QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc đối phó với bom mìn của địch, đặc biệt với bom từ trường là cuộc chiến đấu ác liệt và có không ít hy sinh xương máu. Công trình “phá thủy lôi từ tính và bom từ trường” của các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự) đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và được bạn bè quốc tế ngợi ca là công trình thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.
Những năm 1966-1967, Mỹ tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc nước ta. Các tuyến đường giao thông, cầu cống, kho tàng, nhà máy là mục tiêu ném bom ngày đêm của không quân Mỹ với các loại vũ khí mới nhất, hiện đại nhất, gây cho chúng ta rất nhiều tổn thất, khó khăn. Phòng Điện tử, Viện Kỹ thuật Quân sự được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu để đối phó với các loại bom, mìn và thiết bị của Mỹ. Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Đông A, khi đó là Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu bom từ trường nhớ lại: “Ngày ấy, con át chủ bài về bom mìn mà Mỹ dùng rất phổ biến và hiệu quả để khống chế giao thông vận tải của ta là bom từ trường, khi đó chúng tôi gọi là bom mới. Mỹ ném loại bom này đầu tiên ở Khu 4 vào cuối năm 1966. Lúc đó, người dân hoang mang không hiểu loại bom gì mà người đi qua mới nổ chứ trâu bò đi qua thì không nổ. Quân địch thì tuyên truyền đây là loại bom điều khiển thông minh, Việt Cộng không thể rà phá. Ở chiến trường điện ra cho biết, sau mỗi trận máy bay địch ném bom, các trọng điểm như hầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích trên đường Trường Sơn hàng nghìn xe bị ách tắc, trở thành những túi hứng bom của địch. Bộ đội, dân công, thanh niên xung phong hy sinh nhiều. Thời điểm đó, ở Viện Kỹ thuật Quân sự, nghiên cứu chống phá loại bom mới này là nhiệm vụ hàng đầu. Chúng tôi làm việc không kể giờ giấc, tòa nhà 4 tầng của viện đêm đêm vẫn sáng đèn”.
 |
Bảng gỗ gắn 24 viên nam châm là thiết bị đã phá thử nghiệm thành công quả bom từ trường đầu tiên địch ném xuống Thổ Khối, Gia Lâm, Hà Nội (ngày 10-10-1967). Ảnh tư liệu.
|
Tháng 9-1967, Bộ tư lệnh Công binh cho người đưa sang viện một đầu điều khiển bom mới mang về từ chiến trường. Đại tá Lưu Ngọc Phan, người chủ trì Tổ nghiên cứu thiết kế phương tiện phá bom kể lại: Hôm đó, tôi đang đi công tác thì anh Ngô Đức Thọ, Trưởng phòng Điện tử, gọi tôi về gấp nhận nhiệm vụ mới. Về đến viện, tôi gặp anh Dĩnh ở Bộ tư lệnh Công binh, tay đang cầm một đầu nổ MK-42 còn nguyên vẹn. Anh Thọ nói với tôi: “Đây là đầu bom mới nguy hiểm, địch đang rải và làm ách tắc giao thông khắp các tuyến đường bộ, đường sông. Đồng chí cần tìm cách tháo ra để phòng cử cán bộ triển khai nghiên cứu phương án chống phá”. Anh Dĩnh dặn tôi, có thể trong đầu nổ có bẫy tự hủy và thuốc nổ. Tôi suy nghĩ làm thế nào tháo được đầu nổ mà không làm hỏng nó và bảo đảm an toàn cho người thao tác. Thời gian đó, xưởng chế thử của viện sơ tán lên Kim Bôi, Hòa Bình, ở viện thì không có dụng cụ đồ nghề máy móc gì. May thay tôi nhớ ra bên xưởng của Trường Đại học Bách khoa có một cái máy tiện. Tôi sang gặp ban lãnh đạo nhà trường và được các anh đồng ý cử hai thợ tiện và thợ nguội cùng tôi thao tác. Lúc đầu, họ có vẻ ái ngại nhưng sau khi tôi động viên và nhất là ngày ấy ai cũng muốn góp sức mình vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước nên phút phân vân qua nhanh. Khi mũi dao tiện cắt được mấy vòng đầu bom thì bột trắng bên trong rơi ra, cả ba hoảng quá tưởng là thuốc nổ nhưng không thấy tiếng nổ lại tiện tiếp, thứ bột trắng đó sau mang đi xét nghiệm hóa ra là chất chống ẩm. Khi tiện cắt rời được vỏ đầu bom, panel mạch điện lộ ra, đầu nổ vẫn nguyên vẹn, mọi người thở phào nhẹ nhõm, hân hoan cười nói át cả tiếng loa đang thông báo máy bay địch cách Hà Nội 70... 60km. Sáng hôm sau, tôi đưa các chi tiết của đầu bom mang lên Kim Bôi, Hòa Bình bàn giao cho Tổ nghiên cứu bom từ trường gồm các kỹ sư: Trịnh Đông A, Trương Ngọc Vĩnh, Phạm Quang Thụ, Nguyễn Trọng Khả, Vũ Ngọc Thư...
Sau nhiều ngày đêm phân tích, nhóm nghiên cứu khẳng định đầu nổ hoạt động theo nguyên lý từ trường và cho nó hoạt động trong phòng thí nghiệm, đo được tất cả các tính năng về độ nhạy, điện năng tiêu thụ, mã điều khiển... Từ đó, tìm được phương án đối phó và cách thiết kế các phương tiện chống phá. Ngày 10-10-1967, khi được thông báo địch ném bom lạ xuống Thổ Khối, Gia Lâm, Hà Nội, đoàn cán bộ của viện đã có mặt tại hiện trường cùng với Đội công binh 93 tiến hành rà phá thử để kiểm tra các kết quả nghiên cứu bước đầu ở phòng thí nghiệm. Kết quả, 3 quả bom đã được phá bằng các thí nghiệm dùng tôn thép, nam châm gắn trên ván kéo qua vị trí của bom. Sau này, để phá bom từ trường hiệu quả hơn, viện đã nghiên cứu phá bom từ trường bằng các loại xe phát từ, bằng khung dây... Sau đó, viện cử cán bộ vào chiến trường, có nhiệm vụ vừa huấn luyện, vừa trực tiếp phá bom đồng thời phát hiện, thu thập các loại bom mìn, vũ khí mới, những loại cải tiến mới của địch và gửi ra viện nghiên cứu. Trong những chuyến đi ấy, một số cán bộ của viện đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, đó là: Hoàng Kim Giao, Ngô Trọng Tài, Lê Hoài Tuyên...
Những kết quả nghiên cứu của viện cùng với tấm gương hy sinh anh dũng của những “nhà khoa học-chiến sĩ” đã góp phần giúp cho tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn luôn thông suốt, cho những đoàn xe tiến vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
VƯƠNG HÂN