Mũi thọc sâu trong đoàn quân thần tốc

Trong những ngày đầu tháng 4 lịch sử này, chúng tôi may mắn được dự buổi gặp mặt của các cựu chiến binh (CCB) Đại đội 9. CCB Trương Văn Lương, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 9 giới thiệu với chúng tôi: “Đây là những chiến sĩ người Hà Nội trong đoàn quân có mặt đầu tiên tại Dinh Độc Lập: CCB Đoàn Hữu Tâm, thương binh hạng 3/4 Lê Nam Sơn, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Việt Tiến là người ở phố Trương Định, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Đình Thức người phố Tân Mai. Khi biên chế về Đại đội 9, họ là chiến sĩ mới chưa qua trận mạc, nhưng cả 4 người nói riêng và tất cả chiến sĩ mới người Hà Nội đợt ấy nói chung đều rất dũng cảm”.

leftcenterrightdel
Từ trái sang phải: Cựu chiến binh Nguyễn Việt Tiến, Đoàn Hữu Tâm, Lê Nam Sơn, Trương Văn Lương, Nguyễn Đình Thức ôn lại kỷ niệm ngày tiến vào Dinh Độc Lập.

Vào tháng 7-1974, 4 thanh niên Hà Nội ấy lên đường nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 52, Sư đoàn 338 để huấn luyện ở Phú Thọ. Tháng 3-1975, Tiểu đoàn 5 được lệnh hành quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đầu tháng 4-1975, khi đơn vị đến Đà Nẵng, theo yêu cầu của chiến dịch, gần 80 chiến sĩ người Hà Nội (trong đó có các ông: Tiến, Thức, Sơn, Tâm) được bổ sung cho đội hình Đại đội 9.

Ngày ấy, vì cao to nên Thức được giao hỏa lực B41 và 4 viên đạn, Tâm được giao hỏa lực B40, còn Sơn và Tiến thì được biên chế súng tiểu liên AK. Ngày 17-4, tại Phan Rí (nay là huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), Đại đội 9 được phối thuộc về Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn Xe tăng 203 để làm một trong những mũi thọc sâu đánh trong hành tiến. Chiều 18-4, bộ binh và xe tăng tiến đến giáp cầu Phú Long (Phan Thiết). Tại đây, các chiến sĩ mới người Hà Nội lần đầu tiên được đánh trận. CCB Đoàn Hữu Tâm nhớ lại:

- Sẩm tối 18-4, pháo địch từ thị xã Phan Thiết giội đạn như mưa vào đội hình. Chúng tôi phải núp vào gầm xe tăng để ẩn nấp. 20 giờ cùng ngày, đơn vị nhận lệnh tiến công địch và trong đêm đã chiếm lĩnh toàn bộ thị xã.

Sáng 30-4, sau hàng chục trận đánh lớn nhỏ, mũi thọc sâu đã vượt cầu Sài Gòn, khoảng 10 giờ tiến đến cổng Dinh Độc Lập. Đơn vị nhận nhiệm vụ tổ chức truy bắt địch ở các khu vực nghi ngờ trong và ngoài Dinh Độc Lập; bảo vệ xe tăng, cảnh giới, sẵn sàng tiến công nếu địch kháng cự. Sau ngày toàn thắng, Đại đội 9 được trả về trong đội hình Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18.

Khúc trầm trong ngày đại thắng

Sau niềm vui khi nhắc đến ngày toàn thắng, các CCB bỗng trầm lại: “Từ lúc tham gia chiến dịch đến lúc kết thúc chỉ hơn một tháng mà biết bao đồng đội đã hy sinh”. CCB Nguyễn Đình Thức nghẹn giọng nói tiếp: “Tôi ở cùng xe thiết giáp với Đại đội phó Đại đội 9 Nguyễn Văn Dân, quê ở Quảng Ngãi. Ngày 21-4, khi đội hình thọc sâu đến đồn điền ông Quế thì được lệnh quay lại phối hợp với bộ đội Khu 6 đánh địch đang co cụm tại Hàm Tân. Ngày 22-4, khi đội hình truy quét địch ở sân bay Hàm Tân, anh Dân lệnh cho tôi dùng B41 tiêu diệt máy bay địch đang đậu ở sân bay. Tôi nổ súng. Máy bay vừa trúng đạn bốc cháy thì tôi cảm thấy ướt mặt. Tôi buông súng ôm đầu và nói: “Anh Dân ơi! Em trúng đạn rồi”. Không thấy anh Dân trả lời, tôi ngước lên thì thấy anh từ từ ngã xuống. Tôi hốt hoảng ôm lấy anh mới hay anh bị trúng đạn địch...”.

CCB Lê Nam Sơn nhớ lại: Trong trận giải phóng thị xã Phan Thiết, Giản, chiến sĩ người Hà Nội (liên lạc của đại đội) cũng hy sinh. Đợt đó đang hành tiến qua cầu Phú Long thì chiếc xe thiết giáp mà Giản đi cùng bị trúng đạn. Đồng chí Thêm, Chính trị viên Đại đội 9 bị thương mù hai mắt, được xe tăng của ta phía sau ứng cứu. Còn Giản, sau khi ra khỏi xe, anh lết đến ụ lô cốt đầu cầu Phú Long trú ẩn và đè phải mìn, hy sinh.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ