Một trong những trận đánh bi tráng trong cuộc đời cầm quân của bà là trận phản công tái chiếm khu vực chiến lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) vào thời điểm sống còn của vương triều Tây Sơn.

Không lâu sau khi vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Ánh đã nhanh chóng tập hợp lực lượng, mở cuộc phản công chiến lược quy mô lớn, quyết chí tiêu diệt bằng được triều đại Tây Sơn. Sau thời gian ngắn, quân đội của Nguyễn Ánh đã đánh chiếm được Phú Xuân-thủ phủ của triều đình Tây Sơn và phần lớn đất đai vùng phía nam sông Gianh. Vua Tây Sơn Quang Toản buộc phải chạy ra cố thủ tại Bắc Thành và đổi niên hiệu là Bảo Hưng.

Cuối năm Tân Dậu (1801), Quang Toản tập trung được 3 vạn quân, xuất phát từ Bắc Thành tiến đánh quân Nguyễn Ánh ở khu vực nam sông Gianh, thiết lập hệ thống chiến lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) để ngăn chặn bước tiến của quân Nguyễn. Nhưng trước thế giặc mạnh hơn nhiều lần, quân đội Tây Sơn không thực hiện được ý định đề ra, quân đội Nguyễn Ánh chiếm được chiến lũy Trấn Ninh, đẩy quân Tây Sơn phải tháo lui ra Bắc. Cũng trong thời gian này, một bộ phận chủ yếu của quân đội Tây Sơn do Trần Quang Diệu (là chồng của nữ tướng Bùi Thị Xuân) và Võ Văn Dũng chỉ huy đang bị quân đội của Nguyễn Ánh vây ép mạnh ở thành Quy Nhơn (Bình Định).

leftcenterrightdel
Tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân. Ảnh chụp lại

Để lấy lại thế trận, Quang Toản và các võ tướng Tây Sơn quyết định dốc toàn bộ sức lực còn lại mở trận phản công mới, với hai mũi: Mũi đường thủy tiến theo sông Nhật Lệ, mũi tiến công trên bộ do đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy, gồm 5.000 quân bản bộ quyết tâm phản công tái chiếm khu vực chiến lũy Trấn Ninh.

Trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt ngay từ những phút đầu giao chiến. Do chiếm được ưu thế về địa hình, hệ thống phòng thủ ở trên cao, phạm vi quan sát và khống chế rộng nên sau khi chiếm được Trấn Ninh, quân Nguyễn Ánh đã cho ém sẵn lực lượng và vũ khí. Vì vậy, khi quân Tây Sơn từ ngoài đánh vào đã bị quân Nguyễn Ánh từ trên cao bắn tên, đạn chặn đánh quyết liệt từ xa, gây tổn thất lớn. Mặc dù tình thế không thuận lợi, nhưng trước vận mệnh nguy cấp của triều đình và xã tắc, Bùi Thị Xuân không ngại hy sinh, hiên ngang cưỡi voi xông ra trận tiền động viên, đốc thúc quân sĩ bền gan chiến đấu, quyết giành lại vị trí phòng thủ hiểm yếu này. Ghi lại diễn biến trận đánh và hình ảnh oai hùng xông pha trận tiền của nữ tướng Bùi Thị Xuân, trong “Đại Nam thực lục” do sử quán triều Nguyễn sau đó viết: “Bùi Thị Xuân cưỡi voi thúc quân liều chết đánh từ sáng đến trưa chưa chịu lui”. Dù đã nỗ lực vượt bậc nhưng kết cục trận phản công lại diễn ra không thuận lợi. Mũi đường thủy theo dòng Nhật Lệ của quân Tây Sơn bị quân Nguyễn mai phục, đánh thiệt hại nặng nề, buộc phải tháo lui. Mũi trên bộ mặc dù giành được một số kết quả nhất định nhưng do bị hao tổn lớn về người và vũ khí, tinh thần và ý chí giảm sút nghiêm trọng. Biết khó xoay chuyển được cục diện, Bùi Thị Xuân quyết định dừng chiến đấu, lui quân về hậu cứ củng cố. Trước diễn biến đó, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cũng bỏ thành Quy Nhơn, đột phá vòng vây, hành quân ra vùng đất miền tây Nghệ An.

Thế mất, lực cạn dần, nguồn bổ sung không có, quân Tây Sơn lui dần ra Bắc. Đến đất Nghệ An, hai bộ phận còn lại của quân đội Tây Sơn do Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu chỉ huy đã hội quân. Nhưng không lâu sau đó, do dò la nắm được tin tức, Nguyễn Ánh lập mưu, cho quân đóng giả làm người đến tiếp tế vũ khí và lương thảo cho nghĩa quân để rồi lừa bắt sống được cả gia đình bà.

Do thâm thù cá nhân nên sau khi dẹp xong hoàn toàn nhà Tây Sơn, kiểm soát được toàn bờ cõi, Nguyễn Ánh đã mở một cuộc thanh trừng trả thù hết sức tàn khốc với dòng họ Nguyễn Huệ và các quan lại văn võ trong triều, ngoài trấn đã từng phụng sự dưới triều Tây Sơn, trong đó có gia đình nữ tướng Bùi Thị Xuân…    

TRẦN TỬ LONG - PHẠM TIẾN MẠNH