Trần Nhật Duật sinh năm Ất Mão 1255. Sự ra đời của ông có nhiều ly kỳ và huyền tích, mà như sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa hạ, tháng tư, Hoàng tử thứ 6 (của Vua Trần Thái Tông) là (Trần) Nhật Duật sinh... Trước đó, đạo sĩ cung Thái Thanh, tên là Thậm, cầu tự cho vua. Đọc sớ xong, đạo sĩ tâu với vua: Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn Đồng tử giáng sinh, ở trần thế 4 kỷ (rồi về thượng giới). Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ “Chiêu Văn Đồng tử”, nét tử rất rõ, vì thế, đặt cho Nhật Duật tên hiệu là Chiêu Văn.

Trần Nhật Duật mất năm Canh Ngọ 1330, thọ 75 tuổi. Có thể gọi là sống thọ ở thời ấy. Điều này cũng có ý nghĩa, ông đã kéo dài thêm được thời gian tích lũy các khả năng và hành động cống hiến. Điều mà Trần Nhật Duật, trước hết luôn khiến mọi người ngạc nhiên và nể phục, là khả năng bác ngữ học. Ông không chỉ có thể nói mà còn am hiểu ngôn ngữ và phong tục, tập quán của những nước hoặc dân tộc có ngôn ngữ ấy, như: Trung Hoa, Chiêm Thành, Mã Lai... và nhiều dân tộc thiểu số ở trong nước. Vua Trần Nhân Tông đã có lần phải thốt lên: “Chiêu Văn Vương dường như không phải người nước ta mà là hậu thân của các giống “Phiên”, “Man” hay sao ấy!”. Còn sứ giả từ phương Bắc đến thì lại khăng khăng: “Ngài là người Chân Định (ở gần Bắc Kinh) sang làm quan xứ này chứ gì?”.

Chính nhờ khả năng bác ngữ ấy mà từ khi mới ở tuổi 20, Trần Nhật Duật đã được triều đình giao trọng trách làm bang giao với các nước láng giềng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhà Trần thường có lệ dùng phiên dịch phòng khi có điều gì sơ sẩy, nhưng Trần Nhật Duật thì bao giờ cũng thương nghị trực tiếp bằng ngôn ngữ của sứ giả, không cần phiên dịch”.

Đặc trách cả việc ổn định xã hội và biên cương vùng các dân tộc thiểu số, Trần Nhật Duật đã lưu danh vào trong sử sách. Năm 1280, ông “tay không bắt giặc” khi chỉ đem theo vài tiểu đồng mà ung dung đi thu phục được Chúa đạo Đà Giang (ở Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật đang mưu toan nổi loạn.

leftcenterrightdel

Một góc đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Ảnh: KHÁNH AN

Triều đình nhà Trần còn đặc cách cho Trần Nhật Duật quyền đứng ra thu nạp-thu dung các nội thần triều Tống ở phương Bắc, gặp họa xâm lấn của Mông Thát, phải lưu vong xuống phương Nam. Đạo sĩ Hứa Tông Đạo, tướng Triệu Trung... nằm trong số những người nhà Tống trở thành gia thần của Trần Nhật Duật như thế. Và họ đã phục vụ đắc lực, khi bùng nổ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên lần thứ hai, vào các năm 1284-1285. Đây cũng chính là lúc mà Trần Nhật Duật bộc lộ thêm một khả năng tuyệt vời nữa là tài năng quân sự, trận mạc.

Ở tuổi 30, Trần Nhật Duật đã được triều đình nhà Trần cử làm tướng quân phụ trách mặt trận chống quân Mông-Nguyên xuống theo đường Tây Bắc, chặn đường tấn công của giặc, đưa lực lượng kháng chiến trên miền rừng núi tài tình thoát hiểm an toàn về đồng bằng, hội sư cùng quân đội triều đình, sau đó chuyển quân vào đánh giặc ở chiến trường Thanh-Nghệ, đặc biệt là ở trận Thu Vật (lúc bấy giờ thuộc Tuyên Quang). Có sự giúp sức của đạo sĩ Hứa Tông Đạo, Trần Nhật Duật đã trở thành danh tướng với tài năng kiểm soát chiến trận, động viên binh sĩ và phán đoán địch tình.

Đến mùa hạ năm 1285, vào lúc quân và dân nhà Trần mở cuộc đại tổng phản công thì ở trận Hàm Tử, Trần Nhật Duật đã trở thành tướng lĩnh chỉ huy kiệt xuất. Khi toàn thắng, đánh tan cả một lực lượng rất mạnh của quân Mông-Nguyên đồn trú tại đây, khiến Hàm Tử cùng với Chương Dương (của Trần Quang Khải) trở thành hai chiến công lừng lẫy và tiêu biểu của cả cuộc kháng chiến, như đã vào trong thi khúc Tụng giá hoàn kinh sư nổi tiếng...

Với công trạng ấy, sang đến thời hậu chiến, khi những tên tuổi của “thế hệ vàng” đã lần lượt qua đời hết, như: Trần Quang Khải (1294), Trần Quốc Tuấn (1300) thì trong vòng 30 năm đầu thế kỷ 14, đây là lúc Trần Nhật Duật lại bộc lộ thêm một lần nữa những khả năng đặc biệt của một chính khách lão luyện đứng đầu triều đình, với các chức và tước lần lượt được phong: Thái úy Quốc công (1302), Tá thánh Thái sư (1324), Chiêu Văn Đại vương (1329).

Ở những cương vị và danh vị ấy, Trần Nhật Duật đã khéo léo, sáng tạo và nhân văn cho việc điều hành và xử lý, từ nhỏ đến lớn, từ chi tiết đến đại cuộc của thế sự và triều chính, quốc gia và hoàng gia qua liên tiếp và liền mạch 3 đời Hoàng đế: Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Nhật Duật “là người hòa nhã, độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt”. Bên cạnh đó, “ông lại thiệp liệp sử sách, rất hâm mộ huyền giáo (tức Đạo giáo), thông hiểu xung điển (tức kinh điển của Đạo giáo), nổi tiếng đương thời là người uyên bác”...

Nhà sử học LÊ VĂN LAN