Đưa chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất pháo hoa của nhà máy, Trung tá, Thạc sĩ Lê Đức Hạnh, Phó giám đốc Nhà máy Z121 tự hào giới thiệu: Nhà máy có được sự phát triển và trở thành cơ sở sản xuất pháo hoa hàng đầu nước ta hiện nay, trước hết bắt nguồn từ sự nỗ lực, không quản ngại khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ đột xuất sản xuất pháo hoa phục vụ bắn chào mừng Quốc khánh đầu tiên nước nhà thống nhất, ngày 2-9-1975.
Theo dòng lịch sử của nhà máy mà Trung tá Lê Đức Hạnh thông tin, vào đầu tháng 5-1975, đồng chí Nguyễn Khắc Tích, Chính ủy Nhà máy V121 (nay là Z121) và đồng chí Phan Thượng Trí, Phó giám đốc kỹ thuật Nhà máy V121, được cấp trên triệu tập về Hà Nội và giao nhiệm vụ đột xuất: Sản xuất 1.000 quả pháo hoa để bắn chào mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1945 / 2-9-1975) và khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nhiệm vụ quan trọng, vinh dự đặc biệt. Song lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, công nhân, chiến sĩ của nhà máy thì không khỏi băn khoăn, lo lắng, vì nhà máy chưa tổ chức sản xuất pháo hoa bao giờ. Thời gian để hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong vòng 3 tháng. Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn, xin ý kiến chuyên gia, thảo luận ở các tổ, phân xưởng, các tổ chức quần chúng và lắng nghe sự hiến kế của các kỹ thuật viên, công nhân viên. Qua họp bàn, thảo luận, toàn nhà máy quyết tâm nghiên cứu, sản xuất bằng được pháo hoa để phục vụ ngày lễ lớn của dân tộc.
Trung tá Lê Đức Hạnh chia sẻ, là cán bộ kỹ thuật trẻ, khi về công tác ở nhà máy, anh đã tìm hiểu và học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các thế hệ cán bộ tiền bối của nhà máy, nhất là sự nỗ lực sáng tạo, khắc phục khó khăn. Chuyện sản xuất pháo hoa những ngày đầu cũng vậy. Các cán bộ lãnh đạo nhà máy như Phó giám đốc kỹ thuật Phan Thượng Trí, Trưởng phòng Công nghệ Lê Đình Tuy, Phó trưởng phòng Kiểm nghiệm Lê Cán... ngày đêm cùng với những kỹ thuật viên, công nhân có tay nghề cao nghiên cứu, xây dựng các phương án, thử nghiệm sản phẩm. Vào thời điểm đó, nhà máy nhận được tin Bộ tư lệnh Thủ đô còn giữ trong kho 1.000 quả pháo hoa do nước bạn viện trợ. Số pháo hoa này đã sản xuất từ lâu nên xuống cấp nghiêm trọng. Song lãnh đạo nhà máy đề nghị được nhận số pháo hoa trên về nghiên cứu sửa chữa. Khi được trên phê duyệt, nhà máy huy động toàn bộ lực lượng cán bộ kỹ thuật, cán bộ Phòng Công nghệ và Phòng Kiểm nghiệm nghiên cứu kết cấu vỏ, thuốc nhồi, cách lắp viên màu, túi màu... Do pháo hoa đã quá hạn sử dụng, thuốc pháo đều bị ẩm, các kỹ thuật viên đưa ra phương án khoan lỗ trên vỏ rồi tiến hành sấy khô. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc, nhận thấy không thể thực hiện phương án này vì không bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm, các kỹ thuật viên nhà máy tiếp tục nghiên cứu và thống nhất phương án: Phân loại rồi bóc giấy bồi, tháo từng quả, mỗi quả để riêng một khay mang đi sấy. Vì chưa có kinh nghiệm nên mẻ sấy đầu tiên bị quá nhiệt. Các cán bộ, kỹ thuật viên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiến hành tách thuốc đen, viên màu, túi màu ra, mỗi loại đem đi sấy riêng. Khi cắt bóc quả nào thì vẽ, mô tả vị trí sắp xếp, cấu tạo của pháo. Sau khi sấy, phân tích, kiểm nghiệm đạt yêu cầu từng chủng loại, rồi mới lắp lại từng quả theo đúng mẫu ban đầu, bồi giấy nguyên kích thước, quét gôm, dán ký hiệu, đưa vào hòm bảo quản...
Sau khoảng hai tháng tiến hành sửa chữa, phục hồi, Nhà máy V121 đã bàn giao 1.000 quả pháo hoa về Hà Nội để kịp phục vụ bắn mừng ngày đại lễ của dân tộc.
HƯƠNG THU