Tưởng nhớ công lao to lớn của hai ông, người dân nhiều nơi ở vùng Đồng Tháp Mười đã lập đền thờ.

Đến thăm Khu di tích Gò Tháp, tôi được ông Văn Công Khánh, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp, người đã nhiều năm nghiên cứu về lịch sử phát triển ở vùng Đồng Tháp Mười giới thiệu về những trận đánh tiêu biểu cũng như tư tưởng yêu nước của hai ông. Theo nghiên cứu của ông Khánh, Thiên hộ Dương tên thật là Võ Duy Dương (1827-1866), quê ở xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Còn Đốc binh Kiều tên thật là Nguyễn Tấn Kiều, chưa xác định được năm sinh, quê quán, là phó tướng của Võ Duy Dương. Tương truyền, ông là người gốc miền Trung vào sinh sống ở huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), đầu quân chống giặc ở đồn Kỳ Hòa. Khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, ông không theo quân triều đình rút về Biên Hòa mà đưa quân về Sầm Giang, Kiến Đăng định lập căn cứ. Khi Trương Định lập căn cứ ở Tân Hòa-Gò Công, ông về theo Trương Định và được phong là Đốc binh, trở thành trợ thủ đắc lực của Thiên hộ Dương. Ở đây ông chiến đấu anh dũng, không những lập được nhiều chiến công mà còn tích cực chiêu mộ binh sĩ gia nhập nghĩa quân.

Tháng 8-1864, Trương Định hy sinh, nghĩa quân đứng trước nguy cơ tan vỡ. Với quyết tâm kiên trì chống giặc cứu nước, Thiên hộ Dương không hề nao núng, ông rút quân vào Đồng Tháp Mười chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu mới. Sau gần một năm xây dựng căn cứ, luyện tập võ nghệ, với chiến thuật “tức kỳ yểm cổ” (im cờ giấu trống) trên cơ sở lực lượng có sẵn và lực lượng tại chỗ của Đốc binh Kiều, nghĩa quân còn tập trung được đông đảo nông dân ở khắp nơi. Tháng 6-1865, thế và lực của nghĩa quân khá vững, nghĩa quân bắt đầu tấn công Cái Bè, Cái Thia, Mỹ Quý... Đặc biệt là trận đánh vào đêm 21 rạng ngày 22-7-1865, Thiên hộ Dương cho triệt hạ đồn Mỹ Trà gây thiệt hại nặng cho chúng, khiến phó đô đốc Roze phải đưa viện binh từ Sài Gòn xuống cứu viện. Giặc Pháp tức giận cho đốt phá, triệt hạ làng Mỹ Trà và Mỹ Ngãi để trả thù.

leftcenterrightdel

Tượng đài Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều tại Khu di tích Gò Tháp.

Tháng 4-1866, Pierre-Paul Marie de La Grandière, thủy sư đô đốc của Pháp cho tập trung quân của bốn dinh Tân An, Mỹ Tho, Cai Lậy và Cần Lố chia làm 3 mũi tấn công vào Đồng Tháp Mười. Sau gần 10 ngày quần thảo với giặc, nghĩa quân mất một số tiền đồn, đổi lại địch bị tiêu hao khá nhiều binh lính. Để bảo toàn lực lượng, Thiên hộ Dương ra lệnh bỏ lại đồn Tháp Mười, rút lui theo hai hướng: Hướng tây về biên giới, hướng đông về Cái Thia (Cái Bè). Sau đó, Thiên hộ Dương rút về Cao Lãnh rồi lên biên giới liên kết với nghĩa quân Trương Tuệ và nghĩa quân Campuchia A-cha-xoa tấn công đồn Tây Ninh gây cho giặc thiệt hại đáng kể. Tháng 11-1866, Thiên hộ Dương về kinh gặp vua Tự Đức, đến cửa Thần Mẫu (Cần Giờ), bất ngờ ông bị Lý Sen, một tên cướp biển giết chết. Thiên hộ Dương nằm xuống nhưng tên tuổi và sự nghiệp chống giặc cứu nước của ông mãi mãi gắn chặt với mảnh đất Đồng Tháp Mười.

Ngày nay vẫn còn những dấu tích để lại như: Bờ lũy, chiến hào, tiền đồn, đồn tả, một số vũ khí đạn dược... Đặc biệt, nơi đây đã ghi dấu tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều, người anh hùng đã gửi gắm thân mình ở vùng đất Gò Tháp trong niềm cảm phục, kính trọng của nhân dân.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Gò Tháp đã trở thành căn cứ địa cách mạng của Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ, Sở Y tế Nam bộ, Khu ủy và Quân khu 8, ủy ban kháng chiến của các tỉnh Tân An (Long An), Mỹ Tho (Tiền Giang), Long Châu Sa (Đồng Tháp). Gò Tháp còn là nơi được Bộ tư lệnh Khu 8 chọn mở trường quân chính đào tạo cán bộ cung cấp cho chiến trường miền Tây Nam Bộ... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội đặc công của Tiểu đoàn 502 đã đánh sập viễn vọng đài (10 tầng, cao 42m) do chế độ độc tài Ngô Đình Diệm dựng lên làm nơi quan sát, khống chế hoạt động của Quân Giải phóng ở Đồng Tháp Mười. Những phế tích, các khối bê tông, cốt thép, dấu tích khắc trên các phiến đá khi Ngô Đình Diệm về đây khánh thành vẫn còn đó, minh chứng cho chiến công vang dội của quân và dân Đồng Tháp.

Hằng năm, người dân Đồng Tháp tổ chức lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương) và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (Đốc binh Kiều) vào ngày 14 đến 16-11 âm lịch. Hiện nay, di tích Gò Tháp đang được tập trung xây dựng để trở thành trung tâm văn hóa du lịch trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp và của Đồng bằng Nam Bộ, góp phần vào việc bảo tồn tốt nhất những giá trị di sản văn hóa của Gò Tháp, đồng thời khai thác các tiềm năng di sản văn hóa phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Tháp.

Bài và ảnh: HỮU TÀI