Sóng gió trong ngành y tế
Hai năm 2021, 2022 là thời điểm “sóng to gió lớn” chưa từng có trong lịch sử ngành y tế Việt Nam khi đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội. Các thầy thuốc phải căng mình chống đỡ. Cùng với đại dịch căng thẳng là vụ việc của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), khiến cho ngành y tế chao đảo, các hoạt động khám, chữa bệnh và tâm tư của đội ngũ y, bác sĩ, người lao động trong ngành y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều cán bộ y tế sai phạm, bao gồm cả Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã vướng vào vòng lao lý. Tình trạng các thầy thuốc bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư, bệnh viện công thiếu nhân lực, vật tư, thiết bị y tế, thuốc men, sinh phẩm... đã gây ra những “căn bệnh nan y” trong chính ngành y tế.
Phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2022, nhiều đại biểu đã dũng cảm “mổ xẻ” ngành y tế và khẳng định những cán bộ sai phạm chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể chỉ nhìn vào những cán bộ đó mà có cái nhìn thiếu thiện cảm với đội ngũ thầy thuốc đang hằng ngày, hằng giờ chiến đấu giành lại sự sống cho bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Gần cuối năm 2022, nhân sự cố để xảy ra sai sót về hình ảnh logo trong lễ khai mạc Kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 của Bộ Y tế tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội, hình ảnh logo “rắn ngậm phong bì” đã tràn ngập trên mạng xã hội. Hình ảnh này bị không ít người suy diễn, miệt thị, quy chụp... và đích đến là đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế.
Đục nước béo... xuyên tạc
Theo xác nhận của cơ quan chức năng, hình ảnh logo “rắn ngậm phong bì” xuất hiện trong sự kiện nói trên là do một cán bộ kỹ thuật giúp việc Ban tổ chức làm sai và đã bị xử lý kỷ luật. Vấn đề chỉ có vậy, nhưng thật khó hiểu khi trong môi trường đầy đủ thông tin như hiện nay vẫn còn nhiều người cố tình hiểu sai, diễn đạt nó bằng sự ác ý và rồi không ngần ngại “nhấn phím” để nhân rộng, đẩy câu chuyện đi xa...
Chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều thầy thuốc và bệnh nhân cảm thấy rất bức xúc. Bởi lẽ, ngành nào cũng vậy, đều có những người tốt và người chưa tốt. Không chỉ vì ai đó là thầy thuốc “vòi vĩnh phong bì” mà quy chụp cho tất cả thầy thuốc đều có hành vi đó. Có bác sĩ nổi tiếng đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi không nghĩ lại có nhiều người ác ý như vậy. Họ dễ dàng nhạo báng những người mà mới hôm qua, hôm kia là ân nhân chăm sóc sức khỏe cho họ, gia đình, con cái của họ”.
Cần được tôn vinh xứng đáng
Có lẽ một số người nói trên không biết hoặc cố tình không biết rằng, từ xưa đến nay, nghề chăm sóc sức khỏe luôn được cả xã hội tôn vinh, gọi những người hành nghề là thầy thuốc. Hiếm có nghề nào mà xã hội lại đòi hỏi cao cả về phẩm chất và tài năng như nghề y. Do đó, việc tuyển chọn, đào tạo trong ngành này cũng rất đặc biệt. Tại Việt Nam, thời gian đào tạo để trở thành bác sĩ thường kéo dài ít nhất 6 năm, trong khi đại đa số chương trình đào tạo bậc đại học các ngành khác chỉ kéo dài từ 4 đến 5 năm. Điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học y, dược luôn ở tốp cao nhất. Vào học trường y là niềm tự hào của rất nhiều sinh viên, gia đình và dòng họ. Thế nhưng, trước khi trở thành thầy thuốc, mỗi người theo học ngành y đều phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện nghiêm ngặt về nghiệp vụ chuyên môn, kèm theo đó là các điều quy định về y đức.
Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận nhiều tấm gương thầy thuốc giỏi cả về y thuật và sáng ngời về y đức. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có biết bao thế hệ cán bộ và nhân viên ngành y tế có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Trong đó có không ít người để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, mang trong mình những căn bệnh quái ác do nhiễm chất độc hóa học, thậm chí nhiều người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Những năm hòa bình sau này, người thầy thuốc Việt Nam vẫn tiếp tục bền bỉ, kiên cường, dũng cảm chiến đấu nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, những căn bệnh lạ thế kỷ... và đã được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.
    |
 |
Trạm Quân y dã chiến, năm 1970 (tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật, năm 2007. Ảnh: VÕ AN KHÁNH |
Đặc biệt, trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19 những năm qua, đã có biết bao tấm gương thầy thuốc kiên cường trên tuyến đầu chống dịch, tận tâm, tận lực cứu chữa bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trên thực tế, ở đâu đó vẫn còn những lời than phiền về y đức của một số thầy thuốc, về sự tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cơ sở y tế.
Cách đây 68 năm, ngày 27-2-1955, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế. Trong bức thư, Người căn dặn thầy thuốc nước ta: “Lương y phải như từ mẫu”. Ngày 27-2 đã được chọn là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đó không chỉ là ngày ghi nhận, tôn vinh sự cống hiến to lớn và bày tỏ sự biết ơn đội ngũ thầy thuốc nước nhà mà còn là dịp để nhắc nhở các thầy thuốc Việt Nam nhớ lại bài học về y đức.
Nghề y là một nghề đặc biệt và cao quý, do đó rất cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Nếu ai đã từng vào bệnh viện, từng chứng kiến những giây phút người bác sĩ phải đối mặt với sự sinh tử của người bệnh, đứng trên bàn mổ nhiều giờ, tiếp xúc với những bệnh phẩm, hóa chất độc hại... mới cảm thông được với nỗi vất vả của nghề thầy thuốc.
Trong lúc ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, đời sống của người dân còn khó khăn, chúng ta vẫn có thể tôn vinh các thầy thuốc bằng cái nhìn thiện cảm hơn, biểu dương những việc làm tốt của họ, khuyến khích họ sáng tạo và có các giải pháp hữu hiệu bảo vệ những thầy thuốc chân chính. Không nên có cái nhìn phiến diện về đội ngũ thầy thuốc, để các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị lợi dụng “đục nước béo... xuyên tạc”. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh vạch trần các âm mưu thâm độc của chúng mượn “sóng gió ngành y” để nói xấu Đảng, nói xấu chế độ.
ĐỖ PHÚ THỌ