Ngày 17-5

Được giải phóng-đó là niềm vui sướng của những người bị mất tự do. Vào trong vùng Đăk Pek mới thấy được những gì to lớn mà ta vừa giành được.

Nhìn tấm biển “Chi khu Đăk Pek” nền vàng chữ đỏ nằm ngã gục như chính cái chính quyền đổ vỡ của địch. Nó ngả nghiêng, xiêu vẹo trước sức mạnh của pháo binh Quân Giải phóng. Tấm pa-nô ghi khẩu hiệu hành động của Tiểu đoàn 88 biệt động quân ngụy nền vàng chữ đỏ “Đăk Pek còn, còn tất cả”, cũng bị gãy gục, sụp xuống trước sức mạnh của ta... 

leftcenterrightdel
 Trang nhật ký của cựu chiến binh Nguyễn Kim Chúc

Ngày 2-6

Họp hiệp đồng tác chiến với địa phương, anh Quyết, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nhấn mạnh: “Hơn 3.000 dân được giải phóng ở đây là vốn quý của cách mạng”. Mình rất hiểu ý nghĩa của việc này.

Đồng bào ở nơi đây đều là dân địa phương bị kìm kẹp. Giờ được tự do họ phấn khởi lắm.

Hôm nay, ta cho phép lính ngụy được ra căn cứ thu nhặt áo quần, được gặp vợ con, chúng mừng lắm. Một tên lính nói với mình:

- Bộ đội giải phóng Đăk Pek rồi, mình không còn phải sợ bom đạn nữa...

leftcenterrightdel
 Tác giả đọc lại những trang nhật ký chiến trường. Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Ngày 18-6

Những tên lính ngụy trước đây cầm súng chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, giờ trong trại, trông khép nép làm sao. Nhiệm vụ của tù binh là phải gỡ mìn ở những nơi chúng gây ra. Mới nửa ngày mà số mìn gỡ được đã lên đến hàng trăm quả, chủ yếu là mìn chống tăng. Một phụ nữ đem cho một tên lính ngụy mớ rau bí và ngô non, mắt anh ta ánh lên niềm vui. Mình hỏi hắn: “Vợ à?”. Hắn ngập ngừng: “Thưa ông, vợ tôi”.

Một bé gái mắt đen tròn xinh như búp bê trên lưng người vợ nhìn gã lính ngụy đau đáu. Bé gái chắc mong được bố bế bồng...

Ngày 28-6

Hơn 3.000 dân rời ấp chiến lược trở về quê cũ quanh vùng Đăk Pek, hình thành ba xã A, B, C. Dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng, cuộc sống dần hồi sinh. Đi qua các thôn làng mới, mình bị tiếng đàn thu hút đến mê người. Tiếng đàn hòa với tiếng chiêng giục giã lòng người. Họ tấu lên những bản nhạc. Họ cất lên những lời ca về tình yêu cuộc sống và những khúc ca chiến thắng.

Hạnh phúc lứa đôi lại đến với họ. Những đêm trăng hò hẹn. Cô gái thẹn thùng buộc vòng cườm hoặc một vòng chỉ quý lên cổ tay người bạn trai yêu mến thì cuộc sống của cô sẽ thuộc về người con trai ấy. Rồi những hội làng, những nghi lễ đâm trâu cầu phúc diễn ra.

Âm điệu của Tây Nguyên là âm điệu của núi rừng có cái đẹp của nước, cái đẹp của nắng gió, cái xào xạc của rừng tre và cái vi vu xao động của rừng xà nu. Tiếng cồng lớn ngân vang. Bản hòa tấu bắt đầu: Chiêng lớn, chiêng nhỏ thành hàng. Người già cầm trịch, các nghệ sĩ nhún nhảy. Âm thanh phát ra từ tay họ. Tiếng đàn t’rưng dồn dập, đàn ống điểm những nốt trầm vào khoảng âm thanh tạo thành một bản hòa tấu hoàn mỹ. Cuộc sống thật tươi đẹp.

Ngày 6-7

Hôm nay tiến hành phóng thích tù binh, thả những người cải tạo tốt về với gia đình. Những người vợ địu con tới đón chồng về nhà. Họ đưa con cho chồng rồi ôm đồ đoàn của chồng ra về.

Cho đến hôm nay đã phóng thích hơn 200 tù binh...

NGUYỄN KIM CHÚC