Mặc dù đã được học lý thuyết về kỹ thuật, chiến thuật đặc công, nhưng đến lúc này, đội vẫn chưa có dịp thực hành. Thậm chí, cán bộ Khu ủy giao nhiệm vụ đi chuẩn bị chiến trường cũng chỉ nghe nói đặc công chứ không biết cụ thể. Lúc đầu, Khu ủy giao nhiệm vụ chuẩn bị và đánh quận lỵ Quế Sơn, nhưng khi đoàn công tác đến Phước Sơn thì cơ sở cho biết địch mới phát hiện có dấu vết cán bộ ta vượt sông Thu Bồn xuống Hòn Tàu, đồng nghĩa với việc hành lang của ta đã bị lộ. Đây là trận đánh mở màn với quy mô lớn thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương ở chiến trường Khu 5, cũng là trận đầu của đặc công Khu 5 nên để chắc thắng, Khu ủy cho chuyển mục tiêu chuẩn bị và đánh quận lỵ Hiệp Đức.

Quận này có đoạn đường hành quân đi về thuận lợi, có nhiều mục tiêu như: Quận đường, khu hành chính, hai đồn cộng hòa và khu bảo an bảo vệ quận… Đi chuẩn bị chiến trường có 6 cán bộ, chiến sĩ đặc công, trinh sát khu và một số đồng chí đặc công, trinh sát của tỉnh. Sau hai ngày hai đêm, đoàn công tác tới được mục tiêu. 18 giờ 30 phút ngày 20-7-1960, đoàn vượt sông Tranh, 19 giờ đến chân núi Hòn Tàu. Chiều 21-7, lợi dụng đàn trâu kéo gỗ xuống núi, người dẫn đường đưa đoàn đi ngược dòng theo mép sông Tranh. Trâu bắt đầu phân tán, theo mục tiêu đã phân công, các mũi đi chuẩn bị và lên phương án tác chiến. Trong đó, Đội trưởng Trần Kim Hùng (sau này là Trưởng phòng Đặc công Quân khu 5) bám hai mục tiêu: Đồn bảo an và khu hành chính; đồng chí Huỳnh Xuân Phóng đi hướng quận đường và đồn cộng hòa; đồng chí Trương Công Búa vào chi cảnh sát Phước Sơn; đồng chí Nguyễn Hoài đi chuẩn bị đồn Phước Sơn. Sau hai đêm trinh sát, Đội trưởng Trần Kim Hùng lên phương án tác chiến và trình Khu ủy phê duyệt. Theo đó, lực lượng chủ công do đặc công khu, tỉnh và trinh sát tăng cường, gồm 22 đồng chí, trang bị 3 khẩu trung liên, còn lại là tiểu liên, thủ pháo, bộc phá, lựu đạn. Phối hợp tác chiến có một trung đội bộ binh của tỉnh Quảng Nam đánh địch khu công chính dã chiến.

leftcenterrightdel

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Kim Hùng (thứ ba, từ trái sang) trong một lần họp mặt cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 89, Thành đội Đà Nẵng.

Theo kế hoạch, ngày 16 và 17-9 hành quân, tối 18, rạng ngày 19 nổ súng. Tuy nhiên, khi ta hành quân đến điểm tập kết cuối cùng, cơ sở báo ngày 19-9, Ngô Đình Diệm đi kinh lý khai thông Đường 16, Đường 14. Chúng đem quân bố trí bảo vệ hai bên đường, bắt dân phát cây cối đề phòng ta đánh phục kích. Trưa 19-9, Diệm về Sài Gòn, cơ sở cho biết lính rút đi chỉ để hai trung đội tại khu công chính Phước Sơn. 24 giờ ngày 20-9-1960, Đội trưởng Trần Kim Hùng phát lệnh đánh chiếm mục tiêu, làm hiệu lệnh cho toàn trận đánh. Sau khoảng một giờ chiến đấu, hướng đồn bảo an, cộng hòa, quận đường và khu hành chính, các mũi lần lượt phất cờ xanh báo hiệu ta đã làm chủ mục tiêu. Lửa cháy rừng rực trong khu quận lỵ, sáng cả một góc trời Hiệp Đức. Ta khẩn trương bắt tù binh, thu vũ khí, phương tiện. Riêng tổ đánh chi cảnh sát, đồng chí Trang khi nhảy lên đánh thì bị vướng dây thép gai làm thủ pháo nổ, hy sinh tại chỗ; đồng chí Kỳ bị địch bắn bị thương. Tổ bị địch chặn lại. Tổ trưởng Trương Công Búa phất cờ đỏ ám hiệu chưa đánh được. Chỉ huy trực tiếp trận đánh Trần Kim Hùng ra lệnh các mũi chiếm giữ chờ lệnh, đồng thời điều một tổ có trung liên tiến sát vào chi cảnh sát, dùng hỏa lực kìm địch để mũi đồng chí Búa lên đánh. Trung liên bắn vào hướng chính diện mục tiêu, sau chuyển hướng bắn sang trái, phải để hướng chính cho bộ đội đột phá. Tổ trưởng Trương Công Búa chớp thời cơ, nhảy lên đánh chiếm chi cảnh sát. Như vậy, sau 5 giờ chiến đấu liên tục, ta làm chủ hoàn toàn trận đánh.

Đơn vị thu dọn chiến trường xong, Bí thư Huyện ủy Bốn Lê đã vận động hai xe khách tại chợ Tân An (Hiệp Đức, Quảng Nam) chạy tuyến Tam Kỳ-Đà Nẵng chở chiến lợi phẩm cùng lực lượng tham gia trận đánh lui về Phước Sơn. Đặc biệt, sau trận đánh có 30 thanh niên cơ sở thoát ly lên căn cứ, bổ sung vào LLVT của khu, tỉnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN AN KHÁNH(*)

(*) Ghi theo lời kể của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Kim Hùng, đã mất năm 2011