Trải qua chặng đường dài, từ vùng đất “Ở đâu xứ sở lạ lùng/ Dưới sông sấu lội, lên rừng cọp um”, những chứng tích từ thời khai hoang, mở cõi gắn liền với tên tuổi của những nhân vật lịch sử đã góp phần làm rạng ngời vùng đất Trấn Biên, mãi trường tồn cùng dân tộc.
Một trong những người đặt nền móng cho vùng đất phương Nam chính là Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), con thứ của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật. Ông là một tướng giỏi đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725). Mùa xuân năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào kinh lược sứ đất Đàng Trong, dinh Trấn Biên và dinh Phiên Trấn, đồng thời tổ chức cơ cấu bộ máy quản lý vùng đất mới. Đây là sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự ra đời của vùng đất Biên Hòa và cả phương Nam.
    |
 |
Đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) - di tích kiến trúc nghệ thuật thờ Thượng đẳng thần Trần Thượng Xuyên. |
Theo ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Đồng Nai, có hai sự kiện diễn ra trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là cơ sở để Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xếp đặt địa giới hành chính vùng đất mới được thuận lợi. Đó là năm 1620, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả Hoàng nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Cuộc “hôn nhân chính trị” này mở đầu cho giai đoạn người Việt vào vùng đất mới. Tiếp đó, năm 1679, nhóm người Hoa “phản Thanh phục Minh” gồm 3.000 binh lính và gia đình theo Đô đốc Trần Thượng Xuyên, được chúa Nguyễn Phúc Tần chấp thuận cho giữ nguyên binh hàm, chức tước rồi truyền cho vua Chân Lạp cho phép người Hoa vào định cư xứ Ðồng Nai. Đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ tiến vào định cư ở Bàn Lân (nay thuộc TP Biên Hòa). Buổi đầu định cư khai phá, nhóm Hoa kiều này nỗ lực khắc phục thiên nhiên để định cư, khai thông nguồn nước trồng trọt, mở mang đường ngõ để ổn định lâu dài... Với tư duy thương nghiệp, Trần Thượng Xuyên đã sớm phát hiện ra ưu thế của Cù lao Phố có vị trí quan trọng trong kinh doanh cả đường thủy lẫn đường bộ, nên phần lớn người trong nhóm Trần Thượng Xuyên đã chuyển cư từ Bàn Lân về Cù lao Phố lập bến, mở đường, xây dựng phố chợ. Theo sách Đại Nam nhất thống chí: “Cộng đồng người Hoa ở Trấn Biên đã góp công lớn xây dựng Cù lao Phố thành một thương cảng sầm uất trong thế kỷ 18. Trần Thượng Xuyên chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quán rực rỡ trên bờ sông. Người buôn bán tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau lập thành một đại đô hội, hay còn gọi là Nông Nại đại phố”…
    |
 |
Văn miếu Trấn Biên - biểu tượng của hào khí Đồng Nai. |
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, mở rộng phạm vi, chiêu mộ lưu dân từ Quảng Bình đưa vào Nam, thành lập xã, thôn, ấp, đặt địa giới, khai khẩn ruộng đất, định lệ thuế, tô, lập sổ đinh, sổ điền, khai thác tiềm năng của cộng đồng người Hoa, ổn định xã hội để họ yên tâm cùng lưu dân Việt khai hoang, phát triển kinh tế ở vùng đất mới. Đánh giá vai trò mở mang bờ cõi của các bậc tiền nhân, PGS, TS lịch sử văn hóa Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai, cho rằng: “Chuyến kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức đưa vùng đất Gia Định - Đồng Nai thuộc chủ quyền quản lý của chúa Nguyễn. Nhưng trước đó, công lao của Đô đốc Trần Thượng Xuyên là vô cùng lớn. Ông là một võ tướng tài ba, nhiều lần lập chiến công giúp chúa Nguyễn ổn định tình hình ở Đàng Trong, mở mang bờ cõi phía Nam và phát triển vùng đất Trấn Biên phồn thịnh mà điển hình là thương cảng ở Cù lao Phố sầm uất bậc nhất lúc bấy giờ, đến nay vẫn lưu dấu tích”.
Tiếc rằng, sau cuộc bạo loạn năm 1747 và cuộc giao tranh năm 1776, Cù lao Phố bị tàn phá nặng nề, các thương gia người Hoa rủ nhau xuống vùng Chợ Lớn, Sài Gòn sinh sống và lập những cơ sở thương mại khác. Kể từ đó, Cù lao Phố đánh mất vai trò là trung tâm thương mại của Đàng Trong, thay vào đó là Chợ Lớn và Mỹ Tho. Thời kỳ hoàng kim của Cù lao Phố đi vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mệnh của đô thị cổ một thời. Dù vậy, ở khu vực này vẫn hiện hữu một chứng tích cho thấy sự dung hợp văn hóa của cộng đồng Hoa - Việt trên địa bàn, tôn vinh các giá trị truyền thống: Nhân, nghĩa, tín, dũng. Đó là công trình Văn miếu Trấn Biên, được chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng năm 1715. Đây là văn miếu đầu tiên ở vùng đất Nam Bộ bấy giờ, thờ Vạn thế sư biểu Khổng Tử; đồng thời là cơ sở phát triển Nho học ở miền Nam. Với lối kiến trúc đặc trưng, nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến khích phát huy sự nghiệp văn hóa, giáo dục, khoa học, Văn miếu Trấn Biên còn được ví như “Quốc Tử giám ở Nam Bộ”...
Bài và ảnh: YẾN LONG