“Những ngày tháng ở chiến trường, cha tôi đã tranh thủ những giờ phút rảnh rỗi hiếm hoi để viết thư cho vợ con. Đó là một ngày cuối năm 1970, như mọi lần, chúng tôi nhận được thư của cha khi cả nhà đang đi sơ tán ở Thái Bình”, bà Bùi Lệ Dung mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Nói rồi bà lấy điện thoại cho chúng tôi xem hình ảnh hai bức thư gia đình bà đã trân trọng giữ gìn mấy chục năm qua. Bà cho biết, những lá thư gốc đã được gia đình bà trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam năm 2016 để bảo quản, gìn giữ lâu dài. Bà trầm ngâm nhớ lại khoảnh khắc 5 chị em bà nhận được những bức thư đặc biệt ấy...

Khác với những lần trước viết thư trên giấy có dòng kẻ, lần này, ông Bùi Phan Kỳ tận dụng loại giấy trắng khổ 14x5,5cm, có in hình bông hoa hồng rất đẹp vốn là “chiến lợi phẩm” khi quân Mỹ rút chạy khỏi căn cứ để viết thư cho các con. Bùi Lệ Dung và các em nhận được 3 lá thư dán kín trong một phong bì. Trong đó, một lá thư được gửi cho con gái cả Bùi Lệ Dung, một lá cho con gái thứ hai Bùi Lệ Thủy và một thư chung cho 3 con Bùi Phan Hồng Nga, Bùi Phan Kỳ Anh và Bùi Thanh Nga (còn gọi là Bích Nga).

leftcenterrightdel
Lá thư của ông Bùi Phan Kỳ gửi con gái Lệ Dung, tháng 9-1970. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Trong lá thư gửi cho con gái Lệ Dung, ông Bùi Phan Kỳ viết: “Con hãy suy nghĩ và làm theo phương châm này của bố: Dám nghĩ tất cả, dám làm tất cả thì sẽ có tất cả! Trong cuộc sống, đừng sùng bái một cái gì, đừng sợ sệt một cái gì, đừng đầu hàng một cái gì!”. Những dòng chữ ngắn gọn như muốn truyền đến cô con gái yêu vừa bước vào tuổi 15 phương châm sống của cả một đời người. Hơn ai hết, ông hiểu con gái đã chập chững bước vào ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành, đã tỏ rõ là một cô chị cả đảm đang, biết cách chăm lo chu toàn cho các em từ ngày cả nhà rời Hà Nội về sơ tán nơi làng quê. Lệ Dung khi ấy dù chỉ là cô gái nhỏ bé, yếu ớt nhưng đã đạp xe nhanh thoăn thoắt, giúp mẹ đi chở gạo hay đến cơ quan cũ của bố để nhận tiền lương. Lần nào Lệ Dung cũng được các cô chú ưu tiên, khi cho thêm vài bó rau xanh, hay quả bầu, quả bí.

Còn với người con gái thứ hai mới 13 tuổi, ông Bùi Phan Kỳ nhắn nhủ: “Gửi Lệ Thủy, con gái ngoan của bố. Con hãy tìm hiểu và làm theo lời dạy của bố: Hãy biết quý trọng thời giờ, làm việc gì cũng phải say mê mới có chất lượng. Bỏ phí thời giờ thì cuộc đời rất dài cũng thành ngắn, tranh thủ được thời gian thì sống ngắn cũng thành dài”.

leftcenterrightdel

Ông Bùi Phan Kỳ hạnh phúc bên các con. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Mỗi bức thư chỉ được viết với vài dòng ngắn gọn nhưng là phương châm, quan điểm sống mà người cha khi ấy đang là Phó chính ủy Sư đoàn 324, Quân khu 4 muốn truyền đạt đến các con gái của mình. Ông hiểu tâm lý của các con đều đang ở độ tuổi mới lớn, luôn ưa thích tìm hiểu, khám phá và trăn trở trước những lẽ sống ở đời. Bằng những lời lẽ vô cùng yêu thương, trìu mến, ông đã gửi đến các con sự quan tâm hết mực của người cha.

Bà Lệ Dung kể rằng, các bức thư của cha đều được trình bày rất đẹp với nét chữ tròn trịa, viết in hoa, tô đậm những dòng chữ ông muốn nhấn mạnh khiến cả 5 chị em đọc vừa xúc động trào nước mắt, vừa thấy vô cùng ấm áp. “Chúng tôi đọc thư của cha thuộc lòng, thỉnh thoảng lại mang ra đọc cho nhau nghe. Đó không chỉ là lời dặn dò mà còn là động lực giúp chúng tôi vượt qua mỗi khó khăn, trở ngại của cuộc sống sau này!”, bà Lệ Dung nhớ lại.

Những năm tháng ở chiến trường, đó là lần duy nhất ông Bùi Phan Kỳ gửi thư đồng thời cho các con. Còn đa số, ông dành thời gian ít ỏi của mình để viết những lá thư chung cho vợ con. Sau này, do điều kiện chiến tranh, di chuyển chỗ ở nhiều lần nên gia đình bà Lệ Dung chỉ giữ lại được hai bức, bức thư chung viết cho 3 người em Hồng Nga-Kỳ Anh-Thanh Nga đã bị thất lạc. Trong trí nhớ của mình, bà Lệ Dung vẫn còn lưu lại những vần thơ cha gửi tặng các em trong bức thư ấy: “Con gái Hồng Nga/ Ríu rít hát ca/ Học chăm, làm giỏi/ Yêu mẹ, giúp bà/ Bao giờ thắng Mỹ/ Bố về tặng hoa/ Con trai Kỳ Anh/ Chăm chỉ học hành/ Đừng làm nũng mẹ/ Bích Nga đồng tình...”.   

NGUYỄN THỊ HỢP