Sau hơn 50 năm kể lại trận đầu đánh Mỹ, tôi muốn dành niềm vinh hạnh ấy cho người thủ trưởng đáng kính-Đại đội trưởng Lê Văn Điển. Bây giờ không biết ông ở đâu, cùng với những chiến sĩ Tiểu đoàn 49 anh hùng trên đất miền Đông? Tôi mong họ đọc được bài viết ngắn này với tình cảm sâu sắc nhất.

... Tôi đắp thêm đất cho bờ công sự phía trước dày hơn để có thể chống được đạn thẳng. Màu đất trắng mới nguyên phủ một lớp lá rừng ngụy trang. Đường xạ kích thông thoáng, đằng sau không có vật chắn. Từ đây đến chỗ mục tiêu sẽ xuất hiện chỉ chừng mươi mét. Trong khi tình hình vẫn yên ắng, tôi luồn dưới đám cây le ra chỗ trống quan sát. Con đường be (đường khai thác gỗ), từ lộ đá đỏ chạy thẳng về phía những khu rừng giáp biên giới Campuchia, lâu ngày không dùng cây non đã phủ kín. Không phải đến lúc này mà từ hôm qua, Đại đội trưởng Lê Văn Điển, một người nổi tiếng nghiêm khắc và tư duy chiến thuật rất tốt đã chọn khúc cua này đặt trận địa. Dưới sự chỉ huy của ông, những lính mới lần đầu tham chiến như chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng. Tổ chiến đấu có 3 tay súng: 1 B40 và 2 tiểu liên AK được bố trí cách nhau chừng 6m, tất cả đều đã sẵn sàng. Hiểu đây là thử thách đầu tiên của tôi, lại là trận đánh quan trọng góp phần làm thất bại âm mưu của địch, đại đội trưởng nói: “Chúng ta chủ động là nắm chắc 60% thắng lợi rồi, cậu là người nổ phát súng quyết định của trận đánh, cần hết sức bình tĩnh”. Quả thực tôi rất hồi hộp và lo lắng. Cái lo lắng của một tân binh lần đầu vào trận với biết bao câu hỏi, lỡ bắn trượt mục tiêu, rồi lỡ đạn không nổ hay chưa kịp bóp cò thì bị địch phát hiện? Chắc chắn bản thân hy sinh nhưng quan trọng hơn là kế hoạch tác chiến thất bại. Dường như “đọc” được những suy nghĩ của tôi, đại đội trưởng động viên: “Cậu cứ tự tin, không có gì phải băn khoăn về súng đạn, đã bắn là nổ, là nhất định xe tăng địch cháy, chúng ta sẽ thắng trong trận này”.

leftcenterrightdel
Minh họa: Lê Hải

Cuối tháng 2, đầu tháng 3-1967, sau nhiều tháng trời hành quân vượt Trường Sơn, đơn vị tôi đã đặt chân lên vùng đất Tây Ninh thì chạm trán ngay với sư đoàn bộ binh 25. Tây Ninh nơi chúng tôi đóng quân là rừng chồi, mọc xen kẽ với le. Dưới rừng le, dưới những “mái nhà” ấy là căn cứ, đường giao liên, đường thồ, ngay cả khi trực thăng địch rà sát trên đầu, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Những chuyến xe thồ chở đầy súng đạn vẫn nối tiếp nhau thẳng xuống chiến trường; những đoàn quân lên, quân xuống vẫn liên tục ngày đêm. Để thực hiện trận càn này, đối phương huy động một lực lượng hỗn hợp gồm cả quân Mỹ và ngụy lên tới 45.000 tên, với các loại vũ khí, khí tài hiện đại. Bắc Tây Ninh là nơi cuộc hành quân mang tên “Tìm và diệt” này sẽ nhắm tới. Từ lâu, đây là hậu cứ của các cơ quan đầu não của Quân Giải phóng và là nơi tập kết hậu cần với một hệ thống kho tàng rất lớn. Vũ khí, lương thực, lính từ miền Bắc theo hai con đường, qua nẻo Campuchia và đường Trường Sơn tập kết tại đây trước khi tỏa đi khắp các chiến trường từ Khu 6 tới Nam Bộ.

Đơn vị đang trong thời gian nghỉ ngơi chờ lệnh. Nghĩa là “danh chính ngôn thuận” chúng tôi chưa được tham chiến. Nhưng với người lính thì có lệnh là đi, thấy giặc là đánh, luôn trong tư thế sẵn sàng. Gần tuần qua, hằng ngày, máy bay trinh sát L-19 của địch cứ rà đi rà lại dọc theo con đường be, lên tận biên giới Campuchia. Rồi từng tốp trực thăng vũ trang từ Biên Hòa, Tân Sơn Nhất bay thị sát thực địa, làm khuấy động cả khu vực vốn trước đó vẫn yên ắng. Đấy là một sai lầm chết người trong chiến thuật của quân Mỹ. Cậy đông quân, vũ khí mạnh, quân Mỹ không cần giấu kín ý đồ, nhất là với một địa hình rừng núi đầy bí hiểm như chiến trường miền Đông Nam Bộ thì việc “tiền hô hậu ủng” lại càng không thích hợp, thậm chí gây hệ lụy khôn lường. Trong khi phương châm tác chiến của Quân Giải phóng rất linh động, “xuất quỷ nhập thần”, lấy yếu đánh mạnh, nhỏ đánh lớn và luôn lấy yếu tố bí mật, bất ngờ làm đầu. Sự xuất hiện và đường bay của những chiếc trinh sát và trực thăng mấy ngày qua đã vô tình báo cho chúng tôi có một cánh quân của trận càn sẽ đi theo con đường ấy. Đại đội trưởng Lê Văn Điển đã đề nghị ban chỉ huy tiểu đoàn cho ông dẫn theo một tổ chiến đấu chặn đánh địch theo lối du kích, phá vỡ âm mưu của chúng. Là bộ đội miền Nam, quê ở Trà Vinh tập kết ra Bắc, rồi chuyển ngành, nhưng trước tình hình chiến sự mỗi ngày càng ác liệt, ông tình nguyện trở lại quân đội, chia tay vợ con trở về quê hương cầm súng. Trên đường hành quân, ông nổi tiếng là một cán bộ mưu trí, tháo vát nên được tiểu đoàn tin tưởng.

9 giờ địch xuất hiện. Đoàn xe gồm nhiều chiếc M-113, M-41 đi theo đội hình hàng dọc. Đi tới đâu chúng xả súng ra hai bên rừng tới đó. Trên trời, từng tốp trực thăng vũ trang quần thảo, dùng hỏa lực chế áp nhằm bảo vệ cho lực lượng dưới đất. Đạn cày tung mặt đất, cây cối bị phạt đổ ngổn ngang. Chưa vào trận nhưng một chiến sĩ ta đã bị mảnh đạn găm vào cánh tay, máu chảy nhiều nhưng anh vẫn tha thiết xin đại đội trưởng ở lại chiến đấu. Một chiếc M-41 chạy qua. Những tên lính Mỹ đầy vẻ chủ quan ngạo mạn, chúng nhô hẳn lên khỏi thùng xe, nói cười như đi vào chỗ không người. Sự kiêu ngạo này có lẽ một phần đến từ cái tên “Tia chớp nhiệt đới”. Nhưng với chúng tôi thì không có gì đáng ngại, nhất là khi đối phương đã rơi vào trận địa phục kích mà không hề hay biết.

Để làm rối loạn đội hình địch, đại đội trưởng ra lệnh cho tôi bắn chiếc thứ tư. Tôi tì nòng khẩu B40 trên vai, quả đạn hình bắp chuối hướng về phía mục tiêu, ngón tay đặt sẵn lên cò súng. Lại một chiếc M-113 chầm chậm bò qua, bánh xích đang chuyển động, cây cối bị đổ rạp, nghiến nát, chợt nó dừng lại như nghi ngờ điều gì, các loại súng trên xe nổ vang, đạn cày ngay trước công sự nhưng tất cả chúng tôi đều an toàn. Chiếc xe lại tiếp tục lướt qua thước ngắm khẩu B40. Một thoáng hồi hộp, nhưng chợt nhớ tới lời căn dặn của đại đội trưởng, tự tin và can đảm ắt sẽ chiến thắng, tôi hít một hơi đầy lồng ngực, nghe nhịp tim trở lại bình thường. Ngay lúc đó bên tai vang lên tiếng hô dứt khoát “bắn” của đại đội trưởng. Tôi không biết mình siết cò lúc nào, chỉ thấy khẩu súng giật nẩy trên vai, viên đạn vút ra khỏi nòng. Sau tiếng “ùng”, một bụm lửa màu da cam trùm kín chiếc xe M-113. Bọn địch choáng váng, cùng với tiếng kêu “vi-xi, vi-xi” (Việt Cộng, Việt Cộng) là đạn vãi như mưa. Quên cả hiểm nguy, Đại đội trưởng Điển nhào tới ôm lấy tôi, “cháy rồi, cháy rồi, cậu thật tuyệt”. Đây là trận đánh ông trực tiếp chỉ huy đầu tiên trên chiến trường. Có là người trong cuộc mới hiểu hết được niềm vui này. Đội hình địch bỗng nhốn nháo, những chiếc xe tăng vội quay đầu, mạnh ai nấy chạy, vừa chạy tháo thân vừa bắn lung tung. Khi chúng nhận ra mối nguy hiểm ở những cánh rừng của xứ sở nhiệt đới thì mọi sự đã muộn. Ngọn lửa mỗi lúc càng bốc cao, trùm kín chiếc M-113, đạn trên xe nổ ùng oàng, có những viên đạn phóng lên cao làm lũ trực thăng vội dạt ra xa. Tôi lắp quả đạn thứ hai, hai tai ù đặc. Lực lượng nhỏ, vả lại đường rừng cây đổ ngổn ngang, không thuận lợi cho việc truy kích, biết địch sẽ phản ứng mạnh, để tránh thương vong, đại đội trưởng ra lệnh rút lui. Chỉ 15 phút sau khi chúng tôi rời khỏi trận địa, khu rừng đã bị phi pháo địch băm nát, đất đá bị đào xới, lỗ chỗ hố bom. Chúng tôi trở về căn cứ an toàn trong niềm vui của thủ trưởng tiểu đoàn.

Vậy là chỉ với một tổ chiến đấu, bằng cuộc tập kích chớp nhoáng, những người lính của Tiểu đoàn 49 đã góp phần cùng quân dân miền Đông Nam Bộ đánh gục âm mưu của địch trong trận càn Junction City mùa khô năm 1967. Đối phương buộc phải thay đổi chiến thuật, mở hướng càn khác, không dám liều lĩnh đưa quân vào vùng chiến địa đã nếm mùi chết chóc...

LÊ VĂN VỌNG