Và ông kể:

Kỹ sư vô tuyến Ngô Anh Ba, bạn “nối khố” với tôi, là em ruột liệt sĩ Ngô Khắc Kiệm. Ông Kiệm sinh năm 1920, hơn tôi và Ba cả chục tuổi. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Kiệm là chiến sĩ Đại đội 2, Trung đoàn 69, Liên khu 5. Ông hy sinh anh dũng trong một trận chiến đấu ở chân núi Ngọc Di, thuộc xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Kỹ sư Ba có người cháu ruột là Ngô Thị Lệ Thủy, con gái đầu của liệt sĩ. Năm 1955, Thủy tập kết ra Bắc, học trường học sinh miền Nam ở TP Hải Phòng.

Ngày đó, cứ vào chiều thứ bảy, Ba hay rủ tôi đi Hải Phòng thăm cháu. Lúc cha hy sinh, cháu chưa đầy 4 tuổi nên chỉ biết ba qua lời má kể: “Ổng cao to khỏe mạnh, giỏi thơ văn, viết chữ đẹp”. Thủy còn có em gái là Hồng Lâm kém 2 tuổi. Sau ngày nước nhà thống nhất, Thủy vào TP Hồ Chí Minh, công tác ở Công ty Thép miền Nam và cô đã nghĩ ngay đến việc phải tìm được mộ ba. Khởi đầu cho cuộc hành trình là vào năm 1977, khi cô đến Ty Thương binh và Xã hội Nghĩa Bình xin làm sổ liệt sĩ. Sau khi xem đơn, ông Trưởng ty Đinh Xuân Kiểm đứng bật dậy, nắm tay Thủy, xúc động nói: “Cháu ơi, chú cùng đơn vị với cha cháu, có lần đã nghe cha cháu nói về hai con gái quê ở Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), nay không ngờ lại gặp được cháu! Chú thua ba cháu đúng 10 tuổi, hai anh em rất thương nhau. Chú không thể quên ngày cha cháu hy sinh, 11-2-1949. 5 giờ sáng hôm đó, sương mù còn dày đặc, ta nổ súng đánh đồn Mường Hoong, nhưng hỏa lực địch quá mạnh, hai bên quần nhau đến gần 9 giờ, lệnh phải rút. Lúc đó, chú đã bị thương nặng được đưa về tuyến sau, còn cha cháu cùng 12 anh em hy sinh ngay tại trận địa. Rồi đây chú sẽ có trách nhiệm cùng các cháu đi tìm mộ cha và đồng đội”...

leftcenterrightdel
Nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu (bên trái) và tác giả (ảnh chụp sau khi nhà thơ vào TP Hồ Chí Minh thăm thân nhân của liệt sĩ Ngô Khắc Kiệm, năm 2007). 

Nhưng sau ngày đó, tỉnh Nghĩa Bình lại tách ra và ông Kiểm nghỉ hưu, chuyển chỗ ở, việc tìm mộ liệt sĩ Ngô Khắc Kiệm như lời ông hứa không thể thực hiện được ngay. Ngô Thị Lệ Thủy không nản, đã có lần cùng chú Ngô Anh Ba đến gõ cửa nhiều cơ quan chức năng thuộc tỉnh Kon Tum, nhưng cũng không có được manh mối nào đáng kể. Ông Đinh Xuân Kiểm vẫn không quên lời hứa với con gái của đồng đội đã hy sinh. Một lần ông vào TP Hồ Chí Minh tìm đến nhà Ngô Thị Lệ Thủy ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1 và cho cô biết: Năm 2002, Nhà nước đã mở con đường ô tô đi được từ Đường Hồ Chí Minh vào dãy núi cuối cùng thuộc dãy Trường Sơn có đặc sản sâm Ngọc Linh, nơi có xã Mường Hoong. Trước thì rất khó đến được Mường Hoong, nay thì đã có đường rồi, chú cháu mình sẽ đi đến đó.

Năm sau, ông Kiểm cùng hai chị em Ngô Thị Lệ Thủy đi xe đò vượt gần 200km lên huyện lỵ Đăk Glei, Phòng Thương binh-Xã hội huyện liền cử một cán bộ dẫn đường vào xã Mường Hoong. Đường từ huyện lỵ vào xã này chỉ 70km mà chú cháu phải đi mất 5 giờ đồng hồ. Ông già Kiểm lúc đó đã 76 tuổi, bị xe nhồi rung lắc rất dữ, vậy mà đến nơi ông không nghỉ ngơi, cùng hai cháu hỏi đường vào khu mộ liệt sĩ ngay. Đoàn lại đi bộ hơn 10km đường rừng nữa đến một làng nhỏ, có hai già làng đều ngoài bảy mươi tuổi, hăng hái dẫn đường, nhưng chỉ đi được một đoạn, trước mặt là dốc đứng, rừng rậm rạp không có lối vào, đoàn đành phải quay ra.

Ngô Thị Lệ Thủy sau khi đưa ông Kiểm trở về quê ở Quảng Ngãi, đã ra ngay Đà Nẵng, đến Phòng Chính sách Quân khu 5 nhờ giúp đỡ. Một thời gian sau, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum báo cho gia đình Thủy biết: Ngày 13-4-2005, Huyện đội Đăk Glei; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh có đoàn vào Mường Hoong tìm mộ các liệt sĩ. Chị em Lệ Thủy liền lên đường nhập vào đoàn, lần này ông Kiểm vì sức yếu không thể đi được nữa đã dặn dò: “Nếu không tìm được xương cốt, thì cũng lấy ở đấy một nắm đất về thờ, nghe con!”.

Đoàn công tác lần ấy do Thượng tá Lê Minh Thương, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đăk Glei dẫn đầu, đã lặp lại hành trình trên con đường chú cháu Lệ Thủy đi lần trước và đến một làng của người Xê Đăng, may mắn gặp được một nhân chứng quan trọng-con trai của già làng Alip đã biết được chính xác chỗ chôn các liệt sĩ. Người già Xê Đăng mà có điều gì còn để trong bụng chưa nói ra thì chết không cũng không yên lòng và cụ Alip đã từng chứng kiến quân Pháp chôn tập thể các chiến sĩ Việt Minh tại trận Mường Hoong. Cụ để bụng điều bí mật về nơi chôn các liệt sĩ gần 60 năm. Khi đã ngoài 80 tuổi, rất yếu, cụ bảo con trai cõng lên núi, tìm đến một chỗ đất trống cạnh một cây to, bảo với con, đây chính là hố chôn các chiến sĩ Đại đội 2. Hố chôn cách đồn Mường Hoong cũ hơn 50m, ở độ cao 2.398m so với mực nước biển. Điều lạ là, mộ cạnh một cây cao bóng cả như một mái che cho các liệt sĩ yên nghỉ, rễ cây chằng chịt nổi cả trên mặt đất mà không rễ nào xuyên qua mộ dù đào sâu đến 1,5m, rộng đến 2,5m. Dẫu đã nhiều năm trôi qua, nhưng khi đào lên, trong khu đất đen khá tơi xốp vẫn còn ít xương cốt, nhiều nhất là xương đùi và xương hàm, răng; bên cạnh đó là các vật dụng cá nhân như: Quai mũ, cúc áo nhôm, bật lửa, đạn súng mút-cơ-tông... Chị em Lệ Thủy bật khóc nức nở và các cô cho rằng bộ xương đùi dài nhất, hàm răng lớn, nhiều răng nhất chính là của cha mình. Rồi 13 bộ quách giống nhau được xếp ngay ngắn, phủ lá cờ Tổ quốc. Chính quyền tỉnh Kon Tum đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu các liệt sĩ và an táng tại Nghĩa trang huyện Đăk Glei. Riêng hài cốt liệt sĩ Ngô Khắc Kiệm, theo nguyện vọng của gia đình, chính quyền địa phương đã đồng ý để thân nhân đưa về an táng tại quê Quảng Ngãi. Người duy nhất tham gia trận đánh còn lại là ông Đinh Xuân Kiểm không quản đường xa, tuổi già sức yếu cũng đến Đăk Glei dự lễ truy điệu. Ông Kiểm cho biết: Các liệt sĩ đều là người Quảng Ngãi, ngoài đồng chí Kiệm, tôi còn nhớ thêm tên ba đồng đội nữa là Vọng, Tư, Đệ...

Năm 2007, Ngô Thị Lệ Thủy còn nhờ Viện Công nghệ sinh học (ở Hà Nội) giám định gen liệt sĩ. Giám định mẫu hài cốt và lấy máu của những người thân của liệt sĩ Kiệm đều cho kết quả là thân nhân. Đến đây có thể kết thúc hành trình kiên trì, đau đáu tìm mộ cha suốt 30 năm của chị em Ngô Thị Lệ Thủy. 

PHẠM QUANG ĐẨU