Suốt những năm tuổi thơ, ông có may mắn được sử gia Lê Văn Hưu kèm cặp, dạy dỗ. Trần Quang Khải sớm trở thành một người nổi tiếng về học rộng tài cao, văn võ kiêm toàn. Năm Mậu Ngọ (1258), lúc mới 17 tuổi, Trần Quang Khải đã được phong là Chiêu Minh Đại vương và 3 năm sau được trao chức Thái úy.

Năm 1258, quân Mông-Nguyên kéo vào xâm lược nước ta. Với tinh thần kiên quyết giữ vững chủ quyền và lãnh thổ Đại Việt, quan quân nhà Trần nhờ có sự chuẩn bị kháng chiến từ rất sớm và bằng chiến thắng Đông Bộ Đầu lịch sử đã đánh tan đạo quân Mông do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, chặn đứng được cuộc xâm lăng này. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ nhất này, mặc dù chưa xuất hiện với tư cách là một thủ lĩnh cầm quân nhưng Trần Quang Khải vẫn có những đóng góp lớn. Được vua Trần Thái Tông cử ra thay mặt nhà vua tiếp và ứng đối với sứ thần của địch, dẫu biết rằng khó tránh khỏi cuộc xâm lăng, song với sự hiểu biết sâu rộng và tài đối đáp của mình, ông đã có những ứng đối khôn khéo nhằm kéo dài thời gian để quân dân Đại Việt chuẩn bị kháng chiến.

Năm Bính Dần (1266), Trần Quang Khải được triều đình cử vào cai quản vùng Hoan-Diễn - một địa bàn chiến lược quan trọng, vùng phên giậu phía Nam của Đại Việt. Tại đây, Trần Quang Khải đã đem hết sức mình lo cho việc triều đình, lo cho dân. Ông không quản khó khăn gian khổ, thường xuyên kinh lý xuống tận các phiên, trấn xa xôi ở miền tây Hoan-Diễn, tiếp xúc tìm hiểu cuộc sống, văn hóa, ngôn ngữ của các tộc người nơi đây, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Sử cũ cho hay, nhờ những chuyến kinh lý như vậy và sự say mê văn hóa dân tộc, sự ham tìm tòi hiểu biết mà Trần Quang Khải đã thông thạo được khá nhiều ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.

Tháng 3 năm Tân Mùi (1271), Trần Quang Khải trở lại kinh thành và được phong hàm Tướng quốc Thái úy. Trần Quang Khải nhận trọng trách mới trong bối cảnh tình hình Đại Việt lúc bấy giờ khá nóng bỏng. Trong nước, nhiều phiên tộc phía Nam nổi loạn, buộc vua Trần Thánh Tông phải thân chinh đưa quân đi dẹp loạn. Bên kia biên giới, giặc Mông-Nguyên đang rậm rịch, lăm le xâm lược nước ta lần thứ hai. Là người thông thạo ngôn ngữ nhiều dân tộc, Thái úy Trần Quang Khải được theo nhà vua đi dẹp loạn và ông đã có những đóng góp quan trọng góp phần ổn định tình hình trong nước, chuẩn bị đương đầu với cuộc xâm lăng của quân Mông-Nguyên.

Tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282), trước họa ngoại xâm đang đến gần, vua Trần triệu tập Hội nghị Bình Than cùng các vương hầu, bách quan bàn kế sách đánh giặc. Sau hội nghị lịch sử này, Trần Quang Khải được cử làm Thượng tướng Thái sư cùng với Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn thống lĩnh toàn bộ quân đội. Với trọng trách mới, Trần Quang Khải đã cùng với Trần Quốc Tuấn tập trung củng cố lực lượng binh sĩ, lựa chọn các tướng tài để chỉ huy, bày binh bố trận và chia quân đi đóng giữ các địa bàn hiểm yếu.

leftcenterrightdel
Ở Hà Nội, con đường mang tên Thái sư Trần Quang Khải nằm tại quận trung tâm của thành phố. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

Tháng 3 năm Giáp Thân (1284), quân Nguyên do Toa Đô chỉ huy tiến công vòng qua Chiêm Thành rồi từ đó tiến ra đánh chiếm Đại Việt từ phía Nam. Đầu năm 1285, theo đề nghị của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải được giao thống lĩnh một đạo quân vào trấn giữ vùng Hoan-Diễn để ngăn chặn mũi tiến công của quân Nguyên từ Chiêm Thành tập hậu đánh ra. Tuy nhiên, khi đạo quân của ông vừa vào đến Thanh Hóa thì do sự ươn hèn của Trần Kiện, vùng Hoan-Diễn đã rơi vào tay giặc và phòng tuyến Bố Vệ (Thanh Hóa) do Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lập ra cũng đã bị chọc thủng. Quân Nguyên thừa thế đánh thốc ra vùng Trường Yên (Ninh Bình). Đúng lúc đó ở phía Bắc, đạo quân của Thoát Hoan cũng đã chiếm được Thăng Long. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp về và Thái sư Trần Quang Khải từ Thanh Hóa ra đã hộ tống nhà vua lui về Thiên Trường (Nam Định), sau đó dùng kế nghi binh rút an toàn vào Thanh Hóa. Trong cuộc rút lui chiến lược thần kỳ này có công lớn của Thái sư Trần Quang Khải.

Sau một thời gian củng cố lực lượng, nhận thấy thời cơ đến, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng với Thái sư Trần Quang Khải lập tức tiến quân ra Bắc cùng với cánh quân của Trần Nhật Duật phá kế hoạch hợp quân của Thoát Hoan và Toa Đô. Quân đội nhà Trần tiến công một loạt trại của giặc dọc theo sông Hồng. Đạo quân của Trần Quốc Tuấn hạ đồn A Lỗ; quân của Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái tiến công đồn Tây Kết; Trần Nhật Duật đem quân đánh vào cửa Hàm Tử, còn Thái sư Trần Quang Khải chỉ huy đạo binh tiến về đánh địch ở bến Chương Dương.

Chương Dương là một căn cứ quan trọng của giặc Nguyên nằm trên hữu ngạn sông Hồng, được coi như tấm lá chắn bảo vệ cho kinh thành Thăng Long từ phía Nam. Để dụ quân giặc ra khỏi thành, Thái sư Trần Quang Khải đã quyết định tiến công Chương Dương-cứ điểm trọng yếu cuối cùng của giặc trên sông Hồng. Ông cho rằng tiêu diệt được cứ điểm Chương Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu diệt đại bản doanh của địch, giải phóng kinh thành Thăng Long, từ đó mở ra một thời kỳ mới-thời kỳ phản công chiến lược để quét sạch giặc Nguyên-Mông ra khỏi bờ cõi, đập tan giấc mộng xâm lăng của chúng. Đúng như sự tính toán đầy mưu lược của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, sau khi cứ điểm Chương Dương bị tiến công, Thoát Hoan điều binh sĩ từ kinh thành Thăng Long ra giải vây thì Thăng Long bị tiến công. Thoát Hoan lập tức đưa quân sĩ quay về cứu Thăng Long nhưng đã quá muộn. Y cùng một số thuộc hạ thân cận cướp thuyền hốt hoảng vượt sông Hồng tháo chạy, bỏ mặc hàng vạn tướng sĩ bên bờ Nam không đường tiến thoái. Dọc đường chạy trốn, Thoát Hoan còn phải chui vào ống đồng để tránh tên nỏ truy kích của ta.

Chiến thắng Chương Dương mà Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải là “kiến trúc sư” có một ý nghĩa chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai.

 Đất nước sạch bóng quân thù, quan quân nhà Trần hoan hỷ trở lại Thăng Long. Trên đường theo xa giá về kinh, trong không khí cả nước ca khúc khải hoàn, Trần Quang Khải cảm hứng sáng tác những vần thơ bất hủ:

Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san

Đất nước sạch bóng quân thù, do tuổi đã cao, Thái sư Trần Quang Khải xin về tĩnh dưỡng tại quê nhà ở Thiên Trường. Ngày ngày ông lấy việc viết sách, làm thơ làm thú vui. Người đời không chỉ biết đến Thái sư Trần Quang Khải là một danh nhân quân sự mà còn là một thi sĩ. Ông đã để lại nhiều áng thơ văn bất hủ, trong đó có tập thơ “Lạc đạo”, ghi lại những hoài cảm về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngày nay, tại xã Mỹ Thành, huyện Bình Lục vẫn còn ngôi đình thờ Trần Quang Khải và vợ là Công chúa Phụng Dương. Tại ngôi đình có khá nhiều câu đối, văn bia ca tụng công lao và tài đức của Thái sư Trần Quang Khải.

TRẦN VĨNH THÀNH