Chuyện kể dọc đường đi
Từ trung tâm TP Hồ Chí Minh đi huyện ven biển Cần Giờ phải qua địa bàn huyện Bình Chánh, vượt sông Soài Rạp trên phà Bình Khánh. Mùa mưa, sông Soài Rạp nước đục ngầu, dâng đầy ăm ắp. Cùng chuyến phà với chúng tôi trong hành trình về nguồn vào ngày nghỉ cuối tuần có nhiều tập thể, cá nhân, trong đó có đoàn đại biểu các cơ quan, đoàn, hội thuộc phường 16, quận Gò Vấp. Các bác cựu chiến binh đội mũ tai bèo, ngực lấp lánh huân, huy chương. Những người trẻ mặc đồng phục đỏ, in hình ngôi sao vàng trước ngực. “Chúng tôi tổ chức hành trình về nguồn tại Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác nhằm kết nối, lan tỏa tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc đến với cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ”, đồng chí Lê Thị Tâm, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường 16 chia sẻ.
Chiếc phà quay mũi về hướng đông nam, lừng lững vượt sông. Những con sóng oàm oạp vỗ hai bên mạn, tung bọt ngầu ngầu màu phù sa lên sàn. “Đặc thù sông nước mênh mông, mùa mưa nước dâng đục ngầu là một lợi thế trời cho, được Đặc công Rừng Sác tận dụng triệt để, phối hợp thực hiện những trận đánh lớn, cắt đứt tuyến vận chuyển hậu cần của quân đội Mỹ về Sài Gòn qua đường thủy”, bà Hầu Thị Yến kể với các thanh niên trong đoàn bằng giọng hào hứng. Chị Nguyễn Thị Liên, Bí thư Đoàn Thanh niên phường 16 cho biết thêm, trong chuyến đi này Đoàn Thanh niên phường sẽ ghi hình ảnh, thu thập thông tin, gặp gỡ nhân chứng... để làm tư liệu giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu niên trên địa bàn. Sức hút và sự quan tâm của du khách đối với loại hình du lịch về nguồn ở Rừng Sác được thể hiện sinh động như thế. Các bạn trẻ được các cựu chiến binh kể rằng, Đặc công Rừng Sác rất giỏi ngụy trang, bơi lội. Họ đã tài tình ngụy trang con người và vũ khí trên địa hình sông nước để qua mắt địch. Các tuyến sông ở khu vực này gắn liền với những chiến công huyền thoại của Đặc công Rừng Sác. Nhiều trận đánh kinh điển đã được tổng kết, đưa vào giáo khoa nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó có trận đánh chìm con tàu vận tải quân sự khổng lồ, tải trọng 10.000 tấn mang tên Baton Rouge Victory, kết thúc bằng hai tiếng nổ trời long đất lở vào lúc 8 giờ 8 phút ngày 23-8-1966 ở ngã ba sông Lòng Tàu-Ngã Bảy. Giai đoạn đó, con tàu là niềm tự hào số 1 của Hải quân Hoa Kỳ, là một trong những loại tàu vận tải quân sự hiện đại nhất thế giới. Chỉ với hai quả thủy lôi KB (còn gọi là thủy lôi sừng) do Liên Xô chế tạo, được các chiến sĩ Đoàn tàu không số vận chuyển từ miền Bắc vào, Đặc công Rừng Sác đã lập nên kỳ tích vô tiền khoáng hậu, chấn động cả Lầu Năm Góc.
“Huyện đảo” Cần Giờ hiện ra xanh mướt những cánh rừng đước hút tầm mắt. Con đường từ bờ đông bến phà Bình Khánh xuyên qua thị trấn Cần Thạnh rộng thênh thênh, là một trong những con đường đẹp nhất vùng Đông Nam Bộ hiện nay. Trên con đường như một dải lụa thẫm giữa bạt ngàn đước, du khách thoải mái chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của khu dự trữ sinh quyển độc đáo. Ngắm những đàn khỉ tung tăng nhảy nhót trên đường và những đàn cò trắng muốt sải cánh trên nền trời trong xanh giữa bao la rừng đước, đủ thấy môi trường sinh thái Cần Giờ hấp dẫn đến mức nào. Với mục tiêu nâng tầm du lịch từ địa phương trung chuyển du khách đến điểm dừng chân, lưu trú dài ngày, ngành văn hóa và du lịch Thành phố mang tên Bác đang triển khai chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, hình thức du lịch, coi trọng du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, du lịch truyền thống. Cần Giờ là một trong những địa chỉ trọng tâm, gắn du lịch sinh thái với giáo dục truyền thống về nguồn, điểm nhấn là Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác, kết nối với Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, hình thành nên tuyến du lịch đường thủy hấp dẫn.
Tiếng vọng ký ức giữa bạt ngàn rừng đước, mênh mông sông biển không chỉ từ hệ thống công trình, hiện vật trong khu di tích, mà còn hiển hiện giữa làn khói còn ấm chân nhang. Cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh Đồng Nai làm lễ truy điệu, an táng 28 hài cốt liệt sĩ Đặc công Rừng Sác, được quy tập tại khu Gò Cát, ấp Bàu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Hài cốt các liệt sĩ được người dân địa phương phát hiện trong lúc đào đất xây dựng công trình. Các di vật đặc trưng được phát hiện cùng các bộ hài cốt giúp cơ quan chức năng dễ dàng xác định, đó là những cán bộ, chiến sĩ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác.
“Mỗi người ngã xuống một bài thơ...”
Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2004. Nhằm nâng tầm nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” trong hoạt động về nguồn, thúc đẩy phát triển du lịch Cần Giờ, năm 2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai dự án phục hồi, nâng cấp quần thể căn cứ Rừng Sác. Việc phục dựng, xây dựng các công trình lịch sử kháng chiến phục vụ du lịch được giới chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là các nhân chứng lịch sử nghiên cứu, thống nhất từ những chi tiết nhỏ. Yêu cầu đặt ra là tái hiện một cách chân thực, sinh động cuộc sống, cảnh sinh hoạt, chiến đấu của Đặc công Rừng Sác. Người dân và du khách đến đây sẽ hình dung, trải nghiệm thực tế, góp phần bồi dưỡng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Ngay sau khi một vùng đầm lầy ngập mặn giữa bạt ngàn rừng đước xanh rì được đánh thức bằng quần thể các công trình lịch sử phục vụ hoạt động du lịch, chúng tôi đã có dịp theo chân các cựu chiến binh Đặc công Rừng Sác trở lại chiến trường xưa. Người được báo giới “chăm sóc” nhiều nhất là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước (Bảy Ước), nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Ông được đồng đội tôn vinh là người anh cả của Đặc công Rừng Sác. Trở lại chiến trường xưa, nơi gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ đồng đội của ông đã hy sinh trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đôi mắt ông Lê Bá Ước lúc nào cũng ngấn lệ. Ông đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ day dứt: “... Lặn sâu xuống sông Lòng Tàu/ Đồng đội ngày xưa có thấy đâu/ Hỏi ốc, ốc nằm im chẳng nói/ Hỏi cua, cua bảo sấu ăn rồi.../ Xương trắng nở hoa tận đáy sông/ Mênh mông Rừng Sác nhuốm màu hồng...”. Những bài thơ ông viết về đồng đội, về Rừng Sác đều chung âm hưởng day dứt khôn nguôi như thế. Ông bảo, Đặc công Rừng Sác trước mỗi trận đánh lớn đều được đơn vị tổ chức truy điệu sống. Ai cũng xác định, đã ra trận là chấp nhận hy sinh, nhưng trước mỗi trận đánh lớn, ai cũng xung phong để được chiến đấu. “Rừng Sác có nhiều mối nguy hiểm. Không ai chùn bước trước họng súng quân thù, nhưng có những sự hy sinh của đồng đội cứ ám ảnh chúng tôi cả đời, đó là bị cá sấu ăn thịt”-Đại tá Lê Bá Ước nói. Thế nên, rất nhiều đồng đội của ông hy sinh, mãi mãi không thể tìm thấy hài cốt.
Sau chuyến đi ấy không lâu, đến tháng 9-2016, nghe tin Đại tá Lê Bá Ước bị bệnh nặng, chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở TP Biên Hòa (Đồng Nai). Người anh hùng của những trận đánh huyền thoại nằm bất động trên giường bệnh, sức khỏe rất yếu nhưng đầu óc ông vẫn tỉnh táo. “Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng/ Mỗi người ngã xuống một bài thơ...”! Ông mỉm cười yếu ớt đọc thơ cho chúng tôi nghe. Những ngày cuối đời, đầu óc ông vẫn anh minh, nhớ như in những dấu ấn sâu sắc trong đời chiến trận. Trong gần 10 năm (1966-1975), ông và đồng đội Đặc công Rừng Sác đã tổ chức hơn 600 trận đánh, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch, trong đó có những trận đánh kinh điển, lưu danh sử sách. Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã chặn đứng, làm thất bại con đường tiếp viện, vận chuyển hậu cần của Mỹ cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn qua hệ thống cảng sông, biển Cần Giờ về Sài Gòn. 915 cán bộ, chiến sĩ Đặc công Rừng Sác đã anh dũng hy sinh. Và sau khi chúng tôi đến thăm ông chừng một tháng, vào tháng 10-2016, người anh cả Đặc công Rừng Sác đã ra đi nhẹ nhàng như một bài thơ...
Hôm nay trở lại Rừng Sác, trong tiếng vọng từ ký ức hào hùng, chúng tôi bước thật nhẹ trên những cây cầu lắt lẻo được ghép bằng thân cây đước giữa rừng ngập mặn, thành kính dâng hương trước Tượng đài Liệt sĩ Đặc công Rừng Sác. Rừng vẫn xanh! Những con sóng vẫn vỗ đầu ghềnh! Căn cứ của cha anh thuở nào vẫn nguyên dáng vẻ trầm mặc, linh thiêng... Hồn thiêng của các anh hùng liệt sĩ đã hóa linh khí non sông, như áng mây trắng trên khoảng xanh mênh mông ngọn đước...
PHƯỚC BÌNH