Cuối năm 2018, ông Amma Yukiho, Chủ tịch hiệp hội dẫn đầu một đoàn các bạn Nhật đã đến thành phố Huế thăm nơi ở cuối đời của chí sĩ Phan Bội Châu tại phường Bến Ngự, nơi cụ bị thực dân Pháp giam lỏng sau nhiều năm bôn ba làm cách mạng.
Hiện ở đây có nhà lưu niệm, mộ của Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ. Cũng trong khuôn viên này còn có gia đình của PGS, TS Phan Nhật Tĩnh, nguyên Chủ nhiệm Khoa Toán, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, là chắt nội của cụ Phan Bội Châu. Ông Chủ tịch Hiệp hội Asaba đã cho PGS Phan Nhật Tĩnh biết khá nhiều thông tin về cụ Phan và các đồng chí của cụ hoạt động trong Phong trào Đông Du ở Nhật hồi đầu thế kỷ 20, đặc biệt là câu chuyện cảm động giữa các chí sĩ Việt Nam và bác sĩ Asaba Sakitaro.
    |
 |
PGS Phan Nhật Tĩnh (ngồi thứ hai, từ phải sang) họp mặt cùng các hội viên Hiệp hội Asaba Việt Nam ở Fukuroi, Nhật Bản. |
Ngày 23-2-1905, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính dẫn đoàn xuất dương đầu tiên sang Nhật theo lộ trình Hải Phòng-Hồng Công-Kobe-Yokohama. Đoàn ngụ tại Bính Ngọ hiên trong khu phố Tàu ở Yokohama. Tại đây, Phan Bội Châu không ngờ được gặp nhà cách mạng Lương Khải Siêu, người mà Phan đã từng hâm mộ khi đọc các trước tác của ông qua Tân văn, Tân thư. Trong cuộc bút đàm hai ngày đêm tại Trí Hòa đường, Lương khuyên Phan rằng Việt Nam muốn giành lại nền độc lập cần phải có 3 điều kiện: Thực lực, sự viện trợ bên ngoài và thanh thế của Nhật Bản. Thực lực bao gồm dân trí, dân khí và dân tài. Cũng tại Trí Hòa đường, Phan Bội Châu còn được gặp và bút đàm với một nhà cách mạng Trung Hoa nổi tiếng khác là Tôn Trung Sơn, khi ông này vừa đi vận động trong cộng đồng người Hoa ở Hoa Kỳ ghé lại Yokohama. Đông Du thực chất là phong trào đưa những thanh niên Việt Nam ưu tú sang Nhật học hành, chuẩn bị nhân tài cho đất nước. Đến cuối năm 1908, số người Việt sang Nhật đã đến gần 200. Tất cả đều được đón tiếp và tạm trú tại Bính Ngọ hiên ở Yokohama (về sau, Bính Ngọ hiên chuyển lên Tokyo) để học tiếng Nhật trước khi phân phối đi học các trường trung, cao đẳng ở Tokyo. Riêng những thiếu niên Nam Kỳ trên dưới 10 tuổi được thu xếp vào học các trường tiểu học tiếng Anh và tiếng Nhật.
Với những hoạt động tích cực của Phan Bội Châu, Nhật Bản trở thành mảnh đất ươm nhân tài cho công cuộc cứu nước của Việt Nam và cũng là không gian chính trị thuận lợi cho các nhà cách mạng Việt Nam viết những trước tác gửi về nước, thức tỉnh tinh thần dân tộc, góp phần chấn hưng dân khí với Phan Chu Trinh trong nước. Nhưng chính quyền thuộc địa Pháp sớm nhận ra nguy cơ tiềm ẩn của Phong trào Đông Du. Giữa năm 1907, Pháp-Nhật đã ký một hiệp ước tại Paris và có hiệu lực vào đầu năm 1909. Theo đó, Chính phủ Nhật giải tán tổ chức Đông Du, trục xuất Phan Bội Châu, cựu hoàng Cường Để cùng các lưu học sinh ra khỏi đất Nhật. Một tình thế hoàn toàn bất lợi cho những nhà cách mạng Việt Nam lại diễn ra vào lúc tài chính cạn kiệt. Phan Bội Châu đã giải quyết khó khăn này theo hai hướng: Những lưu học sinh có khả năng ở lại thì mai danh ẩn tích, tự tìm kế sinh nhai, tiếp tục học thành tài để về giúp nước sau này; thông qua mối quan hệ đã được xây dựng, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những mạnh thường quân người Nhật. Trong số lưu học sinh có trường hợp Nguyễn Thái Bật bị ngất vì kiệt sức trên đường đến Tokyo nhập học, đã được bác sĩ Asaba Sakitaro cứu sống. Thế là thông qua Nguyễn Thái Bật, Phan Bội Châu đánh bạo viết thư nhờ bác sĩ mở lòng nghĩa hiệp. Không ngờ thư viết đi buổi sáng, buổi chiều đã có hồi âm. Bác sĩ Asaba Sakitaro gửi Phan Bội Châu món tiền 1.700 yên (tương đương 200.000USD thời giá lúc đó), kèm theo những lời nhắn nhủ chân tình: “Nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau nếu cần, ngài đừng ngại, cứ lên tiếng. Tôi sẽ làm những gì có thể làm được”. Phan Bội Châu xúc động ứa nước mắt trước tấm lòng hào hiệp của người bác sĩ Nhật Bản chưa từng gặp mặt, món tiền đó liền dùng để lo liệu, thu xếp cho số lớn lưu học sinh về nước. Mấy hôm sau, cụ Phan đã đến tận nhà bác sĩ Asaba Sakitaro ở Kozu để cảm tạ. Chủ khách nâng chén rượu mừng, hẹn ngày tái ngộ. Nhưng đau đớn thay, ngày 25-9-1910, Asaba Sakitaro bị bệnh phổi và bất ngờ về trời khi mới 43 tuổi. Sau này khi ra khỏi nhà tù ở Quảng Đông (Trung Quốc) tháng 5-1917, Phan Bội Châu bí mật trở lại Nhật Bản, lúc đó mới biết ân nhân của Phong trào Đông Du đã mất cách đó 7 năm. Chưa có gì đền đáp, cụ Phan liền lặn lội đến tận quê hương Asaba, thắp nén hương trước mộ và hẹn sẽ còn quay lại…
Sau cuộc gặp gỡ với ông Amma Yukiho ở Huế, PGS, TS Phan Nhật Tĩnh có dịp sang Nhật Bản để hợp tác nghiên cứu khoa học. Và Amma Yukiho đã dẫn người chắt nội của cụ Phan Bội Châu đến thăm chùa Jorinji cổ kính của vùng Fukuroi quê hương ông, trong đó còn lưu giữ một tấm bia lưu niệm nói lên nghĩa tình sâu đậm giữa hai bậc tiền bối. Hầu hết nghĩa trang ở Nhật là nghĩa trang Phật giáo và được đặt trong khuôn viên chùa. Các ngôi mộ trong chùa Jorinji đều được xây cất bằng đá đen nguyên khối, chân mộ tạc đài hoa sen, ngụ ý những người an nghỉ tại đây đều đã siêu thoát, đắc đạo. Ngôi mộ bác sĩ Asaba Sakitaro được đặt ở khu trung tâm nghĩa trang, cạnh đấy sừng sững tấm bia tri ân do chính cụ Phan Bội Châu dựng. Tấm bia cao 2,7m, rộng 0,87m, bệ bia cao 1m. Mặt bia khắc chữ theo lối cổ. Ngồi dưới chân bệ bia cùng vị khách Việt Nam, ông Amma kể tiếp câu chuyện liên quan đến tấm bia này:
Dịp đó vào mùa xuân năm 1918, mùa hoa anh đào nở, Phan Bội Châu cùng một đồng chí là Lý Trọng Bá quay lại Nhật, trình bày dự kiến làm bia tưởng niệm với ông trưởng làng Umeyama. Trưởng làng biết trong túi Phan hàn sĩ chỉ có số tiền ít ỏi nên đề xuất huy động sức người, sức của dân làng. Thế rồi trong một cuộc họp với các phụ huynh trường tiểu học làng, ông trưởng làng nói rằng hai vị đây đã vượt ngàn dặm đến làng ta để dựng bia cho thầy Asaba Sakitaro, chúng ta nên giúp đỡ hai vị. Rào rào tiếng vỗ tay đồng tình. Công việc được tiến hành khẩn trương và tấm bia đá đã được hoàn tất trong vòng một tháng. Công trình được tạo nên bởi ý tưởng cùng 100 yên của cụ Phan và tài lực của dân làng Umeyama. Hôm khánh thành bia, cả làng mở tiệc ăn mừng. Mặt trước tấm bia khắc chữ Hán cổ do chính cụ Phan cầm bút lông viết trên mặt đá và người thợ Nhật dùng choòng búa tạc theo: “Chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới đất Phù Tang. Ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có. Than ôi! Nay chúng tôi sang mà đâu thấy ngài, trời xanh, biển thẳm, cúi nào biết tỏ cùng ai, đành ghi mối xúc cảm này nơi bia đá…”.
Vậy là, qua Phong trào Đông Du trong thập niên đầu thế kỷ 20, chí sĩ Phan Bội Châu đã đặt nền móng cho tòa lâu đài hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Trong cuốn tự thuật viết ngày ấy, cụ Phan đã trân trọng ghi lại sự kiện này: “Tôi đặc biệt viết ra đây để truyền lại cho đồng bào Việt Nam biết nghĩa cử của những người bạn Nhật Bản như thế là mãi mãi”.
PGS Phan Nhật Tĩnh còn cho người viết bài này biết, kể từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội Asaba Việt Nam đã có nhiều hoạt động quyên góp giúp đỡ Việt Nam, như xây dựng các trường học, bệnh viện ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam. Ngày 3-11-2010, nhân kỷ niệm 105 năm Phong trào Đông Du, 100 năm ngày mất của bác sĩ Asaba Sakitaro, 70 năm ngày mất của chí sĩ Phan Bội Châu, tại thành phố Huế đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bia tưởng niệm Phong trào Đông Du do hiệp hội trao tặng.
PHẠM QUANG ĐẨU