QĐND - Gặp Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đoàn Công Tính ngay sau khi ông cùng các NSNA: Chu Chí Thành, Mai Nam, Hứa Kiểm tham dự Festival nhiếp ảnh báo chí quốc tế lần thứ 26 tại thành phố Péc-pi-nhăng (Perpignan) - Cộng hòa Pháp (diễn ra từ 30-8 đến 14-9-2014) trở về, chúng tôi đã được nghe ông kể đầy hứng khởi về hoạt động bận rộn và những cảm xúc tràn đầy của đoàn NSNA Việt Nam. Tại festival, ảnh chiến tranh Việt Nam đã được chào đón nồng nhiệt, dành được nhiều cảm tình, nhiều sự ngạc nhiên thán phục và cả sự lắng lại suy ngẫm bài học không bao giờ cũ về chiến tranh của người phương Tây.
Trang trọng, cuốn hút
Lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự một festival nhiếp ảnh báo chí quốc tế lớn nhất thế giới. Liên hoan là dịp tôn vinh những phóng viên nhiếp ảnh có tiếng, là nơi giới thiệu những phóng viên chưa hoặc ít được biết tới. Đây là cuộc gặp mặt của hàng ngàn các nhà nhiếp ảnh trên khắp thế giới, trong đó có hàng trăm người được mời gửi tác phẩm tham gia triển lãm, đặc biệt là các tác giả, tác phẩm đến từ các vùng đang có chiến tranh hay dịch bệnh, đói nghèo.
|
NSNA Đoàn Công Tính và phóng viên Đon Mác Cun-lin.
|
Phòng triển lãm ảnh chiến tranh Việt Nam, mà 4 tác giả trên là đại diện, cùng ảnh của một số phóng viên chiến trường khác, đã trở thành tiêu điểm của festival lần này. Toàn liên hoan có 10 phòng triển lãm ảnh, riêng ảnh chiến tranh Việt Nam được trang trọng dành riêng 1 phòng với chủ đề Ceux du Nord (Những người phía Bắc). Đây chính là “cái nhìn khác về chiến tranh”-những câu chuyện kể bằng ảnh của chính những người trong cuộc chiến, mà đến nay đa phần khán giả và cả các phóng viên nhiếp ảnh phương Tây mới thấy. Chính vì lý do đó, các tác giả và tác phẩm ảnh Việt Nam có mặt đã tạo ra sự cuốn hút đặc biệt. Trong cuốn sách ảnh chung giới thiệu về liên hoan lần này, trang trọng ngay những trang đầu tiên là ảnh của 4 NSNA: Mai Nam, Chu Chí Thành, Đoàn Công Tính, Hứa Kiểm. Một bộ sách ảnh riêng về chiến tranh VN đầy đặn gần 200 ảnh, chọn lựa khoảng 20 bức của mỗi tác giả trên và ảnh của khoảng hơn chục phóng viên chiến trường Việt Nam khác được phát hành tại festival cũng đem đến cho khán giả và đồng nghiệp phương Tây “một cái nhìn khác’ về chiến tranh Việt Nam-từ góc độ người xem, rất lạ so với những bức ảnh do phóng viên phương Tây thực hiện mà họ đã thấy nhiều và từ trước đây rất lâu. Bộ sách ảnh này được khán giả kiên trì xếp hàng dài mua và xin chữ ký của các tác giả có mặt. Sách bán chạy đến mức nhiều lúc ban tổ chức không kịp chuyển đến, lập nên kỷ lục về số lượng và tốc độ trong tất cả các festival trước đây. “Một cái nhìn khác về chiến tranh Việt Nam” đã gặp sự đồng điệu ở cả người xem và người chụp ảnh. Ảnh chiến tranh Việt Nam còn cuốn hút đông đảo khán giả xem ảnh chiếu trên màn ảnh rộng. Ông Đoàn Công Tính kể, có những buổi tối có tới hơn 2000 khán giả ngồi kín ghế ở sân chiếu ngoài trời, òa rộ lên và chụp lại rào rào khi những khuôn ảnh của các phóng viên Việt Nam được chiếu trên màn hình. Các NSNA Việt Nam đã rất xúc động, đứng lặng và cảm thấy vinh dự vô cùng khi hàng ngàn người vẫy tay chào, cùng hô vang “Việt Nam, Việt Nam” dài tới vài phút.
Đương nhiên, ảnh chiến tranh Việt Nam càng cuốn hút sự quan tâm của giới thông tấn báo chí, của các phóng viên nhiếp ảnh quốc tế. Có tới vài chục tờ báo, hãng tin, đài truyền hình đưa tin, viết bài riêng về mảng đề tài ảnh chiến tranh Việt Nam, và phát liên tục, trong đó có những “tên tuổi” lớn như Le Monde, New York Times… Ngoài những nhận xét chuyên nghiệp, “mổ xẻ” chất báo chí trong ảnh chiến tranh Việt Nam bằng những lời ngợi khen, các bài viết còn dành tình cảm đặc biệt cho các tác giả-phóng viên chiến trường, cũng chính là tình cảm đẹp đẽ dành cho đất nước và con người Việt Nam đã trải qua chiến tranh bằng sự can trường, tự tin, như: "Ảnh lịch sử Việt Nam, lời kể của người chiến thắng” (Bài viết của New York Times).
Ngạc nhiên, thán phục
Phóng viên ảnh huyền thoại người Anh, nổi tiếng thế giới, Đon Mác Cun-lin (Don Mc Cullin), dù đã 80 tuổi nhưng vẫn bay tới Péc-pi-nhăng. NSNA Đoàn Công Tính kể, Đon Mác Cun-lin đã rất xúc động khi gặp các phóng viên chiến trường Việt Nam, có người bằng tuổi ông, có người kém ông 7-8 tuổi. Ông nói chuyện nhiều, nhẹ nhàng và tình cảm, chia sẻ với các đồng nghiệp về chuyện tác nghiệp ảnh chiến tranh Việt Nam, tỏ ra thán phục và rất khen ngợi khả năng nắm bắt, xử lý, thể hiện sự thật trong ảnh nơi các đồng nghiệp Việt Nam. Là người đã đi qua nhiều điểm nóng, khủng hoảng, dịch bệnh trên thế giới và đặc biệt là chiến tranh Việt Nam, từng đoạt hai giải ảnh báo chí quốc tế và nhiều giải thưởng khác, có rất nhiều sách ảnh nổi tiếng, ông thẳng thắn: “Tôi không dự triển lãm, đã quá mệt mỏi vì sự vây quanh của báo chí và công chúng, cũng không cần thêm vòng nguyệt quế nào nữa. Ở đây chỉ một ngày, được gặp mặt và trao đổi chuyện nghề với các phóng viên chiến trường Việt Nam, được xem những bức ảnh của họ, đã là đủ sung sướng và thỏa lòng”.
Đoàn phóng viên chiến trường Việt Nam tham dự festival đã phải rất bận rộn giới thiệu và trả lời nhiều câu hỏi của khán giả và đặc biệt là của các đồng nghiệp về từng bức ảnh, từng bối cảnh, từng vấn đề mà họ quan tâm. Có những vị khách quay đi, trở lại triển lãm tới lần thứ ba, vì sợ rằng mình còn bỏ sót gì đấy. Trong hàng trăm ngàn khán giả có mặt tại festival lần này, ban tổ chức ước chừng có tới hàng chục ngàn khán giả đã tìm đến phòng triển lãm ảnh Việt Nam, nhiều người nói họ “tới phòng Việt Nam đầu tiên”, có lẽ lý do đầu tiên là vì… tò mò. Thế rồi, hầu hết đều tỏ ra bất ngờ, ngạc nhiên đến mức xuýt xoa thán phục. Vốn quen xem ảnh, biết về sự trang bị đồ nghề “ngon tới tận răng” của phóng viên phương Tây, giờ này họ mới hiểu những phóng viên chiến trường Việt Nam phải làm việc trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, trang thiết bị hạn chế, có thể hy sinh bất kỳ lúc nào như những người lính xông trận. Trong ba lô của những phóng viên ảnh chiến trường Việt Nam luôn có sẵn “di chúc”: Nếu tôi hy sinh, xin gửi những cuốn phim này về… Và dù thế, những câu chuyện kể bằng ảnh ấy rất chân thực, đậm chất báo chí, đạt chất lượng cao, đầy ấn tượng. Rất nhiều khán giả có chung những câu hỏi: Sao trong ảnh chiến tranh Việt Nam có nhiều phụ nữ vậy? Trong khói lửa đạn bom sao vẫn bình thản rạng cười? Xin thưa, chính cuộc kháng chiến chính nghĩa chống Mỹ, cứu nước-cuộc chiến tranh nhân dân oanh liệt của người Việt Nam-đã là “chất liệu” tuyệt vời để cho những người chiến sĩ cầm máy thỏa sức ghi vào khuôn hình dáng vẻ tự tin, can trường, bình tĩnh của “những người trong ảnh”, dù là giữa những khung cảnh khốc liệt nhất, làm nên những bức ảnh chiến tranh mang chất hùng tráng, nhân văn, lưu dấu mãi.
Xem ảnh của phóng viên chiến trường Việt Nam, nhiều khán giả đã chọn những bức ưng ý và đặt "mua” (ảnh rời in thêm) từ ban tổ chức. NSNA Đoàn Công Tính nhận xét, ban tổ chức và những người chọn lựa ảnh của các phóng viên chiến trường Việt Nam lần này đã tỏ ra rất “nghề”, rất am tường khi cho ra mắt những tấm ảnh khác lạ, độc đáo-theo cái nhìn và sự đánh giá của người phương Tây. Có nhiều ảnh của ông và các tác giả khác, khi ở trong nước không được chú ý nhiều nhưng lại được “soi” rất kỹ và rất thích tại đây. Cử tọa đã rất thích, trầm trồ khen ngợi những bức ảnh về các nữ pháo binh Quảng Bình, bắn máy bay Mỹ ở Hàm Rồng, trẻ em đội mũ rơm đi học, học trước cửa hầm tránh bom, bộ đội khôi phục đường dẫn điện sau giải phóng Huế, trao trả tù binh bên bờ Thạch Hãn… Giăng Pha-biêng đơ Xen-nơ (Jean Fabien de Selve)-một nhiếp ảnh gia người Pháp nổi tiếng, trong nhóm Ma Phrăng-xơ Phô-tô, “ma FRANCE PHOTO”-"Nước Pháp trong ảnh”, đã “mua” bức “Vượt thác băng ghềnh” của Đoàn Công Tính chụp năm 1970 ở Trường Sơn…
Nói chung, qua liên hoan lần này, giới phóng viên ảnh thế giới được thưởng lãm ảnh chiến tranh Việt Nam đã có sự đánh giá cao, thậm chí rất thán phục khả năng làm nghề của phóng viên chiến trường Việt Nam. Trong các cuộc hội thảo nghề nghiệp, bằng những kinh nghiệm thực tế, các phóng viên Việt Nam đã trao đổi nhiều vấn đề về ảnh chiến tranh. Đồng nghiệp phương Tây tỏ ra rất khâm phục khả năng tác nghiệp thật giỏi trong những điều kiện làm nghề cực kỳ ngặt nghèo, cho ra những tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc. Nữ phóng viên Xăng-đrin La-na (Sandrine Lana) của tờ Lesoir (Bỉ) đã chân thành bày tỏ: “Các ông đã cho chúng tôi những bài học quý giá mà không trường lớp nào có được. Đây sẽ là sự trang bị lợi hại khi chúng tôi tới các điểm nóng hiện nay trên thế giới”.
Trở lại câu chuyện của Đon Mác Cun-lin với các NSNA Việt Nam. Ông đã nhờ các phóng viên “tìm người trong ảnh” của bức ảnh chụp tại Huế, dịp Mậu Thân. Đó là ảnh ông chụp một chiến sĩ Quân giải phóng hy sinh. Lục trong tư trang người lính, ông đã thấy tấm ảnh một thiếu nữ và một số vật dụng cá nhân. Gần nửa thế kỷ đã qua, Mác Cun-lin vẫn giữ những kỷ vật ấy và luôn mong có ngày có thể gửi lại cho thân nhân người lính. Ông tin rằng, thiếu nữ trong ảnh chính là người yêu của anh bộ đội. Lúc ấy, khi dựng chụp bức ảnh, dù đã là phóng viên chiến trường dày dạn, ông đã xúc động và hiểu đúng về những người lính cộng sản và cuộc chiến tranh mà họ buộc phải tiến hành. Sau này, nỗi ám ảnh về chiến tranh ngày càng bám chặt nặng nề trong ông, thậm chí ông đã viết một cuốn sách tựa đề “Ngủ với ma”. Đon Mác Cun-lin nói, chiến tranh Việt Nam đã cho ông quá nhiều vinh quang nghề nghiệp, ông đã “lấy” đi quá nhiều của Việt Nam để được nổi tiếng. Ông mừng là mình còn sống sau khi những người lính cộng sản đã không dưới vài lần chĩa súng nhưng không bắn vì thấy ông cầm máy ảnh. Ông mang ơn Việt Nam.
Bài và ảnh: THƯ NAM