. Tôi được biết, từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến khi rời Thủ đô, ông Trần Duy Hưng là “thị trưởng” Hà Nội-Chủ tịch Ủy ban Hành chính. Ông nguyên là bác sĩ nhi khoa nổi tiếng, một trí thức tiến bộ đã gắn cuộc đời mình với cuộc đấu tranh cách mạng. Những năm kháng chiến gian khổ, sự mệt mỏi hằn rõ trên gương mặt đau ốm vàng vọt bởi bệnh sốt rét. Với cặp mắt cận thị, đám râu cằm lưa thưa và nụ cười hiền hậu, tôi cứ hình dung tới hình ảnh ông khám bệnh cho em nhỏ, dịu dàng nhìn qua cặp kính dày của mình... Hôm ấy, mở rộng tấm bản đồ Thủ đô có những ô vuông chỉ màu vạch đỏ, bằng giọng nhỏ nhẹ, ông giải thích cho tôi nghe kế hoạch tiếp quản thành phố. Ông còn tỉ mỉ giới thiệu rất hay về đặc điểm lịch sử, địa lý và xã hội của Hà Nội-kinh đô cổ kính của Việt Nam, 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân xâm lược và lũ tay sai của chúng. Kế hoạch tiếp quản Thủ đô và tiến quân vào thành phố được ông cho biết cụ thể thêm. Hiệp định Geneva đã quy định những nét chung về hình thức tiếp quản. Lần đầu tiên trong lịch sử, trong các điều kiện hòa bình diễn ra một cuộc chuyển giao giữa quân đội hai nước ở một thành phố lớn. Ngày 8-10-1954, quân đội Pháp di chuyển đến ven đô. Ngày 9-10-1954, họ sẽ cuốn sạch khỏi Hà Nội, QĐND sẽ long trọng tiến vào thành phố.

Và thế là chúng tôi cũng giống như nhiều người Việt Nam không còn phải tính tháng, mà tính ngày, tính giờ còn lại đến buổi sáng tươi đẹp ngày 9-10-1954. Hàng nghìn người đang tràn ngập các làng xung quanh an toàn khu. Họ không chỉ là những người từ Việt Bắc trở về mà cả nhiều người từ Hà Nội tới. Nhân dân Thủ đô vượt qua các bốt canh của Pháp, tìm tới gặp những người giải phóng để được nghe sự thật về chính sách của Chính phủ, tận mắt nhìn thấy cuộc sống ở các vùng giải phóng và sau đó trở về kể lại những điều mắt thấy tai nghe cho hàng trăm người khác bị bộ máy tuyên truyền giả dối của địch đầu độc, những người đang dao động, lo lắng về số phận của mình. “Những người đến đây thuộc đủ mọi tầng lớp khác nhau. Thể theo nguyện vọng của họ, chúng tôi tổ chức một cuộc đại loại như một lớp học để giải thích chính sách của chúng tôi”-đồng chí Trần Duy Hưng nói.

leftcenterrightdel

Bộ đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954. Ảnh tư liệu 

Sự thật rồi đã được chứng minh. Cuối cùng, kế hoạch di cư dân Hà Nội của kẻ thù hoàn toàn thất bại. Nhân dân Thủ đô nóng lòng chờ đợi QĐND. Không có gia đình nào ở Hà Nội lại không chuẩn bị sẵn cờ và hoa, quần áo mới cho ngày hội sắp đến này.

Tối 7-10-1954, chúng tôi được báo rằng, 3 nhà điện ảnh Xô viết và các đồng nghiệp Việt Nam gồm: Mai Lộc, Hồng Nghi, Tiến Lợi, Quang Huy được đặc cách ở bên cạnh Ủy ban Quốc tế. Ủy ban này yêu cầu chính quyền quân sự của Pháp cho chúng tôi vào Hà Nội.

Chúng tôi tiến vào Hà Nội dưới cơn mưa rào ngày 9-10-1954. Thành phố tưởng như hoang vắng. Các đại lộ rộng ở trung tâm thành phố như được mưa rào rửa sạch, hầu như không một bóng người. Nhưng ở các vùng ngoại vi, khu lao động thợ thuyền thì không khí lại tấp nập lạ thường. Tại đây, ngày hội giải phóng đã bắt đầu. Bên cổng và cửa nhà, từng tốp người tụ tập. Các quán hàng nhỏ hé mở cửa, có thể thấy rõ bên quầy hàng bày cờ đỏ sao vàng. Khắp nơi tiếng nói, tiếng cười vui vẻ...

6 giờ 30 phút sáng 9-10, theo phố Duy Tân đi từ trung tâm thành phố về phía nam, xe chúng tôi tới điểm gặp gỡ của sĩ quan hai bên. Họ thảo luận một số chi tiết cuối cùng của cuộc bàn giao. Hai sĩ quan nhìn đồng hồ, 6 giờ 55 phút, viên sĩ quan chỉ huy đoàn xe bọc thép Pháp nói gì đó vào bộ đàm. Đưa bàn tay đi găng da lên, ông ta lệnh cho đoàn xe của mình. Các xe chuyển bánh, tăng dần tốc độ về phía bắc. Qua mấy phút, đúng 7 giờ, đoàn xe chở bộ binh Việt Nam vượt qua ngã tư và lăn bánh theo những chiếc xe bọc thép. Tiếp theo sau là bộ đội Việt Nam đi thành hàng giữa lòng đường.

Và đến lúc này đã diễn ra một điều kỳ lạ: Phố xá hoang vắng bỗng nhộn nhịp tưng bừng. Hàng nghìn cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên cửa sổ, cửa ra vào khi tiếng động cơ của những chiến xa bọc thép còn chưa lặng. Và lập tức đường phố trở nên chật hẹp bởi những con người hoan hỉ, reo mừng, vẫy tay, nâng bổng trẻ nhỏ lên đầu... Hôm nay, Hà Nội trở về với nhân dân Việt Nam, máu của chiến sĩ Việt Nam đã không bỏ phí. Đó là thắng lợi to lớn hiển nhiên và đầy thuyết phục của các lực lượng hòa bình trên thế giới.

Sáng 10-10-1954, Hà Nội long trọng đón chào các đơn vị chủ lực của QĐND Việt Nam. Họ tiến vào thành phố trên những chiếc xe chiến lợi phẩm và mỗi chiếc xe đều có chữ đề: “Chiến lợi phẩm ở Điện Biên Phủ”. Trung đoàn Thủ Đô tiến vào Hà Nội từ phía tây. Một trận mưa hoa đổ xuống những chiến sĩ của trung đoàn khi họ vừa bước chân qua ranh giới thành phố. Trận mưa hoa không ngớt suốt đường hành quân của họ. Tất cả người dân đều đổ ra đường. Họ nồng nhiệt chào mừng và quây lấy mỗi anh bộ đội, mỗi người chỉ huy, ôm hôn, nắm tay, bắt tay... Họ không cần một nghi thức nào cả để biểu lộ niềm vui trong ngày vĩ đại ấy.

leftcenterrightdel

Cột Cờ Hà Nội. Ảnh: QUANG HIẾU 

Chúng tôi thu vào ống kính tất cả hình ảnh đó. Và có lẽ, hình ảnh đặc biệt nhất đã diễn ra vào lúc 3 giờ chiều: Tại một bãi rộng trong thành phố diễn ra nghi lễ trọng thể kéo cờ lên tháp cổ cao 100m. Trung đoàn Thủ Đô đứng thành hàng ngũ, vinh dự kéo cờ được trao cho đồng chí Nguyễn Quốc Trị, chỉ huy trung đoàn. Trong tiếng nhạc quốc thiều, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên cột cờ trên đỉnh tháp. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, chỉ huy Đại đoàn 308, tướng Vương Thừa Vũ đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội. Thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng người dân Hà Nội nhân ngày giải phóng, kêu gọi người già, thanh niên nam nữ, các cháu nhỏ tích cực tham gia vào sự nghiệp phục hồi và xây dựng thành phố thân yêu, phục hồi sản xuất, giữ gìn trật tự và an ninh, phát triển hoạt động văn hóa!

Roman Karmen

(*) Đầu đề của Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng