Chúng tôi chỉ dừng lại khi thấy liên lạc của trung đoàn chạy từ phía dinh đến yêu cầu không bắn nữa, quân ta vào đó rồi. Rồi chúng tôi nghe tiếng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh. Cũng vào lúc ấy, một loạt đạn bắn lén vào đội hình chúng tôi trong sân Trường Lê Quý Đôn khiến hai chiến sĩ bị thương. Chiến tranh dừng lại đúng vào lúc ấy. Chúng tôi ngước lên trời, vòm trời thật xanh và hoa phượng vĩ rung rinh đỏ. Đêm ấy, Trường Lê Quý Đôn náo nức tiếng cười nói và màu áo rừng Trường Sơn của bộ đội.

leftcenterrightdel
Tác giả phát biểu tại Trường Lê Quý Đôn trong dịp kỷ niệm 140 năm thành lập trường (tháng 2-2015). Ảnh: NGUYỄN TRỌNG 

Bộ đội hạ ba lô và ghép bàn học sinh làm giường để ngủ. Đêm 30-4 ai mà ngủ được. Sài Gòn điện vẫn lung linh sáng. Trai gái vẫn dắt nhau đi dọc đường Võ Văn Tần. Tôi vẫn nhớ đêm ấy, tiểu đội trinh sát của tôi nằm nhìn lên tấm bảng đen. Chiến tranh làm dòng chữ trên bảng dừng lại từ lúc nào, chỉ còn sót lại nét phấn của thầy giáo nào đó ghi tên bài thơ Bến My Lăng. Đêm ấy tinh khôi như chưa hề có chiến tranh trong tôi, thành phố yên ả và nghe có tiếng còi tàu từ bến Bạch Đằng vọng lại.

Đêm 30-4-1975, hàng nghìn người lính chúng tôi thao thức. Cả Sài Gòn thao thức. Cả Việt Nam thao thức. Tôi nhớ miền Bắc, nhớ mẹ cha, nhớ Trường Đại học Cơ Điện trên Việt Bắc mà tôi tạm biệt đã 4 năm. Tôi mong chóng sáng để ngày mai nhìn thấy Sài Gòn rõ hơn và viết lá thư về cho mẹ.

Sáng 1-5-1975, chưa kịp thực hiện việc viết thư về cho mẹ thì tôi nhận lệnh mang theo trang bị vũ khí lên gặp Ban Chính trị Trung đoàn 64 nhận nhiệm vụ. Ban Chính trị đóng trong căn phòng hành chính của Trường Lê Quý Đôn, sát cổng chính vào từ phía hàng rào Dinh Độc Lập. Khi tôi vào đã có các thủ trưởng trung đoàn và ba người lạ mặc đồ dân sự. Tôi báo cáo thủ trưởng và chào ba vị khách, hai nam, một nữ. Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn nói:

- Đây là các vị giáo chức của Trường Lê Quý Đôn. Hôm nay, nhà trường tổ chức một cuộc gặp mặt của thầy giáo, cô giáo và học sinh nhà trường với chiến sĩ Quân giải phóng. Trung đoàn chọn cử ba người, gồm đồng chí và hai đồng chí nữa dự cuộc mít tinh của các vị đây với học sinh.

Tôi quay sang nhìn ba thầy cô giáo. Các thầy cô gật đầu tươi cười với tôi. Tôi vui bao nhiêu thì cũng hoang mang bấy nhiêu. Lần đầu tiên gặp gỡ với những con người của Sài Gòn không biết nói gì đây, tôi chưa hình dung ra cuộc gặp mặt này sẽ có nội dung gì. Nhưng là người lính, nhận nhiệm vụ là chỉ biết phải thi hành thật tốt. Tôi đứng nghiêm:

- Báo cáo thủ trưởng, tôi hứa hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng tham gia buổi mít tinh hôm ấy còn có anh Lê Hỏa và anh Phạm Hoài Thủy. Hai anh đều là giáo viên cấp 3 ngoài Bắc nhiều năm trước khi đi bộ đội. Hội trường của Trường Lê Quý Đôn hôm ấy đơn sơ, chỉ có tấm bảng ghi dòng chữ “Gặp gỡ bộ đội Trường Sơn”. Anh Hoài Thủy, nguyên là giáo viên văn của Trường cấp 3 Trần Phú ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), nhìn tôi bảo: “Chú mày liệu mà phát biểu với tư cách học sinh miền Bắc XHCN”. Tôi lại càng hồi hộp. Lúc mới đầu chỉ chừng ngót trăm người trong khán phòng, dần dần càng đông lên. Có cả phóng viên nước ngoài, họ quay phim và ghi chép. Các thầy cô giáo và học sinh mặc đẹp lắm, nhất là các cô và các bạn nữ sinh mặc áo dài thật tươi tắn. Hai anh Lê Hỏa và Hoài Thủy nói về sự nghiệp giáo dục của các anh ấy ở miền Bắc trước ngày đi chiến đấu. Các anh nói về người thầy ở đâu cũng là người đưa đò giống nhau, ở đâu cũng là người làm nghề cao quý. Khán phòng vỗ tay nhiều, dần dần không khí cuộc gặp gỡ thân tình không một chút gượng ép.

Đến lượt tôi phát biểu. Một thầy đứng lên giới thiệu tôi là một sinh viên đại học đi bộ đội. Nhiều ánh mắt tò mò nhìn theo tôi. Tôi run như thể học trò lên bảng ngày nào:

- Em thưa các thầy giáo, cô giáo, thưa các bạn học sinh!

Cả khán phòng ồ lên. Tôi bỗng nhìn thấy hàng ghế đầu các thầy cô giáo lau nước mắt. Có một cô giáo đứng lên, mãi cô giáo mới nói nên lời:

- Quý anh gọi chúng tôi là thầy cô hả… em?

Tôi trả lời:

- Thưa, vâng ạ. Đã 4 năm nay, em mới lại được lên bục để chào các thầy cô giáo, em như thấy em đang ở trường học của mình.         

Cô giáo lau nước mắt mãi mới nói được:

- Em cho tôi hỏi, suy nghĩ của em về người Sài Gòn ngày hôm nay?

Tôi nói thật tự nhiên:

- Thưa cô, em không thấy có gì phải nói vì đây là đồng bào của mình.

Nhìn xuống dưới thấy nhiều người lau nước mắt hơn. Có lẽ thấy tôi còn trẻ mà phát biểu tự nhiên nên không khí sôi động hẳn lên.

Một bạn nữ sinh hỏi:

- Nếu một người con gái Sài Gòn yêu anh thì quý anh có đồng ý không?

Thật bất ngờ vì câu hỏi nhưng tôi cũng cứ nói tự nhiên, không chút đắn đo:

- Các bạn nữ Sài Gòn thật là đẹp. Tôi ước gì yêu được một cô gái Sài Gòn.

Thế là cả hội trường đầy tiếng cười và vỗ tay dào dạt. Đứng trên bục, tôi cảm giác mặt mình nóng ran, thấy các anh Lê Hỏa và Hoài Thủy cũng cười và vỗ tay. Một thầy giáo đứng lên, giới thiệu:

- Tôi tên là Ngươn. Em cho tôi hỏi, là sinh viên miền Bắc, em có biết gì về Phong trào “Hát cho dân tôi nghe” của sinh viên Sài Gòn không?

- Thưa thầy, em có biết. Những năm 1971-1972, các trường đại học miền Bắc luôn theo dõi phong trào của các bạn sinh viên miền Nam. Cũng từ phong trào đó mà sinh viên miền Bắc chúng em ai cũng thuộc và hát bài Tiếng hát những đêm không ngủ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ca ngợi, ủng hộ Phong trào “Hát cho dân tôi nghe” đó.

Tiếng vỗ tay ào ào, bao nhiêu nụ cười và ánh mắt yêu mến dành cho tôi. Cả hội trường đề nghị tôi hát bài hát đó. Chủ nhiệm Chính trị nhìn tôi khuyến khích. Thế là tôi hát. Tôi hát như ngày nào tôi đã hát ở trường đại học của mình, tôi như thấy bao bạn bè tôi trong tốp ca ngày ấy cũng đã lên đường đi chiến đấu như tôi. Giữa một sáng Sài Gòn, tôi được hát với các thầy cô giáo và các bạn học sinh miền Nam: “Tuổi trẻ ơi, giữ ước mơ, độc lập tự do phất cao cờ…”.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Nguyễn Trọng Luân trong buổi gặp gỡ với giáo viên, học sinh ở Trường Lê Quý Đôn, ngày 1-5-1975. Ảnh: Tuyên huấn Trung đoàn 64

Tôi không nhớ cuộc mít tinh ấy kết thúc lúc nào, chỉ nhớ các thầy cô và các bạn vây quanh tôi và bao nhiêu lời thăm hỏi ríu rít, bao nhiêu hoa và cờ đỏ trên tay. Các thầy cô, các bạn hỏi quê tôi, hỏi về cha mẹ tôi… Sáng tháng 5 Sài Gòn ở sân Trường Lê Quý Đôn đầy những hoa, những cờ đỏ và nước mắt.

Trung đoàn chúng tôi chỉ được ở lại trong nội đô chừng một tuần. Tôi cũng đã viết bài thơ “Nước mắt sân trường”. Tôi may mắn còn giữ được tấm ảnh và bài thơ ngày ấy trong gia sản ba lô trở về từ chiến trường. Bài thơ mộc mạc, ngây thơ mà sao mỗi lần đọc lại tôi thấy lòng xốn xang đến thế.

Đã sắp bốn mươi bốn năm rồi, cứ mỗi khi ngày 30-4 đến, tôi lại nhớ về Trường Lê Quý Đôn. Có lẽ đây là ngôi trường duy nhất, sớm nhất làm một việc mà không ai ngờ tới là tổ chức một cuộc gặp mặt thầy trò ngay trong ngày đầu tiên giải phóng. May mắn cho tôi đã có mặt trong cuộc hội ngộ thầy trò cảm động đến thế. Nhiều năm qua, mỗi khi có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác, tôi đều đi bộ đến đây, nhìn vào mái trường với niềm yêu dấu. Tôi nhớ những gốc cây cổ thụ trong trường rì rào gió, tôi nhớ thầy giáo Ngươn, cô giáo Liễu…, nhớ các bác lao công ở trong trường khi chúng tôi tiến vào đóng quân những ngày đầu đã giúp đỡ chúng tôi. Cảm ơn lịch sử cho tôi được có một ngày vui sướng đến vậy. Lịch sử cũng làm nên một thế hệ các thầy cô giáo và học trò quên cả đời mình cho cuộc kháng chiến để thống nhất Tổ quốc.  

NGUYỄN TRỌNG LUÂN