Từ nhiệm vụ chưa có tiền lệ  

Ngược dòng lịch sử trở về 45 năm trước, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học-kỹ thuật thông tin, quản lý, khai thác và bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống TTLL; thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu về tổ chức lực lượng của Binh chủng Thông tin, ngày 27-9-1976, Bộ tư lệnh TTLL ban hành quyết định về việc thành lập Viện Kỹ thuật thông tin (KTTT) trực thuộc binh chủng. Đây chính là tiền thân của TTKTTTCNC ngày nay.

Chỉ thời gian ngắn sau đó, trung tuần tháng 10-1976, những cán bộ đầu tiên của Viện KTTT gồm các đồng chí: Nguyễn Tất Hiển, Nguyễn Thừa Bảng, Lương Thị Thái... được lệnh tham gia đoàn công tác của binh chủng do Trưởng phòng Viễn thông Nguyễn Diệp (sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng TTLL) chủ trì, vào Trung tâm Viễn thông liên kết Sài Gòn chỉ đạo và trực tiếp kiểm tra, thống kê, đánh giá chất lượng hệ thống thông tin quân sự kết hợp thu được của Mỹ-ngụy. Nhớ lại chuyến công tác đầu tiên đó, Đại tá Nguyễn Tất Hiển, nguyên Viện trưởng Viện KTTT kể: “Thực hiện nhiệm vụ được giao, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 596 (nay là Lữ đoàn 596, Binh chủng TTLL) khẩn trương sửa chữa, đồng chỉnh hệ thống thiết bị, khôi phục và đưa vào khai thác hệ thống ICS (trạm viễn thông liên kết) từ Phú Bài vào TP Hồ Chí Minh và từ TP Hồ Chí Minh đến Đồng bằng sông Cửu Long. Cán bộ của viện nhanh chóng nghiên cứu, biên dịch, tiến hành biên soạn có hệ thống các bộ tài liệu về quản lý, khai thác hệ thống viễn thông liên kết, đồng thời tham gia huấn luyện cho hơn 150 nhân viên khai thác các thiết bị mới. Nhờ cố gắng chấn chỉnh mạng lưới thông tin và tập trung huấn luyện nâng cao trình độ khai thác của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, hệ thống viễn thông ở miền Nam hoạt động ổn định, chất lượng tín hiệu tốt, tỷ lệ liên lạc cao, đáp ứng yêu cầu bảo đảm TTLL cho lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp củng cố các vùng mới giải phóng, ổn định và từng bước phát triển kinh tế-xã hội”.

leftcenterrightdel

Đại tá Hồ Xuân Hổ (ngoài cùng, bên phải), Giám đốc trung tâm kiểm tra công tác lắp đặt, demo thiết bị. Ảnh: VŨ PHONG 

 Liên tiếp những năm sau này, phát huy khí thế của trận đầu ra quân nói trên, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Viện KTTT đã có những đóng góp tích cực vào công tác tiếp quản, quản lý, đưa vào khai thác hệ thống viễn thông liên kết; chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp sửa chữa những thiết bị hỏng hóc, xuống cấp, góp phần bảo đảm TTLL, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với các đơn vị toàn quân. Là một người rất kiệm lời, nhưng khi nghe đồng đội ôn lại kỷ niệm cũ, trong lần gặp mặt mới đây, Đại tá Hoàng Quang Linh cũng không giấu nổi bồi hồi chia sẻ về một lần ông được giao đảm nhận nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy mã thoại K06. Ông kể: “Thời điểm đó, đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ. Nhóm 5 kỹ sư chúng tôi phải tự tìm đọc sách, mày mò tìm hiểu nguyên lý, cấu trúc, phân công người phụ trách xây dựng nguyên tắc mã, sơ đồ khối... Phải mất vài năm, sau rất nhiều lần thử nghiệm không thành công, đến năm 1980, chúng tôi mới được thông qua quyết định đưa đến Nhà máy M3 (nay thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội-Viettel) sản xuất hàng loạt”. Máy mã thoại K06 ra đời đáp ứng đúng thời điểm chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc đang rất cần. Điều này mãi về sau kỹ sư Hoàng Quang Linh và các cộng sự mới được cho biết.

Đến những chiến công nối dài

Từ năm 1976 đến nay, TTKTTTCNC trải qua nhiều giai đoạn phát triển với những yêu cầu và tính chất nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn. Đặc biệt, khoảng 10 năm trở lại đây, công nghệ viễn thông nói chung, trong đó có lĩnh vực thông tin quân sự có bước chuyển nhảy vọt, phát triển mạnh cả về bề rộng và chiều sâu, từ hạ tầng mạng lưới đến chất lượng cung cấp các dịch vụ. Bằng nỗ lực, sự tập trung trí tuệ của một tập thể đồng lòng, trung tâm đã có những đóng góp quan trọng trong công tác nghiên cứu làm chủ công nghệ, kỹ thuật mới và thiết kế, chế thử, chuyển giao công nghệ các trang thiết bị thông tin quân sự công nghệ cao trong lộ trình tiến thẳng lên hiện đại của Binh chủng TTLL. Câu chuyện đưa “cánh sóng thông tin” ra Trường Sa là một ví dụ.

Bắt đầu từ năm 2009, thực hiện chủ trương của cấp trên, Đảng ủy, Bộ tư lệnh TTLL đã giao cho TTKTTTCNC chủ trì phối hợp với các lực lượng triển khai dự án lắp đặt hệ thống VSAT thành phần Bộ Quốc phòng. Theo Đại tá Nguyễn Duy Hiền, nguyên Phó giám đốc trung tâm (người trực tiếp chỉ huy việc lắp đặt hệ thống VSAT trên các điểm đảo ở Trường Sa) thì sau khi hoàn thiện các bước thiết kế, đơn vị đã tổ chức tuyển chọn đội ngũ cán bộ kỹ sư chất lượng cao làm nhiệm vụ tại thực địa. “Cá nhân tôi, trong các giai đoạn của dự án đã đi đến hầu hết các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tôi nhớ có những chuyến tàu đi biển lênh đênh tới hơn 3 tháng, gặp không ít sóng to gió lớn, rất khó khăn cho việc tiếp cận đưa người và trang bị thông tin lên các đảo, nhà giàn. Nhưng với sự chung sức, đồng lòng, bộ đội TTLL đã làm nên kỷ lục mới trong công tác chuẩn bị, tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hàng trăm tấn trang thiết bị vượt hàng nghìn hải lý và tiến hành lắp đặt thành công hệ thống VSAT”, Đại tá Nguyễn Duy Hiền cho biết.

leftcenterrightdel
 Cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao trực tiếp lắp đặt, huấn luyện VSAT trên tàu hải quân (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: VŨ PHONG

Nếu nhiều năm trước, nói tới việc liên lạc thoại từ đất liền ra Trường Sa và ngược lại là một điều gần như không tưởng thì bây giờ, điều không tưởng đã trở thành hiện thực nhờ những "cánh sóng thông tin" vượt biển nối đảo và đất liền do cán bộ, nhân viên TTKTTTCNC thực hiện bằng việc triển khai thành công lắp đặt hệ thống VSAT tại 100% đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK. Không dừng lại ở đó, cán bộ, chiến sĩ TTKTTTCNC còn nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị bảo vệ VSAT để phương tiện này có thể hoạt động tốt nhất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đồng thời định kỳ, bộ đội thông tin lại vượt sóng ra khơi, trực tiếp hướng dẫn bộ đội trên các nhà giàn, các đảo về kỹ thuật sử dụng phương tiện, làm chủ công nghệ thông tin tiên tiến. Chính nhờ những nỗ lực đó mà đến nay, việc theo dõi, nắm bắt tình hình trên khu vực quần đảo Trường Sa khá thuận lợi, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng với đó, hệ thống này còn giúp kết nối trực tuyến các bệnh viện Trung ương và quân đội với trạm y tế trên các điểm đảo và tàu y tế, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe quân-dân trên biển, đảo. Bộ đội Trường Sa cũng được đáp ứng tốt hơn các nhu cầu tinh thần như: Xem truyền hình, theo dõi tin tức qua internet... 

Do đặc thù nhiệm vụ có tính bảo mật cao nên kết quả công tác của đơn vị ít được tuyên truyền cụ thể. Nhưng không vì thế mà những cán bộ, kỹ sư, nghiên cứu viên của trung tâm giảm nhiệt huyết cống hiến. Họ vẫn lặng thầm ngày đêm, miệt mài với từng bảng mạch điện tử để cho ra đời những sản phẩm nghiên cứu mới, góp phần quan trọng vào thực hiện “Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2011-2020” và “Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xây dựng Binh chủng TTLL tiến thẳng lên hiện đại. Trong một báo cáo mới đây, chúng tôi được biết, từ năm 2015 đến 2020, trung tâm có gần 50 đề tài, công trình nghiên cứu được thực hiện; 1 đề tài cấp Nhà nước được triển khai, 1 đề tài cấp Bộ Quốc phòng nghiệm thu đạt xuất sắc. Đội ngũ cán bộ trẻ tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp toàn quân hằng năm đều đoạt giải cao với 25 giải nhất, nhì, ba; 2 đề tài đoạt giải nhì, khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTECH). Trung tâm còn đạt được kết quả đột phá trong công tác xây dựng hồ sơ pháp lý cho các sản phẩm nghiên cứu, đủ điều kiện sản xuất loạt “0” để đưa vào trang bị; được Bộ Quốc phòng phê duyệt tính năng kỹ thuật, chiến thuật, tài liệu thiết kế dấu A cho 6 sản phẩm; tài liệu thiết kế dấu B cho 1 sản phẩm, cấp Giấy chứng nhận thiết kế sản phẩm quốc phòng cho 4 sản phẩm; sản xuất trang bị loạt “0” cho 9 loại sản phẩm; hơn 100 tài liệu, 54 quy trình công nghệ đã được biên soạn đáp ứng tốt cho công tác huấn luyện và sửa chữa, sản xuất vật tư, góp phần bảo đảm kỹ thuật theo phân cấp, vùng miền... “Chính từ những kết quả trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Binh chủng Thông tin lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã tiếp tục lựa chọn TTKTTTCNC là một trong hai đơn vị nòng cốt được binh chủng đầu tư chiều sâu công nghệ trong hành trình tiến thẳng lên hiện đại. Đây là sự tin tưởng, ghi nhận của cấp trên, đồng thời cũng là "tiếng trống lệnh" để mỗi thành viên của trung tâm quyết tâm hoàn thành tốt trọng trách trên cương vị được giao”, Đại tá Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên trung tâm khẳng định.

SONG THANH