Sau Hiệp định Geneve năm 1954, nhân lúc chính quyền Ngô Đình Diệm còn chưa ổn định, Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Kỳ (Quảng Nam) đã chỉ đạo cán bộ hợp pháp Trần Chí Thành tổ chức xây dựng cơ sở. Chấp hành lệnh trên, ông Thành bàn với xã trưởng Kỳ Hương Nguyễn Bá Tuân-một cơ sở của ta, tuyển lựa một số thanh niên có thành phần gia đình, nhân thân tốt bố trí làm việc ở xã. Ông Tuân cho biết: “Ở thôn Phương Hòa có thanh niên Huỳnh Hoài sinh năm 1937, có thể bồi dưỡng và phát triển được”. Sau đó, Huỳnh Hoài được bổ sung vào nghĩa quân xã Kỳ Hương (nay là phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ). Thử thách một thời gian, xã trưởng Nguyễn Bá Tuân cử Huỳnh Hoài đi học trường hành chính quốc gia đào tạo trung đội trưởng địa phương quân của chính quyền Sài Gòn. Ra trường, anh lần lượt làm trung đội trưởng, liên trung đội trưởng địa phương quân bảo vệ khu tỉnh đường.

leftcenterrightdel
Đồng chí Huỳnh Hoài. Ảnh do ông Trần Chí Thành cung cấp.

Từ vỏ bọc hợp pháp đó, Huỳnh Hoài tổ chức xây dựng cơ sở ở 3 trung đội nghĩa quân. Trung đội 1 do anh trực tiếp làm Trung đội trưởng, Trung đội 2 và Trung đội 3 do các đồng chí Nguyễn Lầu (còn gọi là Nguyễn Anh), Bùi Khá làm Trung đội trưởng, đều là đảng viên. Đến năm 1965, ngoài 3 đảng viên trên, nhờ sự phát hiện của Huỳnh Hoài, liên trung đội nghĩa quân còn phát triển thêm 4 đồng chí khác. Với đảng số này, ta đã thành lập chi bộ khu tỉnh đường Quảng Tín (năm 1962, chính quyền Việt Nam cộng hòa chia Quảng Nam thành hai tỉnh là Quảng Tín và Quảng Nam, tỉnh đường Quảng Tín đóng tại thị xã Tam Kỳ). “Đồng chí Huỳnh Hoài không chỉ cung cấp thông tin, tổ chức lực lượng phối hợp công tác mà còn trực tiếp chiến đấu dưới vỏ bọc hợp pháp”, nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ Trần Chí Thành cho biết.

Hoạt động trong lòng địch, có nhiệm vụ chính là cung cấp tin tức nhưng không ít lần Huỳnh Hoài đã trực tiếp chiến đấu hoặc hỗ trợ chiến đấu cho các lực lượng vũ trang. Tháng 5-1966, phát hiện tên quận phó Hiệp Đức về ngủ tại nhà, Huỳnh Hoài trực tiếp đi tuần tra địa bàn. Trong hành trang đêm ấy, anh mang theo quả mìn hẹn giờ. Mìn nổ, căn nhà của tên quận phó bị đánh sập. Khoảng 3 tháng sau, 10 giờ ngày 29-8-1966, xã trưởng Kỳ Hương Nguyễn Bá Tuân nắm được thông tin tối hôm ấy thường vụ quốc dân đảng tỉnh Quảng Tín họp nhanh, trong cuộc họp có Phan T., một cán bộ trung ương Quốc dân đảng dự nắm tình hình để sang ngày 30-8 vào Sài Gòn họp trung ương Quốc dân đảng. Nhận thấy đây là cơ hội để diệt địch, ông Tuân báo cho Đội trưởng Đội công tác khu B Trần Chí Thành đến để bàn kế hoạch. Sau khi nắm tình hình, ông Thành cho mời liên trung đội trưởng Huỳnh Hoài đến và hỏi: “Làm răng để tối nay phải đánh được trung ương Quốc dân đảng?”. Không cần suy nghĩ lâu, Huỳnh Hoài đáp: “Đánh thì dễ rồi nhưng phải có thuốc nổ”. Tình thế khẩn trương, ông Thành cho gọi đồng chí Danh là cơ sở nhờ chị Thị (chị gái Danh) về vùng giải phóng lấy hơn 1kg thuốc nổ C4 và 3 kíp hẹn giờ. Phương án ban đầu được đưa ra là gài mìn bên ngoài rồi bấm bay vào. Tuy nhiên, thấy không ổn nên ông Nguyễn Bá Tuân cản: “Làm thế là lộ”. Cả ba quyết định chuyển phương án, giao nhiệm vụ cho Huỳnh Hoài đánh bằng cách đi xe áp vô, gài thuốc nổ và rút êm. Chiều muộn, Huỳnh Hoài rủ mấy người bạn đi xe máy vào trụ sở Quốc dân đảng tỉnh Quảng Tín thăm bạn bè đang bảo vệ trụ sở. Lợi dụng thời cơ không ai để ý, Huỳnh Hoài vờ đi vệ sinh và đặt khối thuốc tại đây. 19 giờ 30 phút, khi toán lính nghĩa quân thăm bạn về đã khá lâu, một tiếng nổ lớn vang lên, đánh sập toàn bộ căn nhà. 5 tên ban thường vụ Quốc dân đảng tỉnh Quảng Tín và một số binh lính bị tiêu diệt. Ủy viên trung ương Quốc dân đảng Phan T. bị thương nặng, mâu thuẫn nội bộ Quốc dân đảng trở nên gay gắt. Đến tháng 10-1966, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an về việc bắt sống tên lưới trưởng tình báo an ninh F8 Nguyễn T. của địch, cơ sở Huỳnh Hoài chịu trách nhiệm nắm tình hình, chuẩn bị quần áo, phù hiệu của lính trung đoàn 51 quân đội Sài Gòn cho lực lượng an ninh thị xã, bố trí nghĩa quân chốt giữ để sắc lính khác khỏi đến khu vực tác chiến. Sự mưu trí sáng tạo của Huỳnh Hoài đã góp phần không nhỏ trong chiến công chung.

Tháng 7-1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Huỳnh Hoài được Tỉnh ủy bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Tam Kỳ. Một năm sau đó, anh hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ. Ghi nhận những đóng góp của Thị ủy viên Huỳnh Hoài, cuốn “Lịch sử Công an nhân dân thành phố Tam Kỳ 1945-1983” (tr.150) khẳng định: “Thành công lớn nhất trong việc xây dựng cơ sở bí mật, hoạt động có hiệu quả của an ninh thị xã Tam Kỳ là xây dựng cơ sở Huỳnh Hoài, một thanh niên được an ninh bố trí vào lực lượng địa phương quân của địch, dần trở thành liên trung đội trưởng nghĩa quân và thị ủy viên hợp pháp”.      

NGUYỄN SỸ LONG