Tháng 4-2023, tôi có dịp trở lại Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 và được gặp, trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Thủy (nay là Đại tá), Lữ đoàn trưởng. Đi trên những con đường gợi lên bao chiến công đầy tự hào của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn, như: Đường Kíp xe 377, đường Kíp xe 021, đường Đoàn Sinh Hưởng, đường Nguyễn Đức Tâm... Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thủy giới thiệu: Đặt tên các con đường như thế, cùng với khuôn viên, vườn hoa, cây cảnh, những ngôi nhà nấm “Thư viện xanh” để bộ đội đọc sách và sinh hoạt là sáng kiến của Đoàn Thanh niên cơ sở Lữ đoàn. Qua các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống, niềm tự hào cho bộ đội, góp phần tạo động lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn.

Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 đã được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và có 7 tập thể đại đội, kíp xe cùng 4 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Truyền thống, thành tích đặc biệt xuất sắc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn được gây dựng không chỉ trong chiến đấu mà còn trên mặt trận xây dựng địa bàn, củng cố hệ thống chính trị và đấu tranh chống các thế lực phản động, thù địch...

leftcenterrightdel

Bộ đội Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 giúp dân làm đường dẫn nước sạch về xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, tháng 7-2018.

Ngược trở về những năm đầu kể từ sau Ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), Lữ đoàn được lệnh bàn giao các mục tiêu chiếm giữ tại Sài Gòn-Gia Định cho đơn vị bạn, rồi hành quân về đóng quân tại căn cứ Phú Lợi, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương).

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, năm 1975 là Thiếu úy, Đại đội trưởng Đại đội 9, Trung đoàn Xe tăng 273 (tháng 9-1975 phát triển thành Lữ đoàn Xe tăng 273), kể: “Tại căn cứ Phú Lợi, chúng tôi vừa ổn định đội hình vừa sẵn sàng chiến đấu, trấn áp tàn quân ngụy ngoan cố và bọn phản cách mạng, bảo vệ mục tiêu được phân công.

Chúng tôi còn được giao tham gia làm công tác vận động quần chúng, xây dựng chính quyền cách mạng ở huyện Tân Uyên (nay là TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Lúc này, trên địa bàn mới giải phóng, người dân còn dè dặt với chính quyền mới, trong khi đó, bọn phản động, tàn quân lợi dụng để gây rối, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, thậm chí có nơi chúng còn giả danh ủy ban cách mạng để lừa gạt, gây mất niềm tin của người dân với cách mạng. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là tuyên truyền, vận động bằng những việc làm thực tế vì dân để giúp bà con hiểu về cách mạng, ủng hộ cách mạng, góp phần ổn định tư tưởng, đời sống”...

Bấy giờ, Lữ đoàn thành lập đội công tác khoảng 20 đồng chí, gồm các cán bộ là chính trị viên phó tiểu đoàn, đại đội, cùng những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm làm công tác vận động quần chúng, do đồng chí Đỗ Đức Nghị, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Xe tăng 273 phụ trách. Đội công tác phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10) trong các hoạt động, thực hiện tốt phương châm bám dân, bám cơ sở, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cán bộ, nhân dân địa phương.

“Lúc đầu, đội công tác đến với dân cũng gặp không ít khó khăn do chưa hiểu hết về phong tục, tập quán, nhiều người khi thấy bộ đội đến, họ lẩn trốn hoặc tiếp xúc mang tính thăm dò... Đội công tác chia nhau thành từng tổ, nhóm, đến từng nhà thăm hỏi, giải thích chủ trương, chính sách của Đảng, của ủy ban cách mạng; giúp dân trở về nơi cư trú và ổn định đời sống. Chỉ trong thời gian ngắn, bộ đội được người dân tin yêu; những gia đình có con em, người thân đi lính, làm việc cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn thì vận động họ ra trình diện, được hưởng khoan hồng, tự giác cải tạo tốt để sớm trở lại xây dựng chế độ mới...”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 làm đường giao thông ở làng Hnáp, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, tháng 8-2020. Ảnh: ĐINH HUYỀN LƯU

Ngày 25-4-1976 là ngày cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất. Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, Lữ đoàn Xe tăng 273 được trên giao nhiệm vụ cử đội công tác đến các huyện: Tân Uyên, Châu Thành (nay thuộc TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để tuyên truyền, vận động bầu cử. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã tổ chức tuyên truyền tới hơn 2.000 lượt người dân về ý nghĩa, chính sách bầu cử của Nhà nước ta; về quyền hạn, nghĩa vụ, vinh dự, trách nhiệm của công dân tham gia bầu cử. Đội công tác của Lữ đoàn còn tham gia giúp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử.

Tháng 6-1976, Lữ đoàn Xe tăng 273 được lệnh hành quân di chuyển về nơi đóng quân mới tại thị xã Phan Rang (nay là TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Đến địa bàn mới, Lữ đoàn triển khai củng cố tổ chức, lực lượng, bố trí nơi ăn ở, đồng thời tham gia làm công tác dân vận, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, bởi đây là vùng còn tàn quân ngụy và các nhóm FULRO lén lút hoạt động.

Từ thực tiễn kinh nghiệm dân vận ở Tân Uyên, Lữ đoàn thành lập đội công tác do đồng chí Nguyễn Tiến Thưởng, Trợ lý Tuyên huấn thuộc Phòng Chính trị Lữ đoàn phụ trách, đến xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) làm công tác dân vận, giúp chính quyền xã xây dựng phong trào cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đội công tác tham gia giúp địa phương nắm bắt tình hình, quản lý nhân khẩu, cùng dân quân xã tuần tra các thôn, ấp, vận động người dân cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu; khai báo, tố giác những đối tượng FULRO đang ẩn nấp. Cán bộ, chiến sĩ đội công tác còn tham gia làm đường giao thông, xây cầu, xây trạm xá... được chính quyền và nhân dân đánh giá cao.  

“Năm 1978, tôi được cử tham gia đoàn đại biểu của nước ta dự Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 11 tổ chức ở La Habana (Cuba). Sau đó, năm 1979, tôi được cử đi đào tạo ở Học viện Xe tăng Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp trở về nước, năm 1984, tôi được bổ nhiệm Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Xe tăng 273; năm 1986 là Lữ đoàn trưởng. Năm 1987, cùng với đội hình Quân đoàn 3, tôi chỉ huy đơn vị hành quân trở lại Tây Nguyên...”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho biết.

Lữ đoàn Xe tăng 273 ra đời trên vùng đất Tây Nguyên, sau gần 15 năm, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn hành quân trở lại chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên, bước vào thời kỳ mới. Tiếp nối truyền thống của Mặt trận Tây Nguyên và Quân đoàn 3, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn một mặt tổ chức củng cố, ổn định đơn vị, một mặt tổ chức hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, làm công tác dân vận, giúp dân, xây dựng địa bàn an toàn, “thế trận lòng dân” vững chắc.

Như để chứng minh cho điều đó, Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thủy thông tin: “Từ khi trở lại Tây Nguyên, hằng năm, Lữ đoàn đều tổ chức hội nghị quân dân, xây dựng quy chế làm việc, thống nhất quan điểm giải quyết công việc, xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Lữ đoàn thường xuyên tổ chức các đội công tác đến các địa phương, bản, làng vùng sâu, vùng xa tuyên truyền, vận động đồng bào, các hộ dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hằng năm, vào giữa các giai đoạn huấn luyện hoặc dịp cuối năm, Lữ đoàn tổ chức cho bộ đội hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận. Hơn 20 năm qua, kể từ năm 2001, Lữ đoàn đã cử hàng chục đội công tác, huy động hàng nghìn ngày công làm đường giao thông, tham gia Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” tại các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ và thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai. Đến nay, các cơ quan, đơn vị của Lữ đoàn đã tổ chức kết nghĩa với 18 xã, bản, trường học trên địa bàn, cùng phối hợp nắm tình hình, chia sẻ kinh nghiệm công tác.

Lữ đoàn còn tổ chức Phong trào “Hè tình nguyện” tới các bản, làng; giúp đỡ, tặng hàng trăm suất quà tới các gia đình chính sách, người có công, người nghèo trên địa bàn đóng quân. Nhờ đó, Lữ đoàn là một trong những đơn vị tiêu biểu trong thực hiện Phong trào “Dân vận khéo” của Quân đoàn 3 và tỉnh Gia Lai...”.

DƯƠNG HÀ