Về việc “nhận đất, làm mốc giới” này, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: “Trước đây, nước ta cùng nhà Thanh lập mốc giới hai bên ở núi Xưởng Chì (Diên Xưởng), còn núi Tụ Long của nước ta vẫn bị mất về phía nhà Thanh, (bị) thổ ty nhà Thanh đặt quan ải để đánh thuế.
Đất ở nước ta bị mất 40 dặm, triều đình đã nhiều lần làm văn thư tâu bày, biện bạch về việc này.
Vua nhà Thanh hạ sắc văn, dụ bảo quan địa phương (của nước ấy) bàn luận riêng về việc lập mốc giới. Một mặt, hạ lệnh cho Ngạc Nhĩ Thái, Tổng đốc Vân Quý (Vân Nam-Quý Châu) khám xét lại. Nhưng Nhĩ Thái lại nghe theo lời viên quan phái ủy nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn, rồi hắn tâu với vua nhà Thanh là nước ta xâm chiếm đất của phủ Khai Hòa, không chịu trao trả!
Vua nhà Thanh hạ sắc văn, dụ bảo nước ta phải theo lời, trả lại đất. Nhĩ Thái làm tờ tư, cho chạy trạm đến địa đầu biên giới Tuyên Quang.
Tuy nhiên thổ mục giữ quan ải (nước Việt) là Hoàng Văn Phác (có sách chép là Văn Lâu) dùng lời lẽ kháng cự, không chịu tiếp nhận tờ tư, kéo dài đến 5, 6 ngày. Nhĩ Thái ngờ nước ta có ý đồ gì khác, bèn tự sang tỉnh Quảng Tây, chia địa điểm phòng bị nơi biên giới. Một mặt, hắn tâu về triều đình nhà Thanh, xin điều động binh mã 3 tỉnh để phòng bị biên giới. Nhưng vua nhà Thanh không y cho. Liền đó, vua nhà Thanh sai Hàng Dịch Lộc, Tả đô ngự sử, và Nhậm Lan Chi, Nội các học sĩ, đi thẳng sang nước ta, tuyên bố chiếu chỉ để hiểu dụ, nhân đấy xem xét sự động tĩnh.
Khi Dịch Lộc ra đi, chưa đến nước ta, thì ngay lúc ấy, quốc thư nước ta đưa sang nhà Thanh từ trước, chợt đến Yên Kinh. Trong quốc thư giãi bày “lòng thành thờ nước lớn, sợ mệnh trời”. Vua nhà Thanh xem quốc thư, rất lấy làm vui lòng và khen ngợi. Lập tức sai viết sắc văn khác, lại giao cho bọn Dịch Lộc đưa sang nước ta, tuyên bố dụ bảo. Trong sắc văn nói việc tra xét ra đất Xưởng Đồng 40 dặm, nay trao trả cả lại” (cho ta).
Cũng nói về sự thể đất đai biên giới như thế này, về phía bên kia, sách “Đông hoa lục” của Tưởng Lương Kỳ (Ký) viết (được “Khâm định lịch sử thông giám cương mục” dẫn lại): “Tháng 4 năm Ung Chính 3 (1725), Tổng đốc Cao Kỳ Trác tâu: Cương giới nước An Nam có 120 dặm thuộc lãnh thổ cũ của nội địa nhà Thanh, nước ấy dâng sớ biện bạch. Bèn hạ lệnh cho Ngạc Nhĩ Thái là đốc thần tiếp nhận, khám xét lại cho được chính xác, rồi trao trả lại 80 dặm ở mé dưới núi Xưởng Chì (Diên Xưởng).
Quốc vương nước ấy (tức: An Nam) lại dâng sớ biện bạch. Nên, tháng 9 năm thứ 5 (1727), triều đình sai Nhậm Lan Chi, Nội các học sĩ, cùng với bọn Hàng Dịch Lộc là Đô ngự sử, đi dụ bảo.
Khi chưa đến nơi thì quốc vương (An Nam) dâng tờ biểu tạ ơn. Triều đình bèn đem 40 dặm đất mà Ngạc Nhĩ Thái tra ra được, trả lại cho quốc vương (An Nam). Và làm sắc dụ giao cho bọn Hàng Dịch Lộc đem sang (nước ấy) tuyên đọc…”.
Đấy là tình hình được cung cấp từ hai phía, về việc Nguyễn Huy Nhuận (cùng Tế tửu Quốc Tử giám Nguyễn Công Thái) được phái lên biên giới “nhận đất, làm mốc giới” vào tháng 6 (âm lịch) năm 1728.
Cần bổ sung những tư liệu sau đây, để rõ thêm hoàn cảnh (bối cảnh, tình hình xung quanh) chuyến đi công cán lên biên giới của Nguyễn Huy Nhuận vào năm này. Trong khi sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: “Bấy giờ, biên cương phía Bắc cảnh giới nghiêm ngặt, nên bên nước ta, trong kinh ngoài trấn, có ý nghi ngờ sợ hãi”. Nhưng (chúa) Trịnh Cương quyết đoán, cho rằng bên kia không có lý do nào để gây hấn sinh sự được. Bèn nghiêm sức cho quan lại giữ biên giới không được manh động”, thì sách “Đông hoa lục” lại chép được cả đại lược bản sắc văn của vua nhà Thanh gửi cho quốc vương An Nam, với lời lẽ sặc mùi đế quốc, như sau: “Trẫm thống trị thiên hạ, phàm những nước đã liệt vào hàng phiêu phong, thì dẫu một thước đất cũng không chỗ nào là không phải đất đai do trẫm chúa tể! (Do đấy) can cớ gì mà phải so đo 40 dặm đất nhỏ bé ấy?
Mới đây, Ngạc Nhĩ Thái đem bản tâu của quốc vương (An Nam) lên trình, lời lẽ ý tứ trong bản tâu tỏ lòng cung kính, trẫm rất hài lòng, khen ngợi. Vả lại, 40 dặm đất ấy, nếu thuộc vào Vân Nam thì là nội địa của trẫm, nếu thuộc vào An Nam thì cũng vẫn là ngoại phiên của trẫm, không có một chút phân biệt nào cả! Vậy, chuẩn cho đem đất ấy ban thưởng cho quốc vương An Nam được đời đời giữ lấy”!
Đấy là tình hình báo trước sự khó khăn, phức tạp của chuyến đi công cán lên biên giới phía Bắc của Nguyễn Huy Nhuận.
Quả nhiên, lúc tiếp cận thực địa, thì có vấn đề lớn, xung quanh sự tồn tại (tức: Vị trí đích thực) của một con sông nhỏ, có tên là sông Đổ Chú, mà hai nước đã thỏa thuận (trên giấy tờ) là chỗ phân giới. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết nguyên văn: “Thổ ty phủ Khai Hóa (thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) muốn ăn chặn lấy các sách (làng miền núi) ở Bảo Sơn, nên chỉ láo chỗ khác là sông Đổ Chú”!
Việc “chỉ láo” (tức đánh tráo vị trí mốc giới là con sông Đổ Chú như thế này, chắc chắn phải là chỉ vào một địa điểm ở sâu về phía nam chỗ đích thực là sông Đổ Chú! Nếu nhẹ dạ, hoặc ngại ngần việc đi thực địa, mà dễ dàng chấp nhận chỗ “chỉ láo” của phía bên kia, hệ quả và hậu quả sẽ lại một lần nữa mất đất!
Nhưng “Phái đoàn Nguyễn Huy Nhuận”-mà nhân vật đại diện được sử sách ghi tên, là: Nguyễn Công Thái-đã không mắc vào cái bẫy trí trá của phía bên kia! Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép tiếp: “(Nguyễn) Công Thái biết là gian trá, liền xông pha lăn lộn những nơi lam chướng hiểm trở, đi (hẳn là ngược lên phía Bắc) trải qua các Xưởng Bạc, Xưởng Đồng, nhận ra đúng chỗ sông Đổ Chú! Bèn dựng bia ở nơi giáp giới ấy”.
Hoàn toàn có thể khuyên một dấu son đỏ cho đoạn sử bút gọn gàng, rành rẽ, nói về hành động vất vả nhưng quả cảm và quả quyết, đi tìm sự thực, và chỗ đích thực là giáp giới, của “Phái đoàn Nguyễn Huy Nhuận”!
Nhưng, phải là hai dấu khuyên son đỏ cho hành động và câu văn mô tả việc “dựng bia”, tức: Cắm mốc giới của phái đoàn, ngay sau khi đã xác định đúng vị trí của biên giới.
Tấm “Bia Nguyễn Huy Nhuận” đó cho đến nửa sau thế kỷ 19-khi các sử thần triều Nguyễn soạn sách “Đại Nam nhất thống chí”-vẫn còn nguyên vị và nguyên trạng, có cả nhà bia với mái che hẳn hoi, ở ngay trên bờ nam sông Đổ Chú, như lời khẳng định và mô tả trong bộ sách địa chí tổng hợp quý giá này.
Tuy nhiên, dù rằng ngày nay, bây giờ, có ai có thể tìm được tấm bia, nhất là vị trí cắm mốc giới bằng tấm bia đó ở đâu không, nhưng nội dung những lời lẽ được khắc ghi trên tấm bia ở bờ nam sông Đổ Chú năm 1728 đó gọn gàng, chắc nịch, cả oai phong nữa, may mắn vẫn còn được chép lại vào nhiều cổ thư, thì, đến nay vẫn khiến mọi người phải tấm tắc! Nguyên văn lời bia như sau:
“Giới mốc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Đổ Chú làm căn cứ.
Ngày 18, tháng 9, năm Ung Chính thứ 6 (1728).
Chúng ta là Nguyễn Huy Nhuận, Tả Thị lang Bộ Binh, và Nguyễn Công Thái, Tế tửu Quốc Tử giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này”.
Nguyễn Huy Nhuận sinh năm 1678, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi khi 25 tuổi, là Tả Thị lang Bộ Binh (tức: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), và ở tuổi 50, khi viết và để lại những hàng chữ văn bia này, ở bờ nam dòng sông biên cương Đổ Chú, trong chuyến đi công cán lên biên giới phía Bắc, năm 1728!
Đó là những chữ và nghĩa của một trí thức đại khoa yêu nước nồng nàn, tự hào dân tộc mãnh liệt, tận tụy, sáng suốt và cương nghị, quyết đoán trong mọi công việc. Do đó mà sau đấy ông trở thành Thượng thư (Bộ trưởng) hết Bộ Công, Bộ Lễ, lại Bộ Hộ, thăng tiếp đến Tham tụng (Thủ tướng Chính phủ), Thiếu phó (ở hàng Tam Cô) Thái bảo (ở hàng Tam Thái) Triệu Quận công, tri Quốc Tử giám, Phụng thị Ngũ lão, vào chầu tòa Kinh diên (dạy học cho vua chúa).
Danh tiếng vọng non sông, uy đức trùm thiên hạ, công lao cao ngất trời, thọ đến 80 tuổi, Nguyễn Huy Nhuận thành và là một bậc danh nhân đất Việt hiếm thấy ở thế kỷ 18, chính là vì thường xuyên có và giữ được những phẩm chất như lúc đề bia cắm mốc biên giới, trong chuyến công cán lên biên thùy phía Bắc, năm 1728.
Nhà sử học LÊ VĂN LAN