Với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, tướng lĩnh, đại biểu các tỉnh, thành phố và đông đảo bà con dòng tộc họ Lê, chuyến đi đã để lại nhiều dư âm, ấn tượng tốt đẹp. Trong buổi giao lưu truyền thống: “Khởi nghĩa Lam Sơn-Thiên anh hùng ca giữ nước”, mọi người được tiếp cận thêm nhiều tư liệu quý giá, câu chuyện lịch sử sinh động về người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nhất là giai đoạn “nếm mật nằm gai” trên đất Lam Sơn, những năm đầu tụ nghĩa…
Gia thế của “Chúa Lam Sơn”
Theo Đại tá Vũ Tang Bồng, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam thì bài văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn hiện còn ở đất Lam Sơn đã cho hậu thế biết rõ ràng, chính xác về nguồn gốc và thân thế của Lê Lợi.
    |
 |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Duy Ứng mặc dù bị hỏng hai mắt vẫn thể hiện thành công bức vẽ chân dung đức vua Lê Thái Tổ trong buổi giao lưu-tôn vinh “Khởi nghĩa Lam Sơn-Thiên anh hùng ca giữ nước”. |
Theo đó, Lê Lợi sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (10-9-1385) tại quê mẹ là làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông tổ của Lê Lợi là Lê Hối vốn ở thôn Như Áng, huyện Lương Giang (nay là thôn Như Áng thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), sau dọn nhà đến ở chân núi Lam Sơn, khai khẩn đất hoang, xây dựng nên cơ nghiệp. Lê Hối lấy bà Trịnh Thị Ngọc Duyên, người ở Quần Đội, huyện Lôi Dương (nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) sinh ra Lê Đinh là ông của Lê Lợi. Đến đời Lê Đinh thì cơ nghiệp đã phát đạt, “kẻ giúp việc có tới hơn một nghìn” (bia Vĩnh Lăng). Lê Đinh lấy bà Nguyễn Thị Quách ở thôn Xuân Lan, huyện Lôi Dương sinh ra hai con trai là Tòng và Khoáng.
Lê Khoáng lấy bà Trịnh Thị Ngọc Thương ở làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (sau đổi là Thủy Chú, nay thuộc huyện Thọ Xuân), sinh ba con trai là Học, Trừ, Lợi và ba con gái.
Năm Lê Lợi tròn 22 tuổi cũng là năm quân Minh tràn sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống quân Minh do nhà Hồ lãnh đạo đã nhanh chóng bị thất bại. Bởi đại họa này, những năm đau thương của đất nước bắt đầu. Dưới ách thống trị tàn bạo của quân Minh, trăm họ bị đọa đày và đói khổ.
Xuất phát từ lòng yêu nước sâu sắc và tài năng xuất chúng, Lê Lợi đã âm thầm chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa ở ngay trên chính quê hương của mình. Ông đã dốc hết tâm huyết và tài sản của mình để chuẩn bị cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
“Thần thiêng nhờ bộ hạ”
Ngày mồng Hai Tết năm Mậu Tuất (tức ngày 7-2-1418), “Chúa Lam Sơn” long trọng làm lễ tế cờ xuất trận. Sát cánh với ông theo Lam Sơn thực lục có 35 võ tướng cùng một số quan văn, 200 quân Thiết đột, 200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, tổng cộng khoảng chừng 2.000 người và 14 con voi chiến.
Tên tuổi và uy tín của Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngày càng vang xa. Hào kiệt nhiều nơi đã về tụ nghĩa. Ông Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam, Trưởng ban tổ chức các hoạt động “về nguồn” và chương trình giao lưu-tôn vinh: “Khởi nghĩa Lam Sơn-Thiên anh hùng ca giữ nước”, cho rằng, Lê Lợi có uy tín và sức hút rất lớn, có khả năng tập hợp được nhiều người tài giỏi, đỗ đạt cao thuộc nhiều giai tầng trong xã hội về dưới trướng của mình.
Nhân tài trước hết phải kể đến là Nguyễn Trãi. Cuộc gặp gỡ của Lê Lợi và Nguyễn Trãi có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Vì hai nhân vật đó là linh hồn của nghĩa quân, là đầu não của bộ tham mưu khởi nghĩa.
Đó là danh tướng Trần Nguyên Hãn, người rất giỏi binh pháp; là Nguyễn Chích với chiến lược xuất sắc chuyển hướng hoạt động của nghĩa quân vào vùng chiến lược Nghệ An. Đó còn là Lê Lai, Nguyễn Xí, Phạm Văn Xảo, Lê Sát, Lê Ngân… Nhiều người trong số đó dự Hội thề Lũng Nhai, với 18 bậc hào kiệt thân tín cùng với chủ tướng Lê Lợi khởi nghiệp. Những anh tài, bộ hạ xuất chúng và trung thành đó cùng với sự ủng hộ to lớn của nhân dân đã giúp “Chúa Lam Sơn” và nghĩa quân vượt qua nhiều giai đoạn cam go, thử thách mất còn để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Những ngày “nếm mật nằm gai”
Nói về những năm đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Đại tá, luật sư Lê Đức Tiết, nguyên Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng, đó là giai đoạn thử thách đặc biệt vì có vô vàn khó khăn, cả về lực lượng, vũ khí, lương thực, lại bị địch đàn áp dữ dội. Lê Lợi và các nghĩa sĩ Lam Sơn đã phải chiến đấu vô cùng gian khổ. Tình thế quả đúng như Nguyễn Trãi mô tả: “Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một lữ” (Bình Ngô đại cáo).
    |
 |
Lễ dâng hương tại tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi ở TP Thanh Hóa. Ảnh: PHI LONG. |
Khi ấy, trước những cuộc tiến công lớn của địch, nghĩa quân phải nhiều lần rút lên núi Chí Linh là một ngọn núi cao, hiểm yếu bậc nhất ở thượng du sông Chu (nay thuộc xã Giao An, giữa Lang Chánh và Thường Xuân). Lần thứ nhất rút lên núi Chí Linh, nghĩa quân bị tuyệt lương đến gần hai tháng liền. Lần thứ hai rút lên núi Chí Linh, vào tháng 5-1419 quân địch đuổi theo bổ vây bốn mặt, quyết tiêu diệt cuộc khởi nghĩa. Trong tình thế hiểm nghèo đó, Lê Lai đã tự nguyện cải trang làm Lê Lợi, dẫn 500 quân ra phá vòng vây để đánh lừa quân địch. Lê Lai và đội quân cảm tử đã hy sinh anh dũng để cứu Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa khỏi một tai họa nguy hiểm.
Tháng 9-1419, nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu tiến xuống hoạt động ở miền Lỗi Giang (miền Cẩm Thủy, Bá Thước và một phần Quan Hóa). Khi quân Minh tiến lên đàn áp, nghĩa quân lại rút lui. Tháng 11-1420, một đạo quân Minh tiến công lên căn cứ của nghĩa quân. Lê Lợi bố trí mai phục sẵn ở bến Bổng để chờ. Quả nhiên quân địch kéo đến lọt vào giữa trận địa phục kích. Bị nghĩa quân từ bốn mặt bất ngờ xông ra chặn đánh, quân Minh tan rã và bị tổn thất nặng. Tuy nhiên, một số tướng của ta chủ quan, khinh địch, nhân đà thắng lợi đuổi theo tiến công vào đồn lũy quân Minh, làm cho lực lượng nghĩa quân bị thiệt hại khá nhiều. Lê Lợi rút quân về Mường Nanh rồi rút về căn cứ Mường Thôi.
Ở vùng Thanh Hóa, quân Minh tinh thần ngày càng sa sút, bạc nhược. Sau thất bại ở Quan Du, chúng phải rút lui về cố thủ thành Tây Đô và các đồn lũy xung quanh để chờ viện binh. Nhân đó nghĩa quân đã mở rộng hoạt động ra khắp vùng tây bắc Thanh Hóa. Nhân dân các vùng lân cận cũng nổi dậy hưởng ứng vây đánh các đồn lũy của địch.
Sự phát triển của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với chính quyền đô hộ của nhà Minh. Do đó vào cuối năm 1421, bọn quan lại và tướng tá đô hộ đã mở một cuộc tiến công lớn hòng tiêu diệt nghĩa quân. Chúng còn tìm mọi cách dụ dỗ và uy hiếp vua Ai Lao và các tù trưởng Ai Lao ở vùng biên giới giáp vùng thượng du Thanh Hóa để phá hoại mối quan hệ liên kết và tương trợ giữa nghĩa quân Lam Sơn với Ai Lao. Với tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời, nghĩa quân đã tiến công mạnh mẽ để phá thế bao vây của địch. Vào đầu tháng 3-1423, quân Minh lại từ Đông Quan tiến lên. Nhận thấy lực lượng còn yếu và không thể dùng miền huyện Khôi, huyện Xa Lai làm căn cứ cầm cự lâu dài với địch, bộ tham mưu cuộc khởi nghĩa quyết định mở một cuộc hành quân dài theo đường núi trở về căn cứ núi Chí Linh lần thứ ba.
Tháng 5-1423, khi nghĩa quân Lam Sơn không thể tiếp tục kéo dài cuộc đối đầu bằng vũ lực, cũng là khi quân Minh đã mệt mỏi bởi những cuộc động binh triền miên, hai bên đành phải thỏa thuận bước vào một thời kỳ tạm thời hòa hoãn.
Sau thời gian hòa hoãn để củng cố lực lượng, Lê Lợi liền họp bộ tham mưu cuộc khởi nghĩa để bàn kế tiến thủ. Trong buổi họp trọng yếu đó, vấn đề cơ bản của Lê Lợi đặt ra là: “Chúng ta sẽ đi về đâu để lo việc nước”, tức là xác định phương hướng chiến lược cho cuộc khởi nghĩa trong giai đoạn mới. Trong buổi họp, tướng quân Nguyễn Chích đề xuất một kế hoạch nổi tiếng có tầm chiến lược quan trọng đến toàn bộ quá trình phát triển và thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn. Nguyễn Chích đề nghị nghĩa quân tạm dời căn cứ chật hẹp của miền núi rừng Thanh Hóa để tiến vào chiếm lấy Nghệ An, xây dựng một căn cứ địa mới làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đuổi giặc cứu nước. Kế hoạch sáng suốt của ông đã được Lê Lợi và bộ tham mưu chấp nhận như phương hướng chiến lược mới của cuộc khởi nghĩa. Thực hiện sự chuyển hướng này, nghĩa quân đã bất ngờ và nhanh chóng giải phóng toàn phủ Nghệ An. Từ đó, làm bàn đạp chiến lược tiến lên thu phục cả nước, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
TRẦN HOÀNG