Đón tân binh vượt sông Thạch Hãn
Ngày 2-9-1972, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 5 nhận được điện của trung đoàn thông báo cấp trên sẽ bổ sung cho đơn vị 52 tân binh. Thời gian giao nhận là 22 giờ ngày 3-9 tại thôn Nhan Biều (Triệu Phong, Quảng Trị). “Đây là tin rất vui cho Tiểu đoàn 5 chúng tôi, vì khi thực hiện nhiệm vụ phối thuộc với Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B) chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị từ đêm 13-8 đến thời điểm này, quân số của đơn vị còn lại chưa đến một nửa, trong khi phạm vi chiến đấu rộng hàng ki-lô-mét vuông”-Trung tướng Nguyễn Đức Sơn nhớ lại.
Ban chỉ huy Tiểu đoàn 5 lúc đó gồm các đồng chí: Trần Văn Măng-Tiểu đoàn trưởng, Quách Văn Viên-Chính trị viên, Trần Văn Diện-Tiểu đoàn phó và Nguyễn Đức Sơn-Chính trị viên phó. Việc nhận và đưa tân binh về đơn vị buộc phải vượt qua sông Thạch Hãn vì không còn đường nào khác. Mà sông Thạch Hãn, đoạn chảy qua thị xã và Thành cổ Quảng Trị là nơi địch đánh phá ác liệt cả ngày và đêm, bằng cả không quân và pháo binh. Nhiệm vụ khó khăn này được giao cho Chính trị viên phó Nguyễn Đức Sơn đảm nhiệm.
Tối 3-9-1972, sau khi thống nhất nhiệm vụ chung và phân công trách nhiệm của từng người, bộ phận đi đón tân binh vượt sông Thạch Hãn, đến thôn Nhan Biều. Sau khi quan sát, nắm chắc tình hình, hệ thống hầm hào và đường cơ động ở thôn Nhan Biều, kế hoạch qua sông được thống nhất là: Phân bổ tân binh về các đại đội theo đội hình hành quân chứ không theo danh sách, thứ tự từ Đại đội 5, Đại đội 6, Đại đội 7, Đại đội 8, cuối cùng là Tiểu đoàn bộ. Căn cứ số lượng tân binh của từng đại đội sẽ chọn và chuẩn bị đủ số lượng hầm trú ẩn, để khi bộ đội về đến nơi là vào được ngay, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất. Từ địa điểm vượt sông đã được chọn, cả đoàn sẽ đi theo 5 hàng dọc nhưng các đại đội lại đi theo hàng ngang. Khoảng cách giữa người này với người kia, đại đội này đến đại đội kia đều là 5m...
“Thời gian chờ đợi bao giờ cũng là thời gian trôi chậm chạp nhất. Nó càng chậm hơn khi chúng tôi phải ngồi để tránh pháo địch trong các căn hầm chật chội và rất nhiều muỗi. Tưởng phải chờ tới 50 phút đã là dài, không ngờ chúng tôi phải chờ đến hơn gấp đôi thời gian ấy. Tối hôm đó, pháo địch bắn nhiều quá, phải đi đường vòng nên mãi hơn 23 giờ, số tân binh được bổ sung mới tới thôn Nhan Biều. Theo dõi các đợt pháo địch, tôi thấy thời gian dừng bắn giữa hai đợt của chúng hôm ấy rất ngắn. Nhưng các đợt đều theo thứ tự từ bờ bắc đến giữa sông rồi mới đến bờ nam, hết 3 loạt đó là dừng bắn và cứ lặp lại như vậy. Trao đổi với anh em xung quanh, mọi người đều thấy thế. Tôi liền đưa ra quyết định táo bạo: Chờ pháo địch bắn xong loạt đạn đầu vào khu vực bờ phía bắc sông, bắt đầu bắn vào khu vực giữa sông, chúng tôi sẽ vượt sông”-ông kể.
Đúng 1 giờ 10 phút ngày 4-9, khi pháo binh của Mỹ từ ngoài biển bắn vào, hết loạt đạn đầu vào bờ bắc sông Thạch Hãn, bắt đầu chuyển làn bắn vào khu vực giữa sông cũng là lúc đoàn bắt đầu qua sông. 68 người, gồm 8 cán bộ, 8 chiến sĩ cũ và 52 tân binh, cả đi, cả bơi, cả chạy, nhìn cứ như chạy theo pháo địch nhưng thực tế là họ đã tránh được chúng. Khi đội hình sang đến bên bờ nam cũng là lúc pháo địch lại bắt đầu bắn những loạt đạn mới ở bờ phía bắc. Đoàn an toàn tuyệt đối, về đến vị trí Tiểu đoàn 5 đang chốt giữ ở khu vực đông nam Thành cổ Quảng Trị lúc 2 giờ sáng.
31 ngày ở Thành cổ
Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, phạm vi chiến đấu và bảo vệ của Tiểu đoàn 5 ngày ấy khá rộng, kéo dài từ đông nam Thành cổ tới khu vực có Quốc lộ 1 chạy qua cho tới giáp bờ sông Thạch Hãn. Thời gian chiến đấu ở khu vực này là 31 ngày đêm và ngày nào cũng diễn ra những trận chiến đấu gay go và khốc liệt. Đầu tháng 9, tiểu đoàn được bổ sung 52 tân binh nhưng đến ngày 8-9, tổng quân số còn lại chỉ khoảng 80 người. Cán bộ tiểu đoàn còn hai người là ông và Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Măng. Cán bộ đại đội cũng còn có hai người là Đại đội trưởng Đại đội 6 Nguyễn Văn Dặn và Đại đội trưởng Đại đội 7 Trần Văn Chuyền. Toàn bộ cán bộ cấp trung đội trong tiểu đoàn đều đã hy sinh hoặc bị thương. Hệ thống đường dây thông tin hữu tuyến bị pháo địch bắn nát. Các chiến sĩ thông tin cũng đã thương vong hết, thông tin vô tuyến không còn hoạt động. Hằng ngày, sự liên lạc giữa tiểu đoàn với các đại đội được thực hiện thông qua các chiến sĩ trinh sát, truyền đạt nhưng nhiều khi cán bộ tiểu đoàn trực tiếp đến từng đại đội, thậm chí là từng hầm để nghe báo cáo hoặc phổ biến kế hoạch chiến đấu... Tình thế ấy buộc họ phải dâng đội hình chiến đấu lên phía trước, giáp với quân địch. Như vậy pháo địch sẽ không dám bắn tới vì nếu bắn, bom đạn rất dễ đi lạc sang đội hình của chúng. Ông kể: “Lực lượng của ta và địch lúc này chỉ cách nhau một khoảng đất trống hoặc vài căn nhà đổ. Thương vong của bộ đội ở giai đoạn này chủ yếu là do súng cối, đạn M79, lựu đạn và súng bắn thẳng của bọn lính thuộc sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy gây ra. Tỷ lệ thương vong của bộ đội đã giảm nhiều so với trước, đây là một nghịch lý nhưng lại là một thực tế. Chúng tôi thông báo để bộ đội biết coi trọng việc bám sát đội hình địch. Ngày nào địch cũng tổ chức tiến công, thông thường là hai lần, nhưng cũng có hôm 3-4 lần với quy mô khác nhau. Nhiều lần chúng xông lên gần quá, chúng tôi phải chuẩn bị lưỡi lê để sẵn sàng đánh giáp lá cà. Tôi nhớ có lần địch cử một toán gồm 5 tên luồn sâu vào phía sau đội hình ta, định đánh từ trong đánh ra kết hợp với ngoài đánh vào. Rất may, y tá của Đại đội 5 tên là Trịnh Xuân Lâm đã phát hiện sớm nên ta chủ động tiêu diệt được chúng”.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn không giấu nổi niềm xúc động khi nhắc đến những đồng đội của mình. Lúc bấy giờ, tuy số lượng cán bộ của đơn vị ông còn ít nhưng họ đều là những người gương mẫu, dũng cảm và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu. Ông nhớ mãi lời Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Măng nói với mình sau một lần hội ý rằng: “Chúng ta thật may mắn còn lại được hai đồng chí đại đội trưởng vừa dũng cảm, gương mẫu, vừa có năng lực tốt. Sau đợt này, ta phải đề nghị trên bổ nhiệm cả ông Chuyền và ông Dặn lên cán bộ tiểu đoàn anh ạ”. Thế nhưng thật đáng tiếc, mong muốn ấy chỉ thực hiện được một phần, phần quan trọng nhất lại bị kẻ thù phá hỏng mất. Đồng chí Trần Văn Chuyền hy sinh vào đêm 13-9-1972, ngày cuối cùng Tiểu đoàn 5 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị...
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đồng chí: Nguyễn Đức Sơn, Trần Văn Măng, Nguyễn Văn Dặn... đều trưởng thành, trở thành những cán bộ cao cấp, cống hiến cho quân đội cho đến khi nghỉ hưu. Còn 52 tân binh ngày nào, người bị thương, người đã nằm lại nơi chiến trường; hơn 30 người còn sống mỗi người một phương. Qua bao thăng trầm, những người lính năm xưa hằng năm vẫn có dịp hội ngộ để ôn lại kỷ niệm về thời gian chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Họ nhắc đến từng sự việc đã diễn ra, tưởng nhớ những người đã hy sinh, nhắc tên từng người đã cùng vượt qua những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng cũng rất đỗi tự hào.
SONG THANH