Lời thề vang lên từ cửa sông Hát (Hát Môn-nay thuộc huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) vào mùa xuân năm 40 của Hai Bà Trưng cũng chính là lời hiệu triệu làm thổn thức con tim nhiều chủ tướng đang sục sôi tinh thần yêu nước trước họa xâm lăng của giặc Đông Hán ở khắp các vùng Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố những năm đầu thế kỷ thứ nhất. Đặc biệt, nó đã có sức lay động kỳ lạ đối với một nữ tướng cùng đội nghĩa binh miền biển. Đó là Lê Chân, vốn là một cô gái "yểu điệu thục nữ", có nhan sắc "nghiêng nước nghiêng thành”, đồng thời là một tài năng quân sự, người con của làng quê nghèo An Biên, Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, được sự ảnh hưởng từ người cha là Lê Đạo-một lương y đức độ, giàu lòng yêu nước, thương dân nghèo có tiếng trong vùng nên từ tấm bé, Lê Chân đã thể hiện là một người con gái hiền thục, hiếu thảo, có lòng thương người và thích làm việc nghĩa. Điều khá đặc biệt ở cô thôn nữ xinh đẹp này là không chỉ chăm ngoan, có lòng nhân nghĩa, mà còn say mê luyện tập binh đao. Mười tám tuổi, Lê Chân đã nổi danh khắp vùng về nhan sắc, đức hạnh và tài võ nghệ.
|
|
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân ở TP Hải Phòng. Ảnh tư liệu |
Thuở ấy, đất nước ta còn chìm trong ách đô hộ của nhà Đông Hán. Tiếng tăm về tài sắc của Lê Chân đến tai Thái thú Tô Định-một kẻ hám sắc và tham tàn ở Giao Chỉ lúc bấy giờ. Trong một lần đi kinh lý qua Đông Triều, Tô Định tìm cách tiếp cận cô gái "đẹp như tiên giáng trần" này. Bằng quyền uy của mình, y ép Lê Chân về làm thiếp nhưng không ngờ bị cô và gia đình cự tuyệt. Không chùn bước, Tô Định tìm mọi cách để có bằng được Lê Chân. Để tránh sự đeo bám và ép buộc của tên Thái thú, Lê Chân đành phải trốn khỏi quê nhà. Tức tối vì ý đồ không thành, Tô Định bèn sai thuộc hạ sát hại dã man cha mẹ của Lê Chân; đồng thời xua quân truy lùng cô khắp mọi nơi. Căm giận đám quan quân tham tàn Đông Hán nhưng Lê Chân đành nuốt hận, chờ cơ hội. Lê Chân chiêu mộ thêm một số thanh niên trong làng An Biên đến một vùng đất mới bồi ven biển (nơi về sau này được gọi là An Dương) để gây dựng cơ nghiệp và tập hợp lực lượng, chờ thời cơ "trả thù nhà, nợ nước" .
Vùng đất An Dương bấy giờ là một bãi phù sa mới bồi, cây cối lưa thưa với mấy túp lều tranh dựng tạm của dân chài. Với một nhãn quan nhạy bén, Lê Chân nhận thấy đây là địa bàn lý tưởng để có thể mưu tính việc lớn. Tại vùng đất mới, Lê Chân cùng mọi người tập trung khai khẩn, mở mang đất đai, lập ấp mở làng, vừa lao động sản xuất, vừa lo tích trữ quân lương, thu nạp thêm quân sĩ; ngày lo sản xuất, đêm luyện tập binh đao. Để có thể phát triển nhanh lực lượng và mở rộng căn cứ, Lê Chân cho người bí mật về quê vận động thêm nhiều người dân ra vùng đất mới lập nghiệp. Tại vùng quê mới khai phá, những lúc nhàn rỗi, Lê Chân cho mở hội thi đấu vật, mở đài thi võ... để tìm kiếm, thu nạp nhân tài. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở các vùng xung quanh đã tự tìm đến với vùng đất mới An Dương, nguyện đứng dưới cờ của Lê Chân. Không ai bảo ai, họ cùng suy tôn Lê Chân làm chủ tướng.
Có được đất đứng chân và xây dựng được thế trận lòng dân tương đối vững vàng, Lê Chân bắt đầu cho người tìm mua vũ khí, tích trữ quân lương. Bà cho lập đội nghĩa binh, trước là để bảo vệ trang ấp, sau là làm cơ sở để phát triển lực lượng, chuẩn bị cho cuộc vùng dậy đánh đuổi quân Đông Hán khi có thời cơ. Nhiều tài năng quân sự ở vùng ven biển Đông Bắc đã tự tìm đến với nữ tướng Lê Chân và xin được gia nhập đội nghĩa binh. Dưới sự chỉ huy của bà, "quân sĩ thường xuyên luyện tập cách hành quân gọn nhẹ, nhanh nhạy; cách đánh thành chớp nhoáng, táo bạo; đặc biệt là thuần thục cách đánh địch dưới nước vốn là sở trường của dân vùng biển". Lực lượng của Lê Chân không ngừng lớn mạnh nhanh chóng và trở thành một trong những đội nghĩa binh hùng mạnh của cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra sau đó không lâu.
Đầu năm 40, ngọn lửa khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bùng lên ở Mê Linh. Tìm được minh chủ, đáp lời hiệu triệu của Hai Bà, đội nghĩa binh An Biên với "hơn 1 nghìn quân sĩ" dưới sự thống lĩnh của chủ tướng Lê Chân đã nhất tề nổi dậy tiến công chính quyền sở tại của quân đô hộ Đông Hán, làm chủ một vùng rộng lớn ven biển Đông Bắc, sau đó kéo quân về hợp sức với lực lượng của Hai Bà ở Mê Linh, tiến công cơ quan đầu não của Thái thú Tô Định. Trong trận đánh mang tính quyết định này, Lê Chân được Hai Bà Trưng cử làm tướng tiên phong chỉ huy đạo quân hướng đông tiến vào Luy Lâu-thủ phủ của chính quyền đô hộ. Dưới sự chỉ huy mưu trí của nữ tướng Lê Chân, nghĩa quân An Biên tả xung hữu đột, xông thẳng vào đại bản doanh của Thái thú Tô Định, khiến chúng không kịp trở tay đối phó, phải bỏ cả ấn tín tháo chạy thục mạng. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, 65 thành trì của quốc gia Âu Lạc cũ đã được nghĩa quân của cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng giải phóng khỏi quân đô hộ phương Bắc. Trong chiến thắng lẫy lừng đó có sự đóng góp không nhỏ của đạo quân hướng đông dưới quyền chỉ huy của nữ tướng Lê Chân.
Sau khi đánh đuổi được quân xâm lược phương Bắc, Trưng Trắc được nhân dân suy tôn lên làm vua. Việc đầu tiên của Trưng nữ vương là ban thưởng và phong chức tước cho những người đã lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Đông Hán; xóa bỏ thuế khóa hai năm liền cho dân; đồng thời tiến cử những chủ tướng tài giỏi về trấn giữ các vùng biên ải, phên giậu hiểm yếu của đất nước. Nữ tướng Lê Chân được phong là Thánh Chân công chúa, đồng thời được phong chức Chưởng quản binh quyền nội bộ và được giao trọng trách đưa nghĩa binh về trấn giữ một địa bàn chiến lược quan trọng là vùng ven biển Đông Bắc.
Trở lại mảnh đất quê hương với trọng trách mà Trưng nữ vương vừa giao cho, nữ tướng Lê Chân đem quân về làng An Biên rồi thu nạp thêm nghĩa binh, vận động dân làng sang vùng đất An Dương lập ấp mở trại, lập nên An Biên trang. Dưới bàn tay chèo lái của bà, một dải đất phù sa màu mỡ đã biến thành những cánh đồng lúa và bãi dâu tốt tươi. Đời sống người dân nơi vùng quê mới được cải thiện, trang ấp ngày càng trù phú, lòng người phấn chấn; người dân ngày càng tin tưởng và hết lòng tôn sùng, ủng hộ Lê Chân.
Để mất Giao Châu là một sự sỉ nhục đối với nhà Đông Hán. Năm 42, Hán Quang Vũ quyết định cử Mã Viện chỉ huy hơn 2 vạn binh cùng hàng nghìn thuyền, xe hùng hổ kéo sang xâm lược Âu Lạc. Đạo quân xâm lược tiến vào Âu Lạc theo hai hướng thủy và bộ. Nữ tướng Lê Chân được Trưng nữ vương giao nhiệm vụ chỉ huy đạo quân An Biên chặn đánh cánh quân thủy của Mã Viện trên vùng cửa biển Đông Bắc. Với những kinh nghiệm tích lũy được qua lần đụng đầu quân Đông Hán trước đó cùng với việc am hiểu và thông thạo địa hình, Lê Chân tổ chức cho quân sĩ mai phục ở những nơi hiểm yếu để đón đánh quân địch. Hàng chục trận đánh ác liệt đã diễn ra trong thế tương quan lực lượng quá chênh lệch. Mặc dù nghĩa quân An Biên chiến đấu rất quả cảm nhưng do lực lượng quân địch quá đông, trang bị thuyền bè và vũ khí nhiều, hiện đại hơn hẳn nên họ chỉ có thể cầm chân quân địch mà không thể ngăn chặn được cuộc tiến công bằng đường thủy của chúng vào sâu trong nội địa. Mặc dù vậy, cuộc chiến đấu quả cảm của đạo quân An Biên và thế trận do Lê Chân tạo lập ra đã làm chậm bước tiến công của quân địch từ hướng biển, buộc chúng phải mất gần hai tháng mới có thể hợp quân được ở Lãng Bạc. Việc kìm chân được quân địch của đạo quân Lê Chân cùng với các cánh quân khác đã góp phần giúp cho "tổng hành dinh" của Hai Bà Trưng có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng và quân lương để bước vào một cuộc chiến mới với quân xâm lược phương Bắc.
Trước tình hình bất lợi, để bảo toàn lực lượng, nữ tướng Lê Chân quyết định cho quân rút khỏi địa bàn ven biển, lui về vùng sông Đáy hợp sức cùng các cánh quân khác, lập phòng tuyến tiếp tục chiến đấu. Năm 43, cuộc khởi nghĩa thất bại, Hai Bà Trưng nhảy xuống sông tự vẫn. Trong một trận đánh ác liệt, nữ tướng Lê Chân bị trọng thương. Quyết không để rơi vào tay giặc phương Bắc, bà đã tuẫn tiết.
Nữ tướng Lê Chân-người con của vùng ven biển Đông Bắc là một phụ nữ hiền thục, có tấm lòng nhân hậu, nhân văn, giàu lòng yêu nước, dũng cảm, dám đứng lên đương đầu với quân xâm lược đến từ phương Bắc. Bà là nữ tướng mưu lược có nhiều đóng góp trong cuộc vùng lên lật đổ ách thống trị của chính quyền đô hộ Đông Hán những năm đầu thế kỷ thứ nhất, mở đầu cho truyền thống "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" của phụ nữ Việt Nam.
Ghi công đức và tưởng nhớ một liệt nữ anh hùng, dân làng An Biên đã lập đền thờ bà (đền Nghè) để tưởng niệm. Sau này, tên của nữ tướng Lê Chân được đặt cho một đường phố đẹp ở trung tâm TP Hải Phòng. Khu vực nơi đền Nghè tọa lạc ngày nay cũng vinh dự được mang tên nữ tướng anh hùng: Quận Lê Chân, TP Hải Phòng.
TRẦN VĨNH THÀNH