Xương Ngập là con trai lớn của Ngô Quyền (mất năm 944), trong khung thời gian là năm 966 và 967, có câu: “Nam Tấn vương (Ngô Xương Văn-em trai Ngô Xương Ngập) mất (năm 965), các hùng trưởng đua nhau nổi dậy, chiếm cứ quận ấp để tự giữ”. Sau đó, ở đoạn biên niên sử về năm 967 lại có câu: “Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai”.

Nhưng ở lời “Cẩn án” của sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (KĐVSTGCM, Tiền biên, quyển 5), ngay từ thế kỷ 19 đã có lời phê phán rằng: “Sử cũ (tức: Sách ĐVSKTT) vì không biết rõ năm tháng của từng sứ quân nên mới nói gộp vào cả một chỗ như thế”. Và kết luận: “12 sứ quân chiếm giữ các nơi, phải có kẻ trước người sau không giống nhau, chứ không phải đến khi Nam Tấn vương mất (năm 965), 12 sứ quân ấy mới đồng thời nổi dậy”.

leftcenterrightdel
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”. Ảnh: VIỆT THÙY

Tuy nhiên, cả KĐVSTGCM và ĐVSKTT khi ghi chép tiếp về “Thập nhị sứ quân”, gồm:

1. Ngô Xương Xí, hùng cứ ở Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hóa);

2. Đỗ Cảnh Thục, giữ Đỗ Động Giang (Thanh Oai, Quốc Oai, Hà Nội);

3. Trần Lãm, giữ Bố Hải Khẩu (TP Thái Bình);

4. Kiều Công Hãn, giữ Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc);

5. Nguyễn Khoan, giữ Tam Đới (Yên Lạc, Vĩnh Phúc);

6. Ngô Nhật Khánh, giữ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội);

7. Lý Khuê, giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh);

8. Nguyễn Thủ Tiệp, giữ Tiên Du (Tiên Du, Bắc Ninh);

9. Lã Đường, giữ Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên);

10. Nguyễn Siêu, giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội);

11. Kiều Thuận, giữ Hồi Hồ (Cẩm Khê, Phú Thọ);

12. Phạm Bạch Hổ, giữ Đằng Châu (TP Hưng Yên);

Tuy nhiên, những “sứ quân”-trong cục diện loạn “Thập nhị sứ quân” diễn ra trong vòng hơn 20 năm giữa thế kỷ 10 (từ năm 944 đến năm 967), làm rối loạn thể thống, dẫn đến nguy cơ mất còn của đất nước-là nhiều hơn con số 12 đã được kê ra ấy. Bởi vì, kể ra làm một ví dụ, thì chính Đinh Bộ Lĩnh-như tên gọi (tính danh) mà thực chất và ngữ nghĩa là một chức danh: Thủ lĩnh “bộ” (vùng miền)-khi khởi nghiệp, cũng chính là một “sứ quân”, với danh hiệu: “Tù trưởng sách Đào Ao”-“Thủ lĩnh châu Đại Hoàng”!

“Đào Ao” (nghĩa là: Vượt thổ đào đất làm ao) về sau được Hán tự hóa-mỹ tự hóa thành “Đào Áo”, “Đào Úc”, cùng với “Đại Hoàng” (địa danh có từ thế kỷ 7) về sau được thay thế bằng “Đại Hữu” (từ thế kỷ 16) đều là tên gọi quê hương sinh thành của Đinh Bộ Lĩnh, bây giờ thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

2. Sinh năm 924, họ Đinh bước vào tuổi 20 khi Ngô Quyền mất ở Cổ Loa. Trước đấy, như sử cũ chép với tôn hiệu là “nhà vua”, Đinh Bộ Lĩnh “mồ côi cha từ bé… thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết mình kiến thức không bằng nhà vua bèn cùng nhau suy tôn làm trưởng… Ngày rỗi thường kéo nhau đi đánh trẻ con các thôn khác, đến đâu bọn trẻ cũng đều sợ phục… Phụ lão các “sách” (làng miền núi) bảo nhau: “Đứa trẻ này khí lượng như thế, ắt làm nên sự nghiệp. Bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn”. Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm Trưởng ở sách Đào Ao”.

leftcenterrightdel
Đền thờ vua Đinh trong Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư. Ảnh: VIỆT HÀ

Càng sớm và rõ nét là một thủ lĩnh địa phương khi Đinh Bộ Lĩnh được sử cũ chép tiếp: “Người chú của nhà vua (tên là Đinh Dự) giữ sách Bông (nay là thôn Văn Bồng, ở ngay cạnh sách Đào Ao xưa) chống đánh nhà vua. Bấy giờ vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu Đàm Gia Nương Loan (ở Điềm Xá, Gia Viễn), cầu gẫy, vua rơi xuống bùn. Người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng hộ vệ nhà vua nên cả sợ mà lui. Vua thu nhặt tàn quân, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đâu cũng dễ như chẻ tre”.

Rõ ràng là hình ảnh sớm của một vị sứ quân, và hình ảnh thu nhỏ của cục diện loạn “Thập nhị sứ quân” đã xuất hiện từ thời gian trước tuổi 20 của Đinh Bộ Lĩnh, trước cả năm 944 Ngô Quyền mất rồi!

Đến năm 951, khi Đinh Bộ Lĩnh 27 tuổi và đã có người vợ đầu tiên, sinh được con trai nhỏ Đinh Liễn, thì sự kiện sau đây đã cho biết rõ ràng và chắc chắn: Cuộc hỗn chiến giữa thế lực thổ hào-ở đây là “Thủ lĩnh châu Đại Hoàng” Đinh Bộ Lĩnh-và triều đình Cổ Loa của các con trai kế vị Ngô Quyền, là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn đã thực sự diễn ra. Đây là đoạn biên niên sử về năm 951 của sách ĐVSKTT:

“Bấy giờ, người động Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh cậy núi khe hiểm trở, không chịu giữ chức phận làm tôi. Hai vương (Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn) muốn cất quân đi đánh. Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân. Liễn đến, hai vương trách tội (Bộ Lĩnh) không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn, đem theo đi đánh. Hơn một tháng không đánh nổi, bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh: Nếu không chịu hàng thì (sẽ) giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói: “Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà mà xót con hay sao?”. Liền sai hơn 10 tay nỏ nhằm Liễn mà bắn. Hai vương kinh sợ, nói: “Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì?”. Bèn không giết Liễn mà đem quân về”.

Vậy là từ năm 951, trong vai trò và vị thế là một thủ lĩnh địa phương, hùng cứ ở quê hương Đại Hữu/Đại Hoàng (nhưng không có tên trong danh sách “Thập nhị sứ quân”), một nhân cách võ tướng-mạnh mẽ, quyết liệt-đã thành hình rõ nét ở Đinh Bộ Lĩnh.

Nhưng không chỉ có thế. Vẫn ở quãng thời gian này, một khía cạnh nhân cách khác cũng xuất lộ tại nơi vị thủ lĩnh châu Đại Hoàng họ Đinh, qua sử liệu sau đây: “Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công (tức: Trần Lãm, hùng cứ ở Bố Hải Khẩu) là người có đức mà không có con nối dõi, bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng, mới nhận làm con, ưu đãi ngày càng hậu, nhân đó giao cho coi quân, sai đi đánh các hùng trưởng khác, đều thắng được cả” (ĐVSKTT).

Việc “đến nương tựa” sứ quân Trần Lãm của Đinh Bộ Lĩnh, như vậy chỉ trong một động thái đã biểu hiện ra cả một loạt phẩm chất: Có con mắt tinh đời, có ứng xử, nhất là có chí hướng lớn rộng của một chính khách, một nhà hoạt động chính trị đích thực. Nhờ đó, một “liên kết chiến lược” đã được thực hiện: Từ chỗ chỉ hùng cứ ở miền rừng núi phía tây, bây giờ thừa hưởng trọn vẹn thế lực của Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh đã có trong tay cả miền đất và người ở đồng bằng ven biển đông nam châu thổ sông Hồng. Có nghĩa: Đã căng ngang, dàn đầy được thế lực trên toàn bộ cạnh đáy của tam giác châu thổ sông Hồng-“chiếc nôi của lịch sử và văn minh nước Việt”, trở thành một sứ quân hùng mạnh nhất!

Với vị thế này, đặc biệt là với “nhân cách hai trong một” (vừa là võ tướng giỏi, vừa là chính khách tài), nhất là có chí hướng lớn rộng, ở vào độ tuổi “Tam thập nhi lập”, Đinh Bộ Lĩnh đã vươn mình vượt lên mà tự nhận lấy sứ mạng dẹp loạn “Thập nhị sứ quân” lúc đầu còn dưới cờ Trần Minh Công, sau đấy thì giương cao lá cờ Vạn Thắng vương của chính mình.

Trong sự nghiệp trực tiếp dẹp sứ quân của loạn “Thập nhị sứ quân” ấy, ngay vào và từ năm 965, khi Nam Tấn vương Ngô Xương Văn vừa mất, các thủ hạ là Lữ Xử Bình và Kiều Tri Hựu nổi lên tranh nhau ngôi vị làm chủ triều đình Cổ Loa, Đinh Bộ Lĩnh đã phái ngay con trai Đinh Liễn đưa lực lượng đến thẳng Cổ Loa để trừng trị! Đó là một hành động quân sự nhưng mang ý nghĩa và mục đích chính trị rõ ràng: Việc gìn giữ chính thống (cho dù đã rệu rã ở triều đình Cổ Loa) từ đây thuộc về họ Đinh!

Tiếp theo, trong hai năm 966 và 967, trực tiếp nhằm vào danh sách chính thức của 12 sứ quân mà xử lý, Đinh Bộ Lĩnh lại vẫn cho lịch sử và đương thời thấy phương thức hành động của mình là “hai trong một”: Kết hợp chặt chẽ và nhuần nhị giữa quân sự và chính trị!

Chỉ có một nửa trong số 12 sứ quân là phải xử lý bằng biện pháp quân sự. Những trận đánh, nhiều khi rất ác liệt và kéo dài-lúc thì do chính Đinh Bộ Lĩnh trực tiếp chỉ huy, lúc thì giao cho các tướng Nguyễn Bặc, Lê Hoàn... và con trai Đinh Liễn cầm quân-cuối cùng đã xóa sổ được 6 sứ quân có lực lượng vũ trang tương đối mạnh, là: Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, Kiều Công Hãn, Nguyễn Thủ Tiệp, Kiều Thuận và Lý Khuê.

Còn 6 sứ quân khác, ví dụ như ở trường hợp Ngô Nhật Khánh, thì dùng sợi dây hôn nhân thân thích mà ràng buộc (gả con gái cho làm vợ, đồng thời lấy mẹ Nhật Khánh làm “hoàng hậu” của mình), hay như Ngô Xương Xí thì dùng áp lực khiến “không đánh cũng phải tự tan”, giống như các trường hợp Lã Đường và Nguyễn Khoan. Còn đối với Phạm Bạch Hổ (Phạm Phòng Át) thì-giống như trường hợp Trần Lãm-khéo léo lấy lòng, liên kết mà thu phục.

Rõ ràng, trong cuộc chính thức và đại trà dẹp loạn “Thập nhị sứ quân”, toan tính và hành động của Đinh Bộ Lĩnh là: Chính trị đi đôi với quân sự chứ không phải chỉ có “đánh” để “dẹp”!

3. Sang đến năm 968, đã ở vào độ tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc” (bốn mươi tuổi thì không có điều gì phải nghi ngờ nữa), chính nhãn quan và nhân cách một chính khách đã lão luyện trong thời gian dẹp loạn “Thập nhị sứ quân” trước đấy, cộng với sức nghĩ của một người có chí hướng vừa cao cả, vừa rộng lớn đã khiến Đinh Bộ Lĩnh trước tình thế và cảnh ngộ “trời quang mây vừa tạnh” của lịch sử và đất nước, đã vượt bậc, mạnh mẽ và thông sáng tạo lập được một loạt những động thái kỳ vĩ, xuất sắc, đặc biệt là đồng loạt mà mang tầm vóc, ý nghĩa và giá trị lịch sử. Đó là:

- Lên ngôi hoàng đế, nhận tôn hiệu do quần thần dâng, là: Đại Thắng Minh hoàng đế.

- Thành lập một quốc gia dân tộc, mang quốc hiệu là: Đại Cồ Việt.

- Chọn và đặt kinh đô cho đất nước ở Hoa Lư.

Tiếp theo, trong thời gian vài ba năm sau:

- Xưng và dùng niên hiệu của mình và của đất nước là: Thái Bình.

- Đúc tiền đồng, của và cho đất nước, cũng với tên gọi: Thái Bình.

- Tổ chức một bộ máy chính quyền trung ương tập quyền, đầy đủ các ban văn võ và trí thức tôn giáo, chú trọng xây dựng quân đội quốc gia mạnh mẽ và kỷ cương...

Ngần ấy “quốc gia đại sự” được thực hiện thành công chỉ trong vòng 12 năm đứng đầu Nhà nước Đại Cồ Việt của Đinh Bộ Lĩnh (băng hà năm 979) đã đúng lúc, kịp thời và then chốt, đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết của lịch sử lúc đương thời, đồng thời sáng tạo, đại sắc và rất cơ bản mà đặt nền móng cho sự phát triển của lịch sử từ đấy về sau. 

Đinh Bộ Lĩnh, trong hoàn cảnh lịch sử giữa thế kỷ 10, từ chỗ là một thủ lĩnh địa phương vươn lên thành anh hùng dân tộc khi tự nhận lĩnh và thực hiện được sứ mạng dẹp loạn “Thập nhị sứ quân”, với căn cốt là một võ tướng-nhà quân sự bẩm sinh, rèn luyện và tạo lập thêm cho mình đưa những khả năng của một chính khách-nhà hoạt động chính trị lão luyện, trong và qua thực tiễn của công cuộc dẹp loạn ấy, đã biết chuyển hóa, nâng bổng mình lên khi lịch sử sang trang mới, mà trở thành người khai sinh nước Đại Cồ Việt. Đinh Tiên Hoàng đế-Bộ Lĩnh vĩ đại, là nhờ thế và vì thế.

GS LÊ VĂN LAN