Cao Thắng sinh năm 1864 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Yên Đức, xã Tuần Lễ, tổng An Ấp (nay là xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Mới hơn 10 tuổi, Cao Thắng đã bắt đầu đi theo người lớn tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Quang Cán nổ ra ngay tại quê nhà. Năm 1885, Phong trào Cần Vương bùng nổ như tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho Cao Thắng. Lúc này ông đã là thủ lĩnh của một đội nghĩa quân ở địa phương. Đầu năm 1886, nghe tin cụ Phan Đình Phùng phất cờ dấy nghĩa, lập căn cứ chống Pháp ở Hương Khê, Cao Thắng cùng em là Cao Nữu lập tức đem đội nghĩa binh của mình kéo sang Hương Khê xin gia nhập nghĩa quân của Phan Đình Phùng.  

Nhận thấy đây là một nhà cầm quân tài năng, thông minh, sáng tạo và giàu bản lĩnh, Phan Đình Phùng đã hết sức tin cẩn giao cho Cao Thắng chức Quản cơ chuyên lo xây dựng, phát triển lực lượng nghĩa quân. Ngay sau khi nhận trọng trách, Cao Thắng đưa toàn bộ nghĩa quân sang vùng Bạch Sơn phối hợp với đội nghĩa binh của Lê Ninh (cũng vừa mới rút về đây cố thủ), tổ chức xây dựng vùng Bạch Sơn thành một căn cứ đứng chân và huấn luyện binh sĩ. Với tinh thần trách nhiệm cao cùng sự am hiểu về phép luyện binh, chỉ trong một thời gian ngắn, Cao Thắng đã xây dựng được đội quân có tính kỷ luật cao, có bản lĩnh và trình độ chiến đấu, có trang bị tương đối đồng nhất so với hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Đầu năm 1887, Phan Đình Phùng có chuyến công cán ra Bắc tìm kiếm sự phối hợp, ủng hộ của các sĩ phu và đặt quan hệ với các phong trào đấu tranh đang bùng nổ tại đây. Trước khi đi, cụ Phan đã tin tưởng giao cho Cao Thắng toàn quyền thay mình lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, tiếp tục xây dựng căn cứ địa và phát triển lực lượng nghĩa quân để chiến đấu lâu dài. Nhận trọng trách lớn, Cao Thắng quyết định chuyển “đại bản doanh” của cuộc khởi nghĩa từ căn cứ Cồn Chùa lên Thượng Bồng-Hạ Bồng, một nơi có vị trí địa-quân sự hiểm yếu hơn nằm trên tả ngạn sông Ngàn Sâu. Từ đây, nghĩa quân có thể tiến sang Lào, phát triển vào Quảng Bình, ra Thanh-Nghệ, hoặc phát triển xuống miền xuôi một cách thuận lợi. Dưới sự chỉ huy của Cao Thắng, vùng Thượng Bồng-Hạ Bồng nhanh chóng trở thành một căn cứ hoàn chỉnh của cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Chính tại căn cứ này, Cao Thắng đã cùng với một số cộng sự của mình nghiên cứu, chế tạo thành công một kiểu súng trường theo đúng mẫu của khẩu súng trường kiểu 1874 của Pháp.

Sau khi xây dựng hoàn chỉnh căn cứ Thượng Bồng-Hạ Bồng, Cao Thắng cho người ra Bắc mời đón cụ Phan Đình Phùng về tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Cuối năm 1889, cụ Phan Đình Phùng về lại căn cứ Thượng Bồng-Hạ Bồng. Tại đây, hai người đã bàn bạc và thống nhất song song với việc tiếp tục xây dựng, mở rộng căn cứ, cần nhanh chóng phát triển lực lượng nghĩa quân. Để tạo thế trụ bám vững chắc cho căn cứ, Cao Thắng quyết định cho xây dựng một loạt đồn trú, lấy Vụ Quang-Ngàn Trươi làm trung tâm, tạo thành một hệ thống đồn lũy kéo dài từ Thượng Bồng-Hạ Bồng qua Trùng Khê-Trí Khê, lên Vụ Quang-Ngàn Trươi.

leftcenterrightdel

Đài tưởng niệm chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng và nghĩa quân tham gia khởi nghĩa Hương Khê tại thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: CHÍ HÒA

 

Thời kỳ này, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các phong trào đấu tranh chống Pháp ở nhiều địa phương, Phan Đình Phùng đã ra lời hịch kêu gọi các văn thân, sĩ phu yêu nước ở khắp các địa phương hợp sức cùng đánh Pháp. Hưởng ứng lời hịch đó, nhiều văn thân, tổ chức, lực lượng đã tình nguyện sát cánh chiến đấu dưới ngọn cờ của cụ Phan. Lực lượng phát triển hùng mạnh, Phan Đình Phùng quyết định tổ chức chức thành 15 quân thứ và giao cho Cao Thắng làm Tổng chỉ huy chung toàn bộ các quân thứ này.

Trên cương vị tổng chỉ huy lực lượng nghĩa quân, Cao Thắng luôn đau đáu với 3 điều: Một là phải xây dựng cho được địa bàn đứng chân thật vững chắc; hai là phải phát triển lực lượng nghĩa quân đông và mạnh, lực lượng đó phải được thống nhất và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy chung; ba là muốn đánh và thắng được quân Pháp cần phải có đủ vũ khí và không chỉ có dựa vào vũ khí thô sơ mà cần phải phát triển một số vũ khí “nóng” có sức sát thương lớn hơn. Trong thời gian nắm quyền thay cụ Phan, Cao Thắng đã huy động hàng trăm thợ rèn giỏi trong vùng tham gia rèn, đúc vũ khí, kịp thời trang bị cho nghĩa quân. Dưới sự chỉ huy của Cao Thắng, một xưởng sản xuất vũ khí đã ra đời ở Thượng Bồng quy tụ được nhiều thợ rèn giỏi khắp vùng. Để có thể sản xuất được một khẩu súng theo kiểu 1874 của Pháp, Cao Thắng đã cho tháo rời từng chi tiết, rồi tự mày mò nghiên cứu, sau đó kiên trì chỉ bảo thợ đúc đi, đúc lại nhiều lần cho đến khi ra được một khẩu súng hoàn chỉnh mới thôi. Sản xuất ra súng đã khó, khâu đúc đạn còn khó hơn, đặc biệt là khâu sản xuất thuốc súng. Để có được thứ thuốc súng gần giống với loại thuốc súng của Pháp, Cao Thắng đã cho người lặn lội sang tận bên Xiêm tìm mua thuốc súng đưa về rồi nghiên cứu, bắt chước. Những khẩu súng và đạn tự chế tuy chưa được nhiều và hoàn hảo, hiện đại như súng đạn của Pháp nhưng đã kịp thời trang bị đủ cho nghĩa quân chiến đấu; đặc biệt là những “khẩu súng trường Cao Thắng” ra đời đã tăng thêm niềm tin cho nghĩa quân chiến đấu. Một số “khẩu súng Cao Thắng” mà quân Pháp thu được sau các trận đánh đã làm cho người Pháp hết sức kinh ngạc và khâm phục tài năng chế tạo vũ khí của nghĩa quân Hương Khê. Được "thực mục sở thị" mẫu súng trường đó, viên đại úy Pháp Charles Gosselin đã phải thốt lên: “Nó giống mọi mặt súng mà các công binh xưởng bên Pháp chế tạo. Không chỉ các sĩ quan chúng ta (tức các sĩ quan Pháp), mà các kỹ sư châu Âu cũng phải kinh ngạc”. 

Cao Thắng không chỉ là một thủ lĩnh quân sự có khả năng nhìn xa trông rộng, có kinh nghiệm trong việc chọn và xây dựng căn cứ đứng chân cho nghĩa quân, có đầu óc kỹ thuật quân sự... mà còn là một nhà cầm quân giỏi, một nhà tổ chức quân sự có tài. Tháng 6-1890, Cao Thắng đích thân chỉ huy nghĩa quân tiến công các đồn Trường Lưu (Can Lộc), Nầm (Hương Sơn); đầu năm 1892 tiến công đồn Tuần Thượng (Kỳ Anh). Để bảo vệ căn cứ từ xa và để gây thanh thế cho nghĩa quân, “dằn mặt” quân địch, Cao Thắng đã đề xuất với cụ Phan Đình Phùng mở rộng phạm vi hoạt động. Được sự đồng ý của cụ Phan, Cao Thắng đích thân chỉ huy nghĩa quân tiến công một loạt đồn bốt địch ở vùng đồng bằng, trong đó có tỉnh lỵ Hà Tĩnh (tháng 8-1892).

Cuối năm 1893, sau khi căn cứ đã được củng cố vững chắc và mở rộng, lực lượng nghĩa quân đã phát triển mạnh và hoạt động gây được thanh thế, Cao Thắng mạnh dạn đệ trình cụ Phan Đình Phùng cho đánh tỉnh lỵ Nghệ An. Một kế hoạch phải nói là rất táo bạo mà theo ông, tiến công tỉnh lỵ Nghệ An không chỉ nhằm mục đích mở rộng địa bàn hoạt động, chủ động tiêu diệt được một bộ phận sinh lực quan trọng của địch trong vùng, gây được tiếng vang... mà còn “hâm nóng”, khuấy động lại phong trào đấu tranh chống Pháp ở một địa bàn từng sôi động vốn đang bị lắng xuống kể từ năm 1891. Cao Thắng cho rằng, nghĩa quân đánh ra Nghệ An lần này cần phải thần tốc, giành thế chủ động ngay từ đầu, không cho địch kịp trở tay. Nếu lần này hạ được thành Nghệ An thì các đạo quân thứ của ta ở Hà Tĩnh và Quảng Bình nhân đó mà nổi lên đánh chiếm và sẽ làm chủ được một vùng rộng lớn. Ông cho rằng “nếu nghĩa quân có được một dải đất như thế làm căn cứ thì có thể làm nên việc lớn”. Ý tưởng của Cao Thắng ngay lập tức đã được cụ Phan Đình Phùng chấp thuận.

Tháng 10 năm Quý Tỵ (tháng 11-1893), Cao Thắng đem 1.000 quân tinh nhuệ nhất từ căn cứ Ngàn Trươi tiến xuống đánh chiếm tỉnh lỵ Nghệ An. Ông chia đạo quân của mình làm hai đội: Đội tiên phong do ông trực tiếp chỉ huy cùng với Nguyễn Niên; đội quân hậu bị do Cao Nữu chỉ huy. Dọc đường tiến xuống Vinh, nghĩa quân vừa hành quân, vừa liên tục tiến công, đánh chiếm các đồn địch. Trong trận bao vây, tiến công đồn Nu (Thanh Chương), trong đêm tối, ông bị một viên đạn từ trong đồn bắn ra găm thẳng vào ngực. Nghĩa quân đưa Cao Thắng ra ngoài và nhanh chóng chuyển về Vụ Quang tìm cách chữa trị. Song do vết thương quá hiểm, ông đã không thể qua khỏi. Cao Thắng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 14-10 năm Quý Tỵ (tức ngày 21-11-1893), khi vừa mới 29 tuổi.

Sau khi Cao Thắng mất, cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng cũng dần đi vào thoái trào. Cao Thắng hy sinh nhưng tinh thần yêu nước, lòng kiên trung của ông vẫn trường tồn cùng lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Bằng ý chí kiên cường, khả năng cầm quân và tài năng sáng tạo trong khoa học quân sự, Cao Thắng thực sự cho thấy là một vị chỉ huy toàn tài có nhiều đóng góp xuất sắc trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19.

 TRẦN VĨNH THÀNH