Ký ức khó phai

Ngày đầu thành lập, nhà trường có khoảng 300 học sinh, có người chỉ mới 7 tuổi, là con em cán bộ, bộ đội, gia đình thương binh, liệt sĩ. Thầy giáo, cô giáo nhà trường là bộ đội có trình độ văn hóa cao nhưng sức khỏe yếu hoặc là thương binh. Tất cả tập trung lại đốn cây, cất nhà, dựng trường; tự chăm sóc bản thân trong sinh hoạt, học tập; thầy trò yêu thương nhau như ruột thịt, cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ... Bà Trần Thị Tám, thiếu sinh quân thế hệ 1, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, nhớ lại: “Lúc đó tôi mới 7 tuổi, được gửi vào trường học. Các bạn nữ được thầy cô sắp xếp ở lán trại như bộ đội, còn bạn nam thì gửi ở nhà dân. Tuy thiếu thốn là vậy nhưng trường đã tổ chức giảng dạy khá toàn diện, như dạy chữ viết, văn-thể-mỹ, võ thuật, quân sự, thậm chí cả ngoại ngữ. Thầy cô lên lớp không có giáo án sẵn mà phải tự soạn bài giảng, người học trước dạy người học sau, người học cao dạy người học thấp”.

leftcenterrightdel
Thượng tướng Nguyễn Phương Nam cùng các thiếu sinh quân thế hệ 2 kể lại câu chuyện trận pháo địch làm 1 thầy giáo và 2 học trò hy sinh.

Tháng 6-1949, tại Trường Thiếu sinh quân diễn ra sự kiện lịch sử: Thầy và trò nhà trường dùng vật nhọn rạch tay lấy máu viết tâm thư, nhờ Chính ủy Khu 9 Phan Trọng Tuệ trao tận tay Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến ra Hà Nội dự hội nghị. “Nội dung thư ngoài chúc sức khỏe Bác, chúng tôi hứa sẽ học tập thật tốt để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Quyết tâm đó không phải chỉ lúc bấy giờ mà cho đến ngày hôm nay, thế hệ 1 chúng tôi luôn giữ lòng trung kiên với Đảng, với Bác Hồ”, bà Trương Thị Huế, thiếu sinh quân thế hệ 1 kể.

Mặc dù Trường Thiếu sinh quân Khu 9 chỉ tồn tại hai năm nhưng đã đào tạo được nhiều “hạt giống đỏ” phục vụ cách mạng. Sau Hiệp định Geneve, một bộ phận thiếu sinh quân tập kết ra Bắc, tiếp tục học tập, trở thành những cán bộ cốt cán, tướng lĩnh trong quân đội. Một bộ phận ở lại miền Nam tham gia kháng chiến, có người là anh hùng, là nhạc sĩ tài danh như: Lê Thành Chơn, Nguyễn Phi Hùng, Ca Lê Hiến, Nguyễn Minh Lý, Lê Lương v.v..

Đầu năm 1973, Bộ tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo vừa tấn công địch bằng vũ trang, vừa đào tạo đội ngũ kế thừa. Theo đó, thành lập các Trường Thiếu sinh quân Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Đoàn 962; Thiếu sinh quân các tỉnh: Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Trà Vinh, Vĩnh Long và Thiếu nhi quân đội Hậu Giang. Đây được xem là thiếu sinh quân thế hệ 2 của Quân khu 9. Ông Trần Công Nhân, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Thiếu sinh quân Cục Chính trị, cho biết: “Ban đầu, nhà trường xây dựng ở ấp Tân Quy, xã Vân Khánh, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, sau đó chuyển về xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Trong quá trình ở đó, các em phải tự lực toàn diện, vừa cất nhà, đào công sự, vừa cắt lúa mướn, bắt cá để cải thiện đời sống, sinh hoạt. Thiếu thốn mọi bề nhưng phải bảo đảm bí mật, bảo vệ tính mạng các em tránh bom đạn kẻ thù. Nhưng một trận pháo kích của địch vào trường ngay bữa cơm là nỗi ám ảnh của Thiếu sinh quân Cục Chính trị mãi về sau này...”.

Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, là một trong số những thiếu sinh quân thế hệ 2, kể: “Trong lúc đang ăn cơm thì pháo bắn vô. Ban đầu là một trái khói màu, tiếp đó là một trái pháo chụp. Tôi vội đưa các bạn bị thương ra ngoài, khi quay lại thấy bạn Tiên đang nằm, vết thương ngay bụng nhưng không có gì băng bó nên tôi lấy cái khăn buộc lại, đưa bạn Tiên xuống xuồng chở vô 121”. Cũng là thiếu sinh quân thế hệ 2, bà Hoàng Kim Cương, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) nhớ lại: “Bạn Bình bị miểng phạt văng mất cái chóp tóc, thầy Giao thì bị mảnh pháo chặt mất nửa khuôn mặt. Tôi choáng váng không thể chạy nổi nên anh Nguyễn Phương Nam bồng tôi ra công sự, cách chỗ pháo nổ khoảng ba chục mét. Trên đường đi, tôi thấy anh Tổng chạy phía trước nhưng cánh tay ảnh mất một khúc xương, chỉ còn dính hai miếng da treo lủng lẳng. Một cảnh tang thương khủng khiếp...”.

Trận pháo địch làm thầy Giao và 2 học trò hy sinh, 1 thầy giáo và 4 học trò khác bị thương, trong đó có thiếu sinh quân Hoàng Thanh Sơn, hiện là Trưởng ban liên lạc Thiếu sinh quân Quân khu 9. Ông Sơn xúc động nhớ lại: “Qua ngày hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục học tập. Trận pháo địch đã tăng thêm lòng căm thù giặc, nhiều thiếu sinh quân đã tình nguyện vào các đơn vị bộ đội trực tiếp chiến đấu, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có một bạn viết bốn câu thơ rằng: Thầy tôi mất, bạn tôi cũng mất/ Thiếu sinh quân chất ngất hờn căm/ Đất Kim Quy có thầy, bạn tôi nằm/ Máu tuôn đổ ngàn năm vẫn nhớ!

Tri ân vùng căn cứ

Năm 1976, các trường thiếu sinh quân giải thể. Đến năm 1985, Quân khu 9 thành lập Trường Thiếu sinh quân. Qua 18 năm hoạt động, mặc dù không phải học tập, rèn luyện trong sự ác liệt của chiến tranh, nhưng hàng nghìn thiếu sinh quân thế hệ 3, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc Khmer, đã được giáo dục, rèn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trung úy Nguyễn Công Khanh, Chính trị viên Đại đội 32, Tiểu đoàn 557, Lữ đoàn 950, Quân khu 9, là thiếu sinh quân những năm cuối trước khi trường giải thể, chia sẻ: “Ngôi trường Thiếu sinh quân đã tồn tại qua bom đạn và các cô chú đã cùng nhau học tập, rèn luyện, chiến đấu trong gian khổ. Thế hệ thứ nhất và thứ hai đều đã trưởng thành và thành công trong cuộc sống, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bản thân tôi là thế hệ thứ ba thì cần phải phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với truyền thống Thiếu sinh quân Quân khu 9 nói chung và lòng mong mỏi của các thế hệ đi trước”.

leftcenterrightdel
Học sinh thế hệ 1 vui mừng gặp nhau nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Thiếu sinh quân Khu 9.  Ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU

Điều đáng trân trọng là cả 3 thế hệ Thiếu sinh quân Quân khu 9, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ vững truyền thống, biết tôi luyện mình để trưởng thành, để phục vụ Đảng, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Thành quả đó có công lao to lớn của nhân dân đã cưu mang, che chở, hết lòng đùm bọc cho nhà trường, cho các thế hệ thiếu sinh quân. Ông Hoàng Thanh Sơn cho biết: “Với lòng nhiệt huyết của 3 thế hệ, chúng tôi đã thành lập Quỹ “Trái tim Thiếu sinh quân Quân khu 9” để vận động, quyên góp các tổ chức và cá nhân thực hiện an sinh xã hội ở vùng căn cứ”.

Được biết, thời gian qua, ban liên lạc đã quyên góp được hơn 2 tỷ đồng xây tặng 10 căn “nhà đồng đội”; 1 nhà truyền thống Thiếu sinh quân Đoàn 962 ở tỉnh Cà Mau; xây bia kỷ niệm nơi thành lập Trường Thiếu sinh quân thế hệ 1 tại tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng; khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con ở các vùng căn cứ; làm 1.500 chứng nhận và kỷ niệm chương, hoàn chỉnh bộ phim tài liệu, xuất bản 700 cuốn kỷ yếu...

KIÊN GIANG