Hình cánh tay vạm vỡ

Từ trên máy bay nhìn xuống, dải đất có hình một cánh tay vạm vỡ đang nắm chặt, mà bàn tay nắm ấy là miền biên viễn-địa đầu Móng Cái, Quảng Ninh. Rồi cánh tay xuôi dần về phía nam, dừng lại ở dãy núi Tam Điệp, Ninh Bình.

Nói Quân khu 3 là hình ảnh đất nước thu nhỏ bởi ở đây có đầy đủ rừng núi, biển khơi, duyên hải, trung du và đồng bằng.

Biển, có vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Rừng, có Cúc Phương và Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), nằm trong danh sách cần bảo tồn của nhân loại. Đồng bằng, duyên hải, trung du lại càng phong phú, đa dạng và đặc biệt quan trọng với đời sống con người: Ruộng đồng phù sa màu mỡ, nước ngọt, khí lành, những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình là vựa lúa với nhiều đặc sản. Trong lòng đất có than-khoáng sản, tiềm tàng khí đốt và các loại vật liệu xây dựng. Núi đá xanh là một tài nguyên quý hiếm... Sông ngòi dày đặc, mạng lưới giao thông thủy, bộ, đường sắt, đường không phát triển… Đó chính là tiềm năng, là tài sản thiên nhiên ban tặng, rất cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cũng trên mảnh đất này, hàng nghìn năm nay, hơn 20 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Hoa, Mông, Thái, Mường… sinh sống. Họ vượt qua những chặng dài của lịch sử chống thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền đất nước và hình thành các vùng dân cư đông đúc tại các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh…

leftcenterrightdel
Quang cảnh lễ ra quân huấn luyện tại Quân khu 3. Ảnh: ĐỨC VIỆT

Đất danh nhân, thượng võ, anh hùng

 Đất Cúc Bồ, Hồng Châu xưa (nay là huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) chính là quê hương Khúc Thừa Dụ, vị hào trưởng giàu lòng nhân nghĩa và có thế lực trong vùng. Từ đầu thế kỷ 10, lợi dụng thời cơ nhà Đường suy vong, Khúc Thừa Dụ đã giương cao ngọn cờ nhân nghĩa, giành độc lập, đưa dân tộc thoát ách đô hộ nhà Đường, tự xưng Tiết Độ sứ, mà thực chất là nguyên thủ quốc gia, mở ra một thời kỳ mới tự chủ cho Đại Việt, với đường lối “Khoan-giản-an-lạc”, cải cách hành chính, cải cách điền địa: “Lập các lộ, phủ, châu, giáp, xã. Định điền, tô, thuế, khóa, công bằng”.

Cuối thế kỷ 10, từ đất Hoa Lư, Ninh Bình, chàng thiếu niên mồ côi chăn trâu áo vải Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ rõ tố chất anh hùng. Khi đất nước có loạn 12 sứ quân cát cứ thôn tính lẫn nhau, ông đã tụ tập nghĩa quân, Nam chinh Bắc chiến, thu về một mối, vỗ về muôn dân, lên ngôi Hoàng đế-một danh xưng chưa từng có. Đinh Hoàng đế đã chỉ huy công cuộc dựng xây kinh đô Hoa Lư thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế của quốc gia với sừng sững một quốc hiệu Đại Cồ Việt. Rồi tiếp đến vua Lê Hoàn dũng lược, dẹp Chiêm, phá Tống, giữ yên bờ cõi cho đất nước thanh bình.

Mảnh đất có 3 nhân vật anh hùng xuất chúng: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn nối tiếp nhau đăng quang, cũng là nơi phát tích vương triều Trần và sinh thành một anh hùng cái thế-Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, tỏa sáng trong trang sử 3 lần chống giặc Mông-Nguyên thế kỷ 13.

Ở đây, mỗi ngọn núi, con sông, những tên đất, tên làng đều thấm đẫm chất anh hùng ca. Ở đây có những địa danh mà khi nhắc tới làm nức lòng con dân Đại Việt: Đây là Vân Đồn, Bạch Đằng giang, sông Lục Đầu. Kia là Vạn Kiếp, Chương Dương, cửa Hàm Tử, Tam Điệp...

Hàng nghìn năm còn vang vọng tiếng gươm khua, tiếng sóng vỗ, quân reo, hào sảng âm vang sông núi lời Hịch tướng sĩ  bên dòng Lục Đầu của Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn… Những hình ảnh ngựa hý, quân reo xung phong, trên sông Bạch Đằng phá tan giặc Nam Hán của Ngô Vương, lời thơ tuyên ngôn độc lập ngạo nghễ của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, hẳn mãi mãi không phai mờ trong lòng dân tộc.

Danh hương, văn hiến và khoa bảng

Trải dài 844 năm (từ năm 1075 đến 1919), các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức 183 khoa thi Hội, chọn được gần 3.000 vị đỗ đại khoa, thì chỉ một làng Mộ Trạch (tỉnh Hải Dương) có 36 vị, được mệnh danh “làng Tiến sĩ” hay “Tiến sĩ sào”-cái tổ sinh ra Tiến sĩ. Lại nói cả nước có 47 trạng nguyên, thì vùng đất này có tới 20 vị, chiếm gần một nửa số trạng nguyên cả nước. Đó là những người đức cao vọng trọng, hết lòng giúp vua trị quốc, an dân, làm vẻ vang quốc thể, làm rạng danh cho gia đình, làng xóm, quê hương...

Nam Định có làng Tức Mặc (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định), là nơi phát tích vương triều Trần. Với diện tích tự nhiên 1.660km2 và dân số khoảng 2 triệu người, Nam Định có tới hơn một trăm vị tướng dưới thời đại Hồ Chí Minh. 

Cũng ở đất thành Nam, trong một xã Xuân Hồng (huyện Xuân Trường) đã sinh ra gần hai mươi danh nhân văn võ. Đây cũng là quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, của nhiều bộ trưởng, viện trưởng và các GS, TS chuyên gia đầu ngành khoa học công nghệ, các Anh hùng LLVT nhân dân.

Vừa sinh thành, dung dưỡng những danh nhân, danh tướng của quê hương, vừa là nơi tụ hội nhiều nhân vật lỗi lạc của đất nước gây dựng nghiệp lớn, Quân khu 3 được mệnh danh là đất “văn võ song kiệt”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Quân khu 3-quân khu Đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng đất căn bản và cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước. Địa bàn Quân khu 3 là vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu 3 đã nêu cao vai trò vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến (…) mãi mãi xứng đáng là một vùng đất văn hiến và cách mạng, đất căn bản của nước nhà” (trích “Quân khu Ba-lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)”, NXB QĐND, 1995).

KHÚC HÀ LINH