Người đó chính là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn - vị tướng mưu lược và dũng khí, cả cuộc đời hết lòng vì nghĩa lớn.
Trần Nguyên Hãn quê ở Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Ông vốn xuất thân từ dòng dõi quý tộc họ Trần, là cháu nội của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán và cháu họ của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Sớm mồ côi cha, Trần Nguyên Hãn phải theo mẹ rời làng quê lên sinh sống và lập nghiệp ở trang Sơn Đông.
Xuất thân trong một dòng dõi nho học và giỏi binh pháp nên ngay từ nhỏ Trần Nguyên Hãn đã sớm bộc lộ tư chất thông minh. Bước vào tuổi trưởng thành, ông đã tỏ ra là một chàng trai trọng nghĩa, giỏi võ nghệ, am hiểu binh pháp và đặc biệt là có chí lớn. Khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, quân Minh xâm lược giày xéo nước ta, trăm họ lầm than, cùng cực. Không cam chịu cảnh đó, Trần Nguyên Hãn đã dựa vào khu rừng Thần ở Lập Thạch để lập căn cứ, chiêu mộ thanh niên trai tráng trong vùng cùng đứng lên chống quân Minh xâm lược. Chỉ trong một thời gian ngắn, đội nghĩa binh của Trần Nguyên Hãn đã phát triển được 5 nghìn quân. Từ căn cứ rừng Thần, nghĩa quân do ông chỉ huy đã đánh một số trận, trong đó có trận tập kích đồn Tam Giang gây được tiếng vang trong vùng.
Không dừng lại ở đó, để mưu tính việc lớn, Trần Nguyên Hãn đã cải trang tìm đường đến gặp Nguyễn Trãi bàn kế sách chống lại quân xâm lược nhà Minh. Khi biết tin Lê Lợi cũng đang chiêu tập binh sĩ dựng cờ khởi nghĩa trên đất Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn đã quyết định tìm về Thanh Hóa. Tìm được minh chủ, ông đã lập tức quay trở về quê, đưa đạo quân của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Một trang mới trong cuộc đời hoạt động của Trần Nguyên Hãn đã được mở ra. Cùng với Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn đã trở thành cộng sự đắc lực của Lê Lợi, là một trong những trụ cột của Bộ chỉ huy khởi nghĩa Lam Sơn. Từ đây, phần đời còn lại và sự nghiệp của Trần Nguyên Hãn gắn bó máu thịt với chủ tướng Lê Lợi, với nghĩa quân Lam Sơn. Cảm kích tấm lòng vì nước, vì dân và tài năng, đức độ của một tướng quân, Lê Lợi đã ban cho Trần Nguyên Hãn chức Tư đồ. Ông được mời tham dự hầu hết các hội nghị quan trọng bàn mưu lược của bộ chỉ huy.
    |
 |
Đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu |
Năm Ất Tỵ (1425), vâng lệnh Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn cùng các tướng: Lê Nỗ, Lê Đa Bồ đem 1.000 quân đi đánh các thành Tân Bình và Thuận Hóa. Trên đường hành quân đến sông Bố Chính (Quảng Bình) thì đụng phải đạo quân của tướng Minh là Nhậm Năng. Trần Nguyên Hãn đã lập mưu dùng kế mai phục, nhử binh lực của địch vào khu vực Hà Khương rồi bao vây tiêu diệt sạch. Vốn là một nhà cầm quân sắc sảo, khả năng phán đoán tình hình chính xác, biết quý trọng xương máu của nghĩa quân, chính vì vậy mà sau chiến thắng Hà Khương, Trần Nguyên Hãn đã không cho phát triển tiến công tiếp mà cấp báo về cho Lê Lợi xin thêm quân. Sau khi được Bình Định Vương tăng viện, ông đã chỉ huy nghĩa quân dốc sức đánh chiếm được hai thành Tân Bình và Thuận Hóa, thực hiện xuất sắc ý đồ mở rộng địa bàn của Bộ chỉ huy khởi nghĩa Lam Sơn.
Tháng 9 năm Bính Ngọ (1426), Lê Lợi thân chinh dẫn đại quân tiến ra vây hãm thành Đông Quan - đại bản doanh của quân Minh. Trần Nguyên Hãn cùng với Bùi Bị được Lê Lợi tin tưởng giao chỉ huy đạo quân thủy với hơn 200 chiến thuyền từ cửa sông Hát xuôi xuống bến Đông Bộ Đầu rồi tiến công thành Đông Quan từ hướng Đông; cùng với mũi tiến công từ hướng Tây của đạo quân Đinh Lễ, mũi tiến công từ hướng Nam của Lê Lợi hình thành thế bao vây chặt quân Minh. Lợi dụng đêm tối, từ 3 hướng bất ngờ đánh giáp lại, nghĩa quân đã tiêu diệt phần lớn đạo quân của Vương Thông, thu hơn 100 chiến thuyền, siết chặt vòng vây đối với thành Đông Quan.
Với chiến công xuất sắc trong việc tiêu diệt đạo quân của Vương Thông, mùa thu năm 1427, Trần Nguyên Hãn được Bình Định Vương thăng Thái úy; đồng thời được giao chỉ huy đạo quân tiếp tục tiến đánh thành Xương Giang (một pháo đài kiên cố nằm ở phủ Lạng Giang bảo vệ cho Đông Quan từ xa và bảo vệ con đường rút lui cho quân Minh một khi Đông Quan bị thất thủ). Với một vị trí trọng yếu nên thành Xương Giang được xây dựng rất kiên cố và tập trung nguồn hậu cần khá dồi dào. Tại đây thường xuyên có khoảng 2.000 quân Minh chốt giữ dưới quyền chỉ huy của các tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm trận mạc như Lý Nhậm, Kim Dận, Phùng Tri, Lưu Thuận... Trước đó, vào cuối năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Sát và Lê Thụ chỉ huy cũng đã tổ chức bao vây và tiến công thành lũy này nhưng bất thành. Quân Minh trong thành vẫn ngoan cố bám trụ, liều chết để cố thủ chờ viện binh từ bên kia sang.
Để hạ thành Xương Giang, Trần Nguyên Hãn đã cho quân sĩ bí mật đào một số đường hầm ngầm xuyên từ ngoài vào trong thành, sau đó đưa một bộ phận vào ém sẵn trong đó nhằm thực hiện kế sách “ngoài đánh vào, trong đánh ra”. Ngày mồng 8 tháng 9 năm Đinh Mùi (1427), Trần Nguyên Hãn chỉ huy quân sĩ mở cuộc tiến công thành Xương Giang. Cùng một lúc bị tiến công bất ngờ từ ngoài vào và ngay từ bên trong thành, quân Minh nhanh chóng bị rối loạn và chống cự yếu ớt. Với kế sách độc đáo của Trần Nguyên Hãn, cùng với tinh thần chiến đấu quả cảm của nghĩa binh, thành Xương Giang nhanh chóng bị hạ. Chiếm được thành, đoán biết quân Minh thế nào cũng không dễ dàng từ bỏ tiền đồn quân sự quan trọng này, Trần Nguyên Hãn đã nhắc quân sĩ không được say sưa với vòng nguyệt quế mà phải khẩn trương bắt tay củng cố, tu sửa hầm hào, thành lũy, biến nơi đây thành một trận địa phòng ngự vững chắc để sẵn sàng đánh viện.
Cùng lúc đó, để cứu nguy cho thành Đông Quan đang bị vây hãm, vua nhà Minh đã sai Liễu Thăng và Mộc Thạnh đem 15 vạn quân sang cứu viện. Quân Minh tiến vào nước ta theo hai hướng Lạng Sơn và Hà Giang. Thực hiện chủ trương “vây thành, diệt viện” của Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn đã cho tập trung lực lượng tiêu diệt đạo quân của Liễu Thăng tiến từ hướng Lạng Sơn vào.
Đúng như ông dự đoán, đạo quân của Liễu Thăng hùng hổ tiến vào đã bị chặn đánh quyết liệt ngay từ khi vượt qua Lạng Sơn. Chúng dự định sẽ hội quân ở Xương Giang để nghỉ ngơi lấy sức, củng cố lại binh lực trước khi tiến vào Đông Quan. Nhưng khi tới nơi thì thành Xương Giang đã rơi vào tay nghĩa quân Lam Sơn. Không còn cách nào khác, Liễu Thăng đành cho quân hạ trại ngay giữa cánh đồng trống trải trước mặt thành không xa.
Nhận thấy thời cơ thuận lợi đã tới, Trần Nguyên Hãn lệnh cho quân sĩ tổ chức trận tập kích lớn vào quân Minh. Bị đòn phủ đầu bất ngờ, đạo quân của Liễu Thăng nhanh chóng vỡ trận. Thừa thắng xốc tới, dưới sự chỉ huy tài ba của Trần Nguyên Hãn, nghĩa quân Lam Sơn nhanh chóng làm chủ trận địa, tiêu diệt gần 5 vạn, bắt sống hơn 3 vạn quân Minh, trong đó có các tướng Thôi Tị và Hoàng Phúc, thu nhiều vũ khí và chiến mã.
Trận Xương Giang - một trận đánh kinh điển về nghệ thuật “vây thành, diệt viện” của nghĩa quân Lam Sơn in đậm dấu ấn tài ba của Trần Nguyên Hãn. Cùng với chiến thắng Chi Lăng, chiến thắng Xương Giang đã góp phần tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Để giữ hòa hiếu với láng giềng, Lê Lợi đã cho mở Hội thề Đông Quan cho quan quân nhà Minh được rút về nước thay vì tiến hành một cuộc tiến công tiêu diệt toàn bộ đạo quân của Vương Thông đang bất lực, cố thủ trong thành Đông Quan.
Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Trần Nguyên Hãn được vinh danh xứng đáng với hàm Tả tướng quốc và được ban Quốc tính (họ của vua).
Nước nhà sạch bóng quân thù, Trần Nguyên Hãn cáo quan về vui thú điền viên tại trang trại Sơn Đông. Tại đây, ông bắt tay cùng người dân phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống. Vốn mang trong mình dòng máu nhà binh, Trần Nguyên Hãn chăm lo công việc củng cố quốc phòng, thâu nạp dân binh ngày đêm vừa lo sản xuất, vừa lo luyện tập võ nghệ, binh đao. Có lẽ chính vì điều này và hơn nữa ông vốn dòng dõi họ Trần nên bị một số quan trong triều vốn có mối hiềm khích, ghen tị từ trước tâu báo lên vua là “Trần Nguyên Hãn có mưu đồ làm phản”. Sau đó, ông bị triệu về kinh để hỏi tội. Vâng lệnh vua, vào một ngày đầu hạ năm Kỷ Dậu (1429), Trần Nguyên Hãn lên thuyền theo dòng sông Lô xuôi về Đông Quan. Khi thuyền ngang qua một bến sông, Trần Nguyên Hãn ngửa mặt lên trời mà than rằng: Tôi với vua cùng mưu cứu dân. Nay việc nghĩa lớn đã thành, vua lại muốn giết tôi, hoàng thiên có biết xin soi xét cho. Nói đoạn, thuyền bị một cơn cuồng phong lật úp. Trần Nguyên Hãn cùng đoàn tùy tùng hơn 40 người đều bị đuối nước. Phải 24 năm sau, đến triều Lê Nhân Tông, Trần Nguyên Hãn mới được minh oan, được trả lại ruộng đất, tài sản bị tịch thu trước đó. Thời nhà Mạc cầm quyền, ông được truy tặng là Hữu tướng quốc, Trung liệt Đại vương. Tưởng nhớ đến một tướng quân suốt đời vì nước, vì dân, người dân địa phương đã lập đền thờ ông.
Dẫu rằng cho đến nay, cái chết đầy oan khuất của Trần Nguyên Hãn vẫn chưa được tỏ tường, song cuộc đời và sự nghiệp, công lao của ông đối với khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng, cuộc kháng chiến chống quân Minh nói chung đã được lịch sử tạc ghi và nhân dân kính phục.
TRẦN VĨNH THÀNH