Hào khí mùa thu năm ấy
Theo các tài liệu lịch sử, nhân dân Tân An mới được hơn 20 ngày hưởng độc lập đã nhanh chóng bước vào cuộc kháng chiến kiên cường quật khởi, chiến đấu anh dũng. Từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, quân và dân Tân An cùng tỉnh Chợ Lớn đã góp phần quan trọng bao vây, kìm chân địch, bảo vệ và phát triển lực lượng. Với vị trí cửa ngõ, tiếp giáp thành phố Sài Gòn, quân và dân Tân An-Chợ Lớn đã hoạt động và hình thành hai mặt trận gồm: Phía tây (mặt trận Phú Lâm-Chợ Đệm) án ngữ lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1) có đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho, lộ 10 Phú Lâm-Đức Hòa và phía nam (mặt trận tiền tuyến Sài Gòn-Chợ Lớn) gồm các khu vực: Bình Đông, cầu chữ Y, Tân Thuận-Thủ Thiêm... trải dài trên suốt cụm dân cư vùng ven phía nam Sài Gòn-Chợ Lớn.
Tại TP Tân An ngày nay vẫn bảo tồn nguyên vẹn di tích nhà Tổng Thận như một “chứng nhân” cho thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và Nam Bộ kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Tân An. Chính quyền lâm thời đã trưng dụng nhà Tổng Thận để hoạt động công khai. Trao đổi thêm về thời kỳ đầu Nam Bộ kháng chiến tại Tân An, ông Nguyễn Văn Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng-Thư viện tỉnh Long An cho biết: “Nhà Tổng Thận chính là trụ sở làm việc công khai của Tỉnh ủy Tân An trong thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến khi Nam Bộ kháng chiến. Tỉnh ủy Tân An đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, chuyển hướng chiến lược, chuẩn bị nhân lực, vật lực cho kháng chiến. Vì vậy, quân Pháp gặp sức phản kháng quyết liệt của lực lượng kháng chiến ở tuyến đầu các tỉnh Tân An, Chợ Lớn”.
    |
 |
Khu tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” tại TP Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: AN KỲ |
Theo ông Nguyễn Văn Thiện, do Tân An nằm trên trục mở rộng phạm vi đánh chiếm lại Nam Bộ từ TP Sài Gòn hướng về các địa phương phía Nam nên sau ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm tỉnh lỵ Tân An. Đến đêm 18, rạng ngày 19-11-1945, lực lượng cách mạng tỉnh Tân An phối hợp với lực lượng Khu 8, đơn vị bạn và thanh niên vũ trang địa phương chia thành 4 hướng tập kích các khu vực quan trọng như: Dinh tỉnh trưởng, ga Tân An, bót Nhà Thờ, kho bạc... gây cho địch nhiều thiệt hại. Đến cuối năm 1945, tỉnh Tân An thành lập Ủy ban Kháng chiến, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Từ những đơn vị với gậy tầm vông, giáo mác và số ít súng đạn ban đầu, với lòng yêu nước và ý chí chiến đấu cao, lực lượng vũ trang Tân An đã trưởng thành nhanh chóng, thống nhất chỉ huy dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân và dân tỉnh Tân An, cùng tỉnh Chợ Lớn đã chiến đấu dũng cảm, lập nên nhiều chiến công vang dội, tạo thế và lực cho các địa phương, trực tiếp là Sài Gòn-Gia Định giành nhiều thắng lợi.
Có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt, trong giai đoạn này, vùng đất Tân An, Chợ Lớn đã xây dựng căn cứ địa không chỉ cho phong trào cách mạng của tỉnh mà còn cho cả Nam Bộ. Trong đó tiêu biểu là khu vực Đồng Tháp Mười hình thành căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam Bộ (nay thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh). Đây là căn cứ cách mạng, vừa là hành lang chiến lược quan trọng của Khu 8 cũ và toàn miền Nam, giúp cho phong trào kháng chiến ở Tân An, Chợ Lớn nói riêng và Nam Bộ nói chung phát triển rộng khắp.
Viết tiếp truyền thống “trung dũng, kiên cường”
Cùng với quân và dân Nam Bộ, LLVT cách mạng và nhân dân tỉnh Tân An đưa hình ảnh ngọn tầm vông, nóp, giáo... trong Nam Bộ kháng chiến như một trong những biểu tượng đặc trưng về tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân, dân Nam Bộ. Tinh thần từ “Mùa thu rồi, ngày hăm ba...” của quân và dân Long An sau này đã tiếp tục vun đắp nên truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, đến ngày thắng lợi cuối cùng và xây dựng quê hương.
Tân An ngày nay là một thành phố trực thuộc tỉnh Long An. Về thăm TP Tân An hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy, cùng với sức bật về đô thị, những vùng quê cách mạng trên địa bàn đã được khởi sắc từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt khu vực nông thôn của TP Tân An càng thêm đổi mới với trường học, trạm y tế, hệ thống đường giao thông, điện, nước sạch... được đầu tư theo tiêu chuẩn nông thôn mới, tạo nên nhịp sống mới ở vùng quê cách mạng. TP Tân An đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2019). Địa phương đang tiếp tục thực hiện nhóm tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đang đề nghị cấp trên thẩm định xã An Vĩnh Ngãi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với lòng yêu nước và ý chí chiến đấu cao, lực lượng vũ trang Tân An đã trưởng thành nhanh chóng, thống nhất chỉ huy dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân và dân tỉnh Tân An, cùng tỉnh Chợ Lớn đã chiến đấu dũng cảm, lập nên nhiều chiến công vang dội, tạo thế và lực cho các địa phương, trực tiếp là Sài Gòn-Gia Định giành nhiều thắng lợi.
|
Sinh ra và lớn lên ở ấp Vĩnh Bình, xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An, ông Nguyễn Thái Bảo phấn khởi chia sẻ: “Ông bà của tôi tham gia cách mạng từ thời kỳ Cách mạng Tháng Tám đến Nam Bộ kháng chiến. Ngày nay, thấy quê hương đổi mới, đời sống người dân đã tốt hơn trước nhiều, chúng tôi rất tự hào và quý trọng, biết ơn sự hy sinh, cống hiến của thế hệ đi trước...”.
Từ một đô thị nhỏ sau ngày thống nhất đất nước, TP Tân An đã vươn lên thành đô thị loại II vào năm 2019 và đang vững bước với mục tiêu xây dựng đô thị loại I. Thành phố đang phát huy thế mạnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đô thị cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển các dịch vụ của một đô thị thông minh nhằm xây dựng nếp sống đô thị văn minh, hiện đại. Giới thiệu thêm với chúng tôi về định hướng phát triển TP Tân An, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Dư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Tân An cho biết: “Tân An luôn tự hào và phát huy truyền thống là một trong những cái nôi cách mạng trong kháng chiến. Những giá trị to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội đã kết tinh từ nền tảng truyền thống đến hôm nay, khẳng định sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân. Nhờ vậy, chất lượng đời sống của người dân địa phương đang từng bước được nâng cao, đạt mức thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Với tư duy sáng tạo, đổi mới, TP Tân An phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025, tạo điểm nhấn của một đô thị trẻ, năng động”...
Trong những ngày này, tinh thần chiến đấu quật cường và truyền thống đoàn kết của Nam Bộ kháng chiến tiếp tục được phát huy, là động lực cổ vũ toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Tân An đồng tâm nhất trí, vượt qua thách thức, khó khăn trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các địa phương đang nỗ lực thi đua hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
THÀNH CHÂU