Mái nhà của những tấm lòng nhân hậu
Chi hội Bảo Hòa ở địa chỉ 51 Nguyễn Văn Giai, phường Đa Kao, quận 1. Đến đây, chúng tôi không gặp được người sáng lập chi hội là bà Lê Thị Thủy. Ở tuổi 80, bà đang phải điều trị bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp. Sức khỏe yếu, bà không thể đến đây để quán xuyến công việc. Người quản lý, điều hành công việc của chi hội hiện nay là ông Nguyễn Văn Sáu. Ông Sáu kể: “Năm 1992, bà Lê Thị Thủy nuôi mẹ bị bệnh ở Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, thấy bệnh nhân ở đây đa số là bà con nghèo khó, thường nhịn ăn để lấy tiền trị bệnh mà thời gian điều trị ở đây lại rất lâu. Cảm thương với họ, bà liền nấu cơm cho những bệnh nhân cùng phòng ăn. Bà Thủy trích một phần tiền cho thuê nhà để mua gạo, mua thức ăn. Chi hội Bảo Hòa ra đời từ đó”.
Chi hội Bảo Hòa do bà Thủy sáng lập hoạt động liên tục suốt hơn 25 năm qua. Hiện nay, mỗi ngày bếp ăn ở đây nấu hơn 1.500 suất cơm phát miễn phí cho những bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, nhiều nhất là các bệnh viện: Ung bướu, Nhân dân Gia Định, Chợ Rẫy. Đối với những bệnh nhân nghèo (có giấy chứng nhận hộ nghèo) thì chi hội còn hỗ trợ tiền xe đi về và tiền mua thuốc theo đơn (mỗi năm một lần). Có những đơn thuốc tới 4.000.000 đồng. Chi hội còn cử nhân viên trực tiếp đến bệnh viện xem xét các hồ sơ để cấp tiền mua thuốc hoặc cho tiền thuê xe đưa bệnh nhân về gia đình.
Tranh thủ khi ông Sáu tiếp khách, chúng tôi gặp những người phục vụ ở đây. Tất cả các chị em đều tình nguyện đến làm việc, không lấy thù lao, bởi họ có chung suy nghĩ “thương người như thể thương thân”. Chị Lê Kim Sửa, quê ở Tịnh Biên, An Giang cho biết: “Nhóm của tôi gồm 12 người, toàn là chị em cùng quê, mỗi năm tự nguyện lên đây làm từ thiện một tháng. Công việc của nhóm bắt đầu từ 2 giờ sáng, 6 giờ cơm chín cho cơm và đồ ăn vào thùng, 7 giờ chở đi, 8 giờ phát cơm cho bệnh nhân ở các bệnh viện. Sau đó về chuẩn bị nấu cơm để đến 14 giờ lại đi phát. Nấu hai bữa ăn, cả nhóm phải mất 5-6 giờ chuẩn bị, mỗi ngày nấu 200kg gạo mới đủ phát”.
Xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân nghèo
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông Sáu liên tục bị gián đoạn bởi nhiều bệnh nhân đến xin được trợ giúp, hoặc những nhà hảo tâm đến góp tiền, góp lương thực, thực phẩm... Được biết mỗi tháng, tổng số tiền Chi hội Bảo Hòa chi cho hoạt động thiện nguyện khoảng 400 triệu đồng, trong đó trợ giúp tiền xe và tiền thuốc cho bệnh nhân nghèo hơn 250 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, Chi hội Bảo Hòa làm công tác từ thiện với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Hơn 25 năm nấu cơm từ thiện, bếp Bảo Hòa đã phát hàng triệu suất cơm miễn phí cho bệnh nhân. Đến với Bảo Hòa, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều tấm lòng nhân hậu, tinh thần tương thân tương ái của người dân thành phố dành cho những bệnh nhân nghèo. Anh Lê Minh Thắng, ngụ tại quận 10 là một trong những người như thế. Anh đã nhiều lần chở gạo đến tặng bếp ăn Bảo Hòa, mỗi lần khoảng 100kg. Chứng kiến một nhóm các chị phụ nữ (xin được giấu tên) ở quận 2 phối hợp với Chi hội Bảo Hòa mang hơn 30 triệu đồng hỗ trợ hàng trăm bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, mỗi người 100.000 đồng với cử chỉ ân cần khiến nhiều người cảm động. Không chỉ nhà hảo tâm trong nước mà còn có nhiều nhà hảo tâm ở nước ngoài cũng mang tấm lòng thiện nguyện đến Chi hội Bảo Hòa với mong muốn đem lại niềm vui, nghị lực, niềm tin cho bệnh nhân chống chọi với bệnh tật...
Một bệnh nhân mặt tái nhợt, hớt hải tới gặp ông Sáu. Chưa trình bày hoàn cảnh của mình chị đã bật khóc, nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt xanh xao. Chị là Võ Thị Luân (sinh năm 1971), quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, đến xin Chi hội Bảo Hòa giúp đỡ. Với cử chỉ ân cần, cảm thông sâu sắc, ông Sáu thay mặt chi hội đáp ứng ngay. Chị được giúp hơn 4 triệu đồng theo đơn thuốc của bệnh viện. Hỏi chuyện chúng tôi được biết, chị Luân bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối, đã “vô thuốc” được 11/12 lần. Chị vào điều trị ở đây gần một năm, phải ở nhà trọ và được Chi hội Bảo Hòa cưu mang phát cơm ăn hằng ngày.
Chị Võ Thị Kim Oanh ở Tuy An, Phú Yên nuôi anh là Võ Hồng Sơn bị ung thư phổi nay đã di căn sang cột sống, hai chân bị liệt không đi được. Trong khi chờ đến lượt phát cơm, chị nói: “Gia đình anh tôi nghèo lắm, lúc đầu điều trị ở Phú Yên nhưng không khỏi phải chuyển vào Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh chữa trị. Tôi xin cơm ở đây đã hơn một tháng, nếu không có Chi hội Bảo Hòa cho cơm ăn thì tôi không biết xoay xở ra sao. Chúng tôi không biết nói gì hơn, chỉ thầm cảm ơn Chi hội Bảo Hòa đã nuôi dưỡng, chăm sóc chúng tôi như những người thân”.
Bài và ảnh: HUY VÕ