Sáng lập đội quân cách mạng

Với tinh thần độc lập, tự chủ, Hồ Chí Minh cho rằng sự nghiệp giải phóng phải là sự nghiệp tự giải phóng, không thể trông chờ vào lực lượng bên ngoài. Do đó, “muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự” với vai trò nòng cốt của quân đội chính quy, bộ đội chủ lực. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đúc rút ra cách thức thành lập quân chủ lực như sau: Trước hết, phải thành lập các tổ chức chính trị của quần chúng và chọn lọc từ đó những người xuất sắc nhất để thành lập các đội tự vệ, du kích; sau đó, từ các tổ chức này mà chọn lọc số cán bộ, đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.

Thực hiện chỉ thị của Người, tháng 10-1941, đội du kích vũ trang đầu tiên của Cao Bằng đã được thành lập, do đồng chí Lê Quảng Ba làm Đội trưởng, đồng chí Lê Thiết Hùng làm Chính trị viên. Chính Người đã soạn thảo 10 điều kỷ luật và Chiến thuật cơ bản của du kích để các đội viên học tập. Cuối tháng 9-1944, trở về Cao Bằng sau thời gian bị giam cầm bên Trung Quốc, Người lập tức quan tâm đến hoạt động quân sự của Đảng. Khi nghe báo cáo về chủ trương khởi nghĩa vũ trang của Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng, Người đã ra lệnh hoãn khởi nghĩa vì thời cơ chưa chín muồi. Người chỉ rõ: Thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới... Cuộc đấu tranh bây giờ phải là từ hình thức chính trị tiến lên quân sự... Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại quá phân tán. Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Người giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Giải phóng quân cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sau khi suy ngẫm, Người đề nghị thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên của Đội với mục đích nhấn mạnh vai trò của chính trị trong hoạt động vũ trang cách mạng.

Thực hiện chỉ đạo của Người, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tập trung các chiến sĩ được chọn về rừng Trần Hưng Đạo (nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, nay là hai xã Tam Kim và Hoa Thám của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) để chuẩn bị tổ chức lễ thành lập Đội vào ngày 22-12-1944. Một ngày trước đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhận được Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với những chỉ dẫn quan trọng. Bản chỉ thị ngắn gọn ấy mang tầm vóc một cương lĩnh quân sự cách mạng, góp phần tạo ra sức mạnh Phù Đổng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Không chỉ là người sáng lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh còn rèn luyện quân đội cách mạng theo những phương cách, phương châm khoa học. Thiếu vũ khí là đặc điểm của mọi phong trào kháng Pháp ở Việt Nam. Hồ Chí Minh đề ra phương châm “người trước, súng sau”, phát huy cao độ nhân tố con người. Người chỉ dẫn, trước hết, phải vận động quần chúng, “phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện vác súng thì mới thắng được”.

Người đặc biệt chú trọng việc nâng cao sức mạnh tinh thần cho Quân đội vì người lính mà thiếu tinh thần chiến đấu thì trong tay họ, “đại bác chỉ là một cục sắt”. Cần phát huy vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với Quân đội và nuôi dưỡng trong mỗi người lính tinh thần “trung với Đảng, hiếu với dân”. Cũng cần phát huy sức mạnh đoàn kết, tình đồng đội cao cả. Hồ Chí Minh từng nói: “Hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”. Trong cuộc sống, ở đâu cũng có tình bạn đẹp nhưng giữa sự sống-cái chết, trong muôn vàn thiếu thốn, gian khổ thì tình đồng đội thiêng liêng hơn tất cả. Đặc biệt, người chỉ huy phải gần gũi, yêu thương chiến sĩ bởi: “Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị, mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành”. Người yêu cầu: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”.

Để tăng cường sức mạnh Quân đội, cần củng cố quan hệ quân dân. Muốn dựa vào dân, được dân yêu thương, đùm bọc, che chở thì bộ đội phải kính trọng, giúp đỡ và bảo vệ nhân dân. Với bộ đội, Người nhắc nhở: Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Với nhân dân, Người căn dặn phải hết lòng yêu thương, đùm bọc bộ đội vì đó là những người “ăn gió, nằm sương”, chấp nhận hứng chịu “mưa bom, bão đạn”, chấp nhận “hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mệnh” để giết giặc cứu nước, bảo vệ đồng bào. Người đúc kết: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Quân dân đoàn kết, là đường thành công”.

Là một nhà duy vật mác-xít, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, để tăng cường sức mạnh thì Quân đội phải tiến dần lên chính quy và hiện đại. Người huấn thị: “Quân đội ta phải tiến đến chính quy và hiện đại hóa để bảo vệ công cuộc xây dựng miền Bắc vững mạnh và làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”. Người căn dặn Quân đội “phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng”. Thượng tướng Đàm Quang Trung (1921-1995) kể lại, trước khi ông lên đường vào Nam, Bác đã nói với ông về nhân cách của một người làm tướng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đức “nhân”. Người giải thích: “Nhân tướng là người tướng hiểu con người, biết yêu quý con người, biết dùng con người và được mọi người yêu quý. Chỉ có những người tướng như thế mới trăm trận trăm thắng được” .

leftcenterrightdel
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Ảnh tư liệu

Tình yêu vô hạn với bộ đội

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Trong cuộc chiến tranh nhân dân, mọi người đều phải hy sinh nhưng sự hy sinh của người lính là lớn nhất vì cái họ hiến dâng cho Tổ quốc là sinh mệnh, máu xương, tuổi trẻ. Người đã nói rất cảm động về sự hy sinh này: “...Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”...

Lãnh đạo Quân đội trong điều kiện nhà nước cách mạng vừa ra đời, bộ đội còn phải ăn đói, mặc rách nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm cách “nhường cơm sẻ áo” với bộ đội. Năm 1946, khi phát động Phong trào “Mùa đông binh sĩ”, Người đã đem cái áo len duy nhất của mình làm vật đấu giá để lấy tiền gây quỹ may áo trấn thủ cho bộ đội. Để đền đáp công ơn của các liệt sĩ, từ tháng 11-1946, Người đã ra Thông báo về việc nhận con của các liệt sĩ làm con nuôi và năm 1947 đã chỉ đạo thành lập Bộ Thương binh-Cựu binh. Khi bộ đội tấn công Điện Biên Phủ, Người đã gửi 5 lá thư để động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Con người ấy đã sống một cuộc đời cần-kiệm, đã đi một đôi dép cao su suốt 22 năm trường nhưng đã bỏ toàn bộ tiền tiết kiệm cá nhân để mua nước cho bộ đội trực chiến trên các mâm pháo thời chống Mỹ, cứu nước. Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng, Chính phủ phải chăm lo và đào tạo những người lính trẻ trở về sau chiến tranh trở thành đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Yêu thương chiến sĩ nên vào những thời khắc thiêng liêng, Người đều nhớ về họ. Cái Tết cuối cùng của Người-Tết Kỷ Dậu 1969, sáng Mồng Một Tết, Người đến chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không-Không quân. Vào dịp sinh nhật cuối cùng của Người, ngày 11-5-1969, Người đến dự Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân. Ngày 31-8-1969, Người đã gửi lẵng hoa tặng bộ đội Sư đoàn 361 vì thành tích bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 30-8-1969...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rèn luyện Quân đội theo những quan điểm khoa học, cách mạng, nhân văn và dành cho Quân đội tình yêu vô hạn. Vì thế, chỉ từ 34 chiến sĩ của Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, sau 9 năm 4 tháng 15 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một Quân đội đủ sức làm cho một cường quốc quân sự là Pháp phải “lấm lưng, trắng bụng”. Quân đội đó cũng làm cho siêu cường quân sự là Mỹ phải nếm mùi thất bại. Các nước trên thế giới thừa nhận, Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân được huấn luyện tốt, rất thiện chiến và kỷ luật cao.

Với tất cả những điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là Người cha thân yêu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và mỗi người lính của Người đều vô cùng tự hào vì được mang danh là Bộ đội Cụ Hồ.

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT