Hoàng Kế Viêm (tên thật là Hoàng Tá Viêm), tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, sinh ngày 21 tháng Bảy năm Canh Thìn (1820) tại làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh (nay thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Sinh ra trong một gia đình quan lại có truyền thống cả văn lẫn võ nên Hoàng Kế Viêm sớm có điều kiện để học hành thành tài hơn nhiều trang lứa. Năm 1843, mới 23 tuổi, sau khi thi đỗ cử nhân, ông được bổ nhiệm chức Tư vụ, hàm Quang lộc tự khanh và được vua Minh Mạng thương quý gả người con gái thứ năm cho làm vợ. Phò giúp qua 3 đời vua, Hoàng Kế Viêm đã có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và trị nước, an dân. Năm 1846, ông được vua Thiệu Trị bổ làm quan Lang trung Bộ Lại. Năm 1852, dưới thời Tự Đức, Hoàng Kế Viêm được sung chức Án sát tỉnh Ninh Bình; Bố chính tỉnh Thanh Hóa (1854); Bố chính kiêm Tuần phủ Hưng Yên (1859) rồi Tổng đốc An Tĩnh (1863)...
Vào những năm 60 của thế kỷ 19, dư đảng Thái bình Thiên quốc tràn sang cướp bóc, quấy phá vùng biên giới phía Bắc nước ta. Sau sự kiện Tổng đốc Quân vụ Bắc Kỳ là Đoàn Thọ bị giết, năm 1870, triều đình Huế cử Hoàng Kế Viêm ra làm Lạng-Bình-Ninh-Thái Thống đốc Quân vụ đại thần để cùng lực lượng của Tán lương Tôn Thất Thuyết trừng trị đám giặc phản loạn, ổn định tình hình tại vùng biên cương phía Bắc.
Chỉ sau mấy tháng trên cương vị mới ở vùng đất lạ, cùng với việc truy quét lũ giặc, giữ yên trị an, Hoàng Kế Viêm còn hết sức chăm lo đến đời sống của dân trong vùng; đốc thúc xây dựng thủy lợi, mở mang nông nghiệp, phát triển sản xuất. Gặp lúc thiên tai, mất mùa, ông đã xin với triều đình kịp thời cứu đói cho dân. Đặc biệt, bằng kế sách “dĩ di-công di” (dùng phỉ diệt phỉ), Hoàng Kế Viêm đã thu phục được chủ tướng Lưu Vĩnh Phúc cùng đội quân Cờ Đen; sau đó dùng chính đội quân này đánh tan các đội quân Cờ Vàng và Cờ Trắng; rồi phối hợp đánh quân Pháp. Nhờ công lao này mà Hoàng Kế Viêm được phong Đại học sĩ, Tổng đốc Tam Tuyên và được sung làm Tiết chế Quân vụ miền Bắc. Năm Canh Thìn (1880), ông được phong Tĩnh biên sứ kiêm luôn cả hai đạo Lạng Giang và Đoan Hùng. “Dĩ di-công di” là một trong những kế sách giữ nước hay được Hoàng Kế Viêm áp dụng thành công trong bối cảnh nước ta lúc bấy giờ đang đứng trước họa ngoại xâm và đang bị các đội quân thổ phỉ đến từ phương Bắc kéo vào phá phách, hoành hành. Oái oăm thay, kế sách này đã khơi mào cho một chuỗi lời gièm pha, dị nghị; thậm chí cả nghi hoặc phát ra từ một số quyền thần triều Nguyễn trút lên đầu Hoàng Kế Viêm những năm sau đó.
|
|
Đền thờ tướng quân Hoàng Kế Viêm (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: MINH ĐỨC |
Khi quân xâm lược Pháp kéo vào nước ta, mặc dù đứng về phe chủ chiến nhưng Hoàng Kế Viêm đã không được dung nạp vào hàng ngũ những quyền thần trụ cột thân tín của triều đình, bị tước đi cơ hội được ghé vai lo việc cứu nước, cứu dân. Đó là một bi kịch đáng tiếc cho ông và thiệt thòi cho dân, cho vận nước.
Năm 1873 và 1882, quân Pháp hai lần kéo quân ra đánh chiếm Bắc Kỳ. Theo lệnh của Thống đốc quân thứ Tam Tuyên, Hoàng Kế Viêm cùng với Tôn Thất Thuyết và thủ lĩnh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc đem quân từ Sơn Tây về phục kích tại Cầu Giấy (Hà Nội) đánh thắng hai trận lớn, tiêu diệt hai chủ tướng Pháp là F.Garnier và H.Rivière. Chiến thắng Cầu Giấy 1873 và 1883 là niềm tự hào của quân và dân ta trong buổi đầu chống xâm lược Pháp. Cả hai chiến thắng đó đều in đậm dấu ấn tài cầm quân của Hoàng Kế Viêm. Chính ông là người bày binh bố trận, lập kế hoạch cụ thể cho cả hai trận đánh đó. Trong trận Cầu Giấy lần thứ nhất (1873), Hoàng Kế Viêm đã nghĩ ra cách khích lệ binh sĩ khá độc đáo. Trước khi xung trận, ông tuyên bố trước ba quân sẽ trọng thưởng theo cấp số nhân cho những ai tiêu diệt được nhiều quân Pháp. Kết quả là khi xung trận, binh sĩ được khích lệ đã dũng cảm, lăn xả vào tử chiến với quân địch. Trong trận Cầu Giấy lần thứ hai (tháng 5-1883), Hoàng Kế Viêm đã cho dán cáo thị với nội dung: “Ta đóng quân ở Hoài Đức nhưng không nỡ đánh vào Hà Nội gây thiệt hại cho dân. Vậy lũ ngươi có gan thì hãy đến Hoài Đức đọ sức với ta...” trên nhiều phố phường Hà Nội nhằm khiêu khích, dụ quân Pháp ra đại bản doanh của mình ở Hoài Đức để nghênh chiến. Chiêu khiêu khích này của ông đã phát huy được tác dụng trước thói ngạo mạn, chủ quan của quân Pháp. H.Rivière đích thân mở cuộc tiến công ra Hoài Đức và rồi rơi vào ổ phục kích tại Cầu Giấy và phải đền tội giống y hệt người tiền nhiệm là F.Garnier 10 năm trước. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, trên cương vị tổng chỉ huy quân đội của triều đình ở Bắc Kỳ, về trách nhiệm của người cầm quân, việc bỏ lỡ thời cơ, không khuếch trương chiến quả dẫu sao cũng là một sự khiếm khuyết. Việc chỉ dựa vào đội quân của triều đình mà không biết phát động chiến tranh nhân dân trong bối cảnh lòng dân đang sục sôi chống giặc, âu cũng là một điều đáng tiếc cho mặt hạn chế này của Hoàng Kế Viêm.
Hoàng Kế Viêm vốn là một tướng quân biết dùng người. Năm 1874, khi triều đình Huế ký Hiệp ước Giáp Tuất với Pháp, nhiều chí sĩ yêu nước đã phản ứng, trong đó có Nguyễn Mậu Kiến. Không chấp hành lệnh bãi binh, Nguyễn Mậu Kiến bị triều đình tước hết mọi chức tước, phẩm hàm và sung đi làm lính ở quân thứ Thái Nguyên. Khâm phục tài năng và tinh thần chống Pháp của vị chí sĩ yêu nước này, Hoàng Kế Viêm đã làm sớ tâu xin nhà vua cho Nguyễn Mậu Kiến được về cộng tác với mình ở sơn phòng Hưng Hóa. Tại đây, ông đã trọng dụng và giao cho Nguyễn Mậu Kiến chuyên lo việc luyện tập binh mã và chuẩn bị quân lương. Được sự giúp sức của Nguyễn Mậu Kiến, sơn phòng Hưng Hóa đã được củng cố vững chắc, lực lượng phát triển hùng hậu, trở thành một trong những trung tâm kháng chiến mạnh ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ.
Ngày 25-8-1883, triều đình Huế ký Hiệp ước Quý Mùi với Pháp, ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm phải bãi binh rút về kinh nhưng ông đã không tuân lệnh mà quyết định ở lại phối hợp cùng với một số lực lượng khác tiếp tục đánh quân Pháp. Là một con người có nhãn quan quân sự ở tầm chiến lược, Hoàng Kế Viêm chủ trương xây dựng vùng Sơn Tây thành một căn cứ địa vững chắc để cùng với cánh quân của Trương Quang Đán ở Bắc Ninh hình thành hai gọng kìm gây sức ép lên quân Pháp ở Hà Nội. Ông là một nhà chỉ huy quân sự luôn có tư tưởng tiến công, kể cả khi triều đình Huế yêu cầu ông phải bãi binh. Để đối phó với áp lực quân sự ngày càng gia tăng của quân Pháp, cho dù không được lệnh của triều đình, Hoàng Kế Viêm vẫn chỉ huy đại quân triển khai xây dựng 3 tuyến phòng thủ trên các con đường huyết mạch dẫn vào “đại bản doanh” Sơn Tây, lấy đó làm lá chắn bảo vệ từ xa cho trung tâm kháng chiến này.
Nhận thức được mối nguy hiểm của trung tâm kháng chiến Sơn Tây đối với Hà Nội, cũng như vai trò quan trọng của thủ lĩnh Hoàng Kế Viêm, vừa mới nhậm chức Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương được hai tháng, Courbet đã quyết định đưa 6.000 quân quyết xóa sổ bằng được trung tâm kháng chiến này. Phải sau gần một tuần lễ vừa tiến công bằng quân sự, vừa kết hợp dùng mưu kế, quân Pháp mới chiếm được Sơn Tây. Thành Sơn Tây mất, dưới sự chỉ huy của Hoàng Kế Viêm, quan quân triều đình đã rút lên Hưng Hóa tiếp tục kháng chiến.
Sau khi cả hai thành Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ, Hoàng Kế Viêm mới chịu quay về kinh thành Huế chờ lệnh. Bộ chỉ huy quân Pháp và triều đình Huế phong cho Hoàng Kế Viêm nhiều chức tước để dụ dỗ, mua chuộc nhằm lợi dụng uy tín của con người tài năng này. Tuy nhiên, tất cả đều không thể lung lạc được ý chí và quyết tâm kháng chiến của Hoàng Kế Viêm, kể cả khi ông được phái ra Quảng Bình thuyết phục vua Hàm Nghi và phủ dụ dân chúng thì ông trước sau như một vẫn kiên định với lập trường của phe chủ chiến.
Không thể thuyết phục được con người đầy tài năng và uy tín, có quyết tâm chống Pháp đến cùng để bảo vệ nền độc lập dân tộc, cuối cùng, triều đình đành phải để Hoàng Kế Viêm về nghỉ ở quê nhà theo nguyện vọng. Ông mất năm 1909, thọ 89 tuổi. Nhớ ơn ông, dân làng đã lập đền thờ và xây lăng mộ. Để ghi nhớ công lao to lớn của một danh tướng tiêu biểu thời kỳ chống Pháp nửa sau thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của dân tộc, hiện nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã đệ trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng mộ và đền thờ Hoàng Kế Viêm là di tích cấp quốc gia.
TRẦN VĨNH THÀNH