Không chỉ ở Việt Nam mà tại tất cả các quốc gia trên thế giới, người thầy luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội và mang yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Từ xưa đến nay, trong dân gian ai cũng thuộc câu: “Không thầy đố mày làm nên”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (có nghĩa là một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)...
Trong giai đoạn hiện nay, khi tri thức không còn nắm độc quyền trong tay người thầy nữa, bản thân người học có thể tìm kiếm tri thức ở nhiều nguồn khác nhau (sách, báo, internet...) thì người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng là cầu nối, truyền động lực cho người học, quyết định đến chất lượng giáo dục.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thầy cô giáo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới mà chúng ta đang thực hiện (Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông 2018) là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời; biết định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có cuộc sống giàu ý nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Để thực hiện được mục tiêu của chương trình trên đây đòi hỏi đội ngũ nhà giáo Việt Nam phải có những yêu cầu mới và vai trò của người thầy càng được khẳng định trong sự nghiệp GD-ĐT.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có gần 1,5 triệu cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Các nhà trường bước đầu được đổi mới theo tinh thần phát huy tính năng động, chủ động và tích cực của người học.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình GD-ĐT. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phần lớn là những nhà giáo có trình độ, năng lực quản lý tốt. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có chuyển biến tốt, hoạt động tại các cơ sở GD-ĐT đã phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo.
Nhân dân cả nước ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. Rất nhiều hình ảnh cảm động trên báo chí và mạng xã hội về các thầy giáo, cô giáo tích cực, chủ động trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và quản lý. Hầu hết đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ, viên chức giáo dục các cấp học, bậc học có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, tự học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện đổi mới sáng tạo, vận dụng các phương pháp giảng dạy mới theo hướng chuẩn hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục ngày càng thiết thực, hiệu quả. Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn còn những bất cập. Giáo viên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông chưa bảo đảm cơ cấu môn học, nhất là khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có một số môn học mới. Tình trạng thừa-thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của nhiều địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Việc đánh giá giáo viên còn một số bất cập; chính sách tiền lương đối với đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non chưa tương xứng cho nên chưa tạo được động lực phấn đấu cho đội ngũ.
Dư luận xã hội rất bức xúc trước thực trạng một số ít giáo viên ứng xử, hành xử không đúng mực với học sinh và phụ huynh học sinh. Tình trạng thầy, cô giáo đánh mắng học sinh thời nào cũng có nhưng sau khi có internet và mạng xã hội thì vấn nạn này lại tác động sâu sắc đến xã hội hơn, tạo ra những vụ “ném đá” dữ dội trên không gian mạng.
Gần đây, một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến ngành giáo dục đã được phanh phui gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho đội ngũ nhà giáo. Ngày 24-10-2022, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Phùng Xuân Nhạ.
Việc xử lý kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Phùng Xuân Nhạ cũng như những nhà giáo khác sai phạm được dư luận đồng tình vì làm như vậy để đội ngũ nhà giáo Việt Nam trong sạch hơn, vững mạnh thêm. Thế nhưng một số người đội lốt “nhà dân chủ”, “trí thức trong sạch” lại cho rằng, “đội ngũ nhà giáo cộng sản Việt Nam không xứng đáng được gọi là thầy”. Trên mạng xã hội, một số người còn đưa những hình ảnh không đẹp về người thầy rồi xuyên tạc, cho rằng “đạo làm thầy đã không còn nữa”... Cá biệt có trường hợp lợi dụng vài ba vụ việc đơn lẻ xảy ra trong hoạt động giáo dục để xuyên tạc mục tiêu, bản chất tốt đẹp của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Ví như họ coi ngành giáo dục là “ngành ăn mày xã hội”, viễn cảnh giáo dục Việt Nam như một bức màn “màu đen xám xịt”...(!)
Viết về giáo dục, về đội ngũ những người làm thầy trong xã hội mà bằng những lời lẽ vô văn hóa, phản giáo dục như vậy đã bộc lộ rõ “tim đen” của những người mang danh “yêu nước” nhưng thực chất là phản dân, hại nước. Chúng ta luôn trân trọng các ý kiến phản biện, nhất là phản biện trong lĩnh vực GD-ĐT, nhưng phải công tâm, khách quan khi đánh giá đội ngũ các nhà giáo Việt Nam.
ĐỖ PHÚ THỌ