Vừa vào đến nơi, chúng tôi đã gặp anh Lê Quang Đạo, lúc này là Chính ủy Chiến dịch Đường 9-Nam Lào và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Chuyện trò ai cũng vui. Vừa nói chuyện, chúng tôi vừa gia cố hầm hào, thu xếp nơi ăn ở.
Một buổi tối, cơm nước xong, tôi đi quanh khu hậu cứ, thấy đèn sáng trong phạm vi một ô vuông, tôi dừng lại hỏi chiến sĩ bảo vệ, được biết, Chính ủy Lê Quang Đạo đang đọc sách. Một tình huống hay, bất ngờ, tôi xin phép vào gặp. Anh Lê Quang Đạo đồng ý ngay. Trên bàn tre là cuốn sách “Xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa phát hành. Anh Đạo cho biết có mang theo hai cuốn, một cuốn về văn học-nghệ thuật và cuốn này. Tổng cục Chính trị đang có chủ trương mở tọa đàm về xây dựng cơ sở vững mạnh. Tôi quan sát anh Đạo và thầm nghĩ: Đúng là dáng dấp “ông đồ tri thức”. Thấy tôi nhìn anh không chớp mắt, anh cười như muốn nói: Ra trận vẫn đọc sách, đó là Bộ đội Cụ Hồ.
Sau này, ra Hà Nội, tôi lại gặp anh Lê Quang Đạo. Anh cho biết: “Nghe các cậu đặt vấn đề, mình mừng quá, càng đọc, càng suy ngẫm, càng tìm mọi cách tiếp cận thực tế, thu thập tư liệu. Mình cũng đã mở mấy cuộc tọa đàm, nhỏ thôi nhưng rất hữu ích, có không khí khói lửa chiến trường. Hy vọng đề tài của các “thầy” sớm hoàn thành và được đánh giá xuất sắc!”.
Được Chính ủy Lê Quang Đạo động viên khi ở chiến trường, điều ấy đã thôi thúc 3 anh em chúng tôi nỗ lực, vượt khó khăn để thực hiện đề tài. Chúng tôi đã đánh máy, nộp đề tài nghiên cứu cho các Phó giám đốc Học viện Chính trị: Lê Văn Nhiễu, Đinh Nho Bát và Phòng Nghiên cứu khoa học (nay là Phòng Khoa học quân sự) của Học viện đọc, thẩm định, sau đó chỉnh sửa và trình Hội đồng Khoa học của Học viện Chính trị. Hồi ấy, anh Đinh Nho Bát nói với tôi: “Cụ Nhiễu đọc công trình của các cậu, cười liên tục. Cụ khoái lắm. Xin mừng cho 3 nhà giáo trẻ của Học viện Chính trị chúng ta”.
TRẦN HỒ NAM