Được khẩn trương xây dựng từ giữa năm 1076, đặc biệt phát huy công năng và tác dụng trong 3 tháng đầu xuân năm 1077 của cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ hai (Đông-Xuân năm 1076-1077). Đến năm 2017 này, phòng tuyến sông Cầu đã có chẵn 940 năm tuổi.

Việc chọn lựa đúng địa bàn để xây dựng phòng tuyến sông Cầu trước hết là kết quả của một suy tính kỹ lưỡng, và là một sáng tạo đặc sắc, có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến mùa đông năm 1076-1077.

Ngay từ khi mới đưa đoàn quân chiến thắng từ đất địch trở về, Lý Thường Kiệt đã sử dụng nhiều biện pháp-kể cả tổ chức gián điệp-để theo dõi sát sao, nắm chắc việc ra quân, đường tiến binh xâm lược của nhà Tống. Do đó biết rõ địch quân sẽ chia hai đường thủy bộ mà đưa chủ lực là bộ binh từ Ung Châu-theo nhiều lối qua Cao Bằng và đặc biệt là Lạng Sơn-cùng thủy quân là lực lượng hỗ trợ, từ Khâm Châu-theo ngả sông Đông Kênh ven bờ biển Quảng Ninh-mà vào nước ta, tiến đánh Thăng Long. Và như vậy, dù đi đường nào, giặc cũng sẽ phải qua sông Cầu.

leftcenterrightdel
Ngã Ba Xà - nơi hợp lưu của sông Cầu và sông Cà Lồ, địa điểm ghi dấu chiến công quân dân nhà Lý chống quân xâm lược Tống (1077). 
Dòng sông Cầu, khởi nguồn từ Cao Bằng, đổ nước đến Lục Đầu Giang ở vùng Phả Lại. Đó là một chiến hào tự nhiên, chặn ngang tất cả các con đường bộ từ Cao Bằng-Lạng Sơn tới Thăng Long. Và thủy quân địch, ven sông Đông Kênh mà vào cửa Bạch Đằng, muốn đến Thăng Long, hoặc dù là chỉ đến hỗ trợ cho bộ binh vượt sông tiến đánh kinh đô nước Việt, thì cũng phải qua Phả Lại mà tới sông Cầu.

Sông Cầu, đoạn thượng lưu rất hiểm trở, khó qua lại. Đoạn từ Thái Nguyên đến Đa Phúc, dễ vượt hơn, nhưng một khi qua được, lại gặp phải dãy núi Tam Đảo án ngữ. Thành ra, chỉ có đoạn sông dài gần 100km từ Đa Phúc đến Phả Lại, đặc biệt là khúc 30km ở giữa đoạn sông này-chạy từ Ngã Ba Xà (nơi hội lưu giữa sông Cà Lồ và sông Cầu) đến Thị Cầu (Đáp Cầu-TP Bắc Ninh hiện nay), có tên là sông Như Nguyệt (xuất phát từ chữ “Ngọt (bến Ngọt)”-là dễ qua lại hơn cả.

Vì thế, đây chính là chỗ được lựa chọn đích đáng nhất để xây dựng phòng tuyến sông Cầu.

Hoàn toàn có thể gọi đây là một kỳ công quân sự. Bởi trước hết, đã phải đắp một lũy đất, cạp theo bờ nam ngạn của khúc sông Như Nguyệt, có độ dài tương ứng với số đo 30km của khúc sông này. Và chiều cao cùng độ dày của lũy đất, thì có thể hình dung ra từ quy mô của con đê, bây giờ vẫn đang bảo vệ cả vùng nội đồng huyện Yên Phong và vùng nội đô thành phố Bắc Ninh, vì đây chính là hậu thân của lũy đất này.

Lũy đắp xong rồi thì tổ chức tiếp ngay một trận địa chông chà, rào tre và cọc nhọn ở mặt trước, có chiều dài trận địa tương ứng với độ dài của lũy đất và khúc sông, còn chiều ngang thì chính là độ rộng của bãi sông, chạy từ chân lũy ra tới mép nước. Hàng rào phòng thủ này, đúng với kỹ thuật và truyền thống làm hàng rào bằng chông chà của dân tộc, liên kết, phối hợp và làm tăng hiệu quả chiến đấu của tuyến lũy đất, tạo thành một công trình thổ mộc quốc phòng phức hợp và lợi hại, vì rất khó công phá, như sẽ thấy ở chiến sự đầu xuân năm 1077 sau đấy.

Một lực lượng bảo vệ và chiến đấu hùng mạnh, gồm bộ binh và quân thủy được bố trí dày đặc, cả ở mặt trước và mé sau chiến lũy. 300 chiến thuyền của quân thủy dàn trận ngay trên mặt nước bờ nam ngạn, sát trận địa chông chà ở phía trước chiến lũy. Khoảng 6 vạn bộ binh đứng chân thành tuyến trận và các chốt trọng điểm, mé sau công trình thổ mộc quân sự này.

Ở đầu phía đông của chiến lũy, cách vài chục cây số đường sông, ở vùng Lục Đầu Giang-Phả Lại, nơi sông Cầu gặp các dòng sông Thương và Lục Nam đổ nước từ phía bắc xuống, sông Đuống dẫn nước từ mạn tây nam đến, rồi chia nước theo hai đường sông Kinh Thầy và Thái Bình mà ra biển, chủ soái Lý Thường Kiệt còn cho xây dựng một căn cứ quân thủy rất mạnh mang tên gọi là Vạn Xuân-gồm đến 400 chiến thuyền, giao cho các hoàng tử Chiêu Văn và Hoằng Chân phụ trách, có nhiệm vụ: Vừa hỗ trợ bảo vệ phòng tuyến sông Cầu, vừa ngược sông tấn công quân địch một khi chúng tràn đến bờ bắc phòng tuyến, vào lúc có điều kiện, và có lệnh của tổng chỉ huy. Đồng thời, căn cứ và lực lượng quân thủy ở Vạn Xuân này còn có nhiệm vụ bọc lót phía sau, cho đạo quân thủy chủ lực-do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy-trấn giữ đường sông Đông Kênh ngoài biển, từ Móng Cái đến Vân Đồn.

Màn đầu của cuộc kháng chiến đã diễn ra từ nửa cuối năm 1076, khi chủ tướng Quách Quỳ và phó tướng Triệu Tiết của nhà Tống-đã có dưới cờ đủ 30 vạn quân (gồm 10 vạn lính chiến đấu và 20 vạn binh phu), chưa kể đến lực lượng quân thủy của tướng Dương Tùng Tiên-quyết định đánh chiếm các căn cứ tiền tiêu của quân ta: Quảng Nguyên (Cao Bằng) ở trên bộ và Ngọc Sơn (Quảng Ninh) ở trên biển.

Ngày 8-1-1077, lực lượng bộ binh của đại quân nhà Tống bắt đầu tràn qua biên giới theo ngả Lạng Sơn. Vượt qua những trận đánh cản đường của “quân Thượng Du”, ngày 18-1-1077, chúng kéo đến bờ bắc sông Cầu, trước phòng tuyến sông Cầu của quân ta ở bên bờ nam. Đại bản doanh của chánh tướng Quách Quỳ, chỉ huy đại bộ phận quân xâm lược, đóng đối ngạn với địa điểm Thị Cầu (TP Bắc Ninh ngày nay). Còn phó tướng Triệu Tiết thì đóng quân cách đấy 30 cây số về phía đông, thuộc địa phận xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang bây giờ) đối ngạn với bến đò Như Nguyệt (bến Ngọt)-đầu mối của con đường cổ, dẫn về Thăng Long. Và chờ tất cả ở những nơi ấy đợi thủy quân đến hội sư, hỗ trợ vượt sông.

Nhưng các đạo quân thủy của nhà Lý, đóng ở căn cứ Vạn Xuân, đặc biệt là ở Vân Đồn, cuối sông Đông Kênh, đã hoạt động quá tốt. Cánh thủy quân nhà Tống do tướng Dương Tùng Tiên chỉ huy, đã bị đạo quân thủy của tướng Lý Kế Nguyên-đóng đại bản doanh ở Vân Đồn-chặn đánh trên biển, chẹn cứng ở đầu sông Đông Kênh (ven biển bắc Quảng Ninh) không tiến được một bước nào đến cửa Bạch Đằng mà vào Lục Đầu Giang, đến bờ bắc sông Cầu để hội sư, hỗ trợ bộ binh được.

Quá sốt ruột, chỉ huy quân Tống ở bờ bắc sông Cầu đành ra lệnh cho bộ binh tự túc việc vượt sông.

leftcenterrightdel
Sơ đồ chiến tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 1077 tại Đền Xà, Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: Tuấn Tú 
Trong tháng 1-1077, quân Tống đã hai lần cố gắng cho bộ binh qua sông Cầu: Lần thứ nhất-bắc cầu phao, lần thứ hai-đóng bè (mảng) lớn, mỗi chiếc chở một lần được đến 500 quân. Nhưng lần thì chỉ sang được một ít quân kỵ bộ, chưa kịp mở đường tiến về Thăng Long thì đã bị quân ta phòng giữ ở mé sau chiến tuyến vây đánh, đồng thời bị các chiến thuyền dàn trước mặt chiến tuyến kéo tới đe dọa phá cầu phao, nên đành phải rút tàn quân chạy về; lần thì bè (mảng) mới chở quân sang được đợt đầu, đang dở dang việc phá trận địa chông chà trước chiến lũy, chưa kịp chở quân sang tiếp các đợt sau, thì đã bị cả quân bộ lẫn quân thủy của ta đổ đến, tiêu diệt.

Sang đến tháng 2-1077, là giai đoạn chiến tranh cầm cự. Quân Tống, sau hai lần cố gắng vượt sông không thành, chỉ còn biết án binh bất động, chờ đợi thủy quân đến. Thậm chí, chánh tướng Quách Quỳ còn ra lệnh: Ai bàn đánh, sẽ bị chém đầu! Còn quân ta thì cũng cần củng cố lại trận địa và lực lượng, sau những trận đánh ở giai đoạn trước. Chính là vào lúc đôi bên đều cầm cự này, Thái úy Lý Thường Kiệt đã có một sáng tạo “chiến tranh tâm lý” thật đặc sắc: Ban đêm, cho người vào tòa miếu cổ Tam Giang, giả giọng thần nhân, đọc vang vọng trên đôi bờ sông Cầu bài thơ thần “Nam Quốc sơn hà”, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước, và cảnh báo quyết liệt nguy cơ bại vong thảm hại của quân thù.

Đòn “chiến tranh tâm lý” này đã có hiệu quả rõ rệt-như sử cũ chép: Quân ta thì phấn chấn, còn kẻ địch thì khiếp sợ, hoang mang. Khai thác nhanh nhạy tình hình này, Lý Thường Kiệt đã cho lệnh chuyển giai đoạn chiến tranh sang phản công, từ đầu tháng 3-1077.

Theo lệnh của Tổng chỉ huy Lý Thường Kiệt, 2 vạn quân thủy cùng 400 chiến thuyền, do các hoàng tử Chiêu Văn, Hoằng Chân, đã từ căn cứ Vạn Xuân ở Phả Lại, tiến vào sông Cầu, ngược lên, đánh thẳng vào đại bản doanh của chánh tướng Quách Quỳ. Cả ta và địch, trong trận này, đều tổn thất lớn. Nhưng lại đã thu hút được sự chú ý của toàn bộ quân Tống vào trận này, để cho-đang đêm, xuất kỳ bất ý-Thái úy Lý Thường Kiệt cho đại quân từ bờ nam, vượt sông sang bờ bắc, đánh rất mạnh vào cánh quân của Triệu Tiết, tiêu diệt quá nửa quân số địch.

Trận tấn công (phản công) thắng lớn này, cộng với những khó khăn ở “mặt trận phía sau” của quân Tống, do bị các cánh “quân Thượng Du”-đặc biệt là những đạo dân binh của phò mã Thân Cảnh Phúc-quấy phá, chẹn đường vận chuyển, tiếp tế lương thảo, đã khiến toàn bộ quân Tống ở bờ bắc sông Cầu lâm vào thế bại vong đến nơi. Chánh tướng Quách Quỳ thậm chí còn ngán ngẩm thở than: Muốn liều một thân, chịu tội với triều đình, để mong cứu được hàng vạn quân Tống, mà… rút lui!

Lại một lần nữa chớp thời cơ, Thái úy Lý Thường Kiệt liền cử ngay thuyết khách sang trại giặc: “Bàn hòa!”. Không mong gì hơn thế, vào đầu tháng 3-1077, giữa ban đêm, Quách Quỳ ra lệnh cho quân sĩ “vội vàng, hấp tấp, giẫm đạp lên nhau mà tháo chạy về nước”-như lời chính sử nhà Tống đã chép.

Quân Tống rút đến đâu, Lý Thường Kiệt cho quan binh áp sát đến đấy, thu phục toàn bộ đất đai đã bị giặc chiếm đóng, từ sông Cầu trở lên đến biên giới. Riêng vùng Quảng Uyên (Cao Bằng) thì đến năm 1079 rồi cũng lấy lại được, nhờ đấu tranh ngoại giao.

Đại quân xâm lược nhà Tống kiểm điểm lực lượng lúc đã chạy được về nước, thấy: 10 vạn chiến binh, chỉ còn sống sót được hơn 2 vạn; 20 vạn binh phu, chết mất hơn 8 vạn. Chiến phí: Hơn 5 triệu lạng vàng, tan ra mây khói. Còn đạo quân thủy, chôn chân ngoài vùng biển địa đầu nước Việt cho đến khi có lệnh kết thúc chiến tranh, thì mới lục đục trở về!

GS LÊ VĂN LAN