Khi đó, ông là Chính trị viên tiểu đoàn, đồng chí Trần Măng là Tiểu đoàn trưởng.
Dòng cảm xúc sau chuyến đi ý nghĩa cùng những hồi ức của mùa hè đỏ lửa năm ấy dường như vẫn còn vẹn nguyên theo lời kể của vị tướng đã ở tuổi ngoại thất thập. Ông cho biết: “Tháng 7-1972, Sư đoàn 312 được lệnh lật cánh từ Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào) về Mặt trận Quảng Trị đang nóng bỏng. Tiểu đoàn 5 chúng tôi là đơn vị đầu tiên của sư đoàn vượt sông Thạch Hãn tiến sâu vào thành cổ nhằm tăng viện cho Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 đã chốt giữ ở đây ngót 50 ngày”.
Chiều hôm ấy, mưa như trút, sông Thạch Hãn nước dâng cao. Đơn vị quyết định tranh thủ vượt sông trước 18 giờ. Sau hội ý cán bộ chỉ huy, tiểu đoàn lệnh cho Đại đội 5, 6 cùng tiểu đoàn bộ vượt sông trước. Anh em sang đến bờ bên kia an toàn họ mới thở phào, tiếp tục thực hiện theo phương án đã được thông qua. “Đến khi Đại đội 8 vượt gần xong thì pháo địch bắn tới tấp. Trong làn mưa pháo dồn dập, chúng tôi hối hả cùng anh em xốc đội hình, nhanh chóng rời bến vượt. 30 phút pháo bắn, kiểm tra đội hình, Đại đội 8 báo cáo thiếu hẳn một trung đội. Đau đớn quá!...”, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn xúc động kể.
Chia sẻ với chúng tôi, ông tâm sự rằng dù đã qua gần nửa thế kỷ, nhưng tiếng khóc, tiếng nấc của những chiến sĩ bị thương đôi lúc vẫn vọng về trong tâm trí. Lần ấy, gần 300 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn vượt sông trót lọt, nhưng đã có không ít người mãi nằm lại trong lòng sông Thạch Hãn. Đó là một cuộc “thử lửa” để những người lính có thêm bản lĩnh bước vào những trận chiến mới không kém phần ác liệt những năm tháng sau này.
TUẤN TÚ