Mẹ ra Hà Nội

Mẹ ra Hà Nội thăm con

Vừa trên tàu xuống chân còn run run

Áo nâu còn thẫm mưa phùn

Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non

Sang đường tay níu áo con

Ngã tư hối hả xe bon ngược chiều

Khoác vai mẹ, chiếc đãy nghèo

Năm xưa thắt lại bao điều đắng cay

Đưa em trốn ngục những ngày

Vài lưng gạo hẩm thăm thầy trong lao…

Đã từng mở giữa trời sao

Nắm cơm tiếp vận tay trao giữa đèo

Củ khoai bẻ nửa nắng chiều

Bờ mương thoai thoải dài theo công trường

Đưa con đánh Mỹ lên đường

Nắm cơm mẹ gói tình thương quê nhà

Bà ra bế cháu của bà

Những mong cùng ước lòng già hôm mai

Lên thang chẳng dám bước dài

Vào khu tập thể gặp ai cũng chào

Lời bà ru thuộc thuở nào

Qua bom đạn vẫn ngọt ngào nắng trưa

Để hồn cháu có núi Nưa

Tiếng cồng bà Triệu ngày xưa vọng về

Lam Sơn rừng núi ba bề

Lũng Nhai vang mãi lời thề núi sông…

Mới xa đã nhớ ruộng đồng

Thương con mà chẳng đành lòng ở lâu

Run run mẹ bước lên tàu

Vị bùn vẫn thoảng áo nâu quê nhà.

                               Tháng 1-1975

LÊ ĐÌNH CÁNH (Tuyển tập thơ Việt Nam giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Nxb Hội Nhà văn, 1999

QĐND - Một trong những truyền thống gia đình tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam là trách nhiệm, tình cảm của người mẹ, người bà đối với con, với cháu. Ðây là đề tài phong phú của thi ca chúng ta từ xưa đến nay. Lê Ðình Cánh là một trong những nhà thơ có nhiều bài viết thành công về mảng đề tài này, “Mẹ ra Hà Nội” là một ví dụ điển hình.

Nhà thơ Lê Ðình Cánh sinh năm 1941 tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Năm 1965, ông tốt nghiệp khoa Lý, Trường Đại học Sư phạm, tham gia mở đường Trường Sơn và dạy bổ túc văn hóa cho các chiến sĩ mở đường, vận tải. Từ năm 1969, ông về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Nhà xuất bản Thanh Niên. Ông có sở trường sáng tác theo các thể thơ truyền thống, nhất là thể thơ lục bát, ông coi đó là “thể thơ xương sống” của thơ Việt Nam.

Minh họa: Lê Hải.


Mặc dù trong dân gian có quan niệm “xuất giá tòng phu” (lấy chồng thì theo chồng), nhưng con gái cũng như con trai, khi sinh con thì chỗ dựa đầu tiên các bậc bố mẹ trẻ nghĩ tới là bà nội và bà ngoại. Ở nước ta, trong một giai đoạn khá dài chưa có khái niệm người giúp việc mà thường gọi là Ô-sin như ngày nay. Vậy nên những đôi vợ chồng trẻ khi sinh con là nghĩ ngay đến bà nội, bà ngoại. Có những bà mẹ nhiều con, nên quanh năm suốt tháng cứ di chuyển hết nơi này đến nơi nọ để trông cháu, đâu cần phân biệt nội ngoại, có khi lên tận miền núi hoặc hải đảo xa xôi. Bà mẹ trong bài thơ này từ vùng quê nông thôn Thanh Hóa ra trông cháu, không rõ là nội hay ngoại, ở thủ đô Hà Nội từ đầu năm 1975, trước ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng. Bài thơ bắt đầu bằng hình ảnh người mẹ run run từ tàu bước xuống được tác giả nhìn qua con mắt đầy thương cảm của người con (trai hoặc gái) ra đón mẹ tại sân ga. Đến sân ga, tức là đã vào thành phố, nhưng hình ảnh lam lũ của người mẹ nông thôn không hề thay đổi:

Áo nâu còn thẫm mưa phùn

Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non

Thì ra mẹ ra thăm con ở Hà Nội nhưng trang phục chẳng khác gì mấy so với khi đi làm đồng, vẫn là cánh áo nâu quen thuộc, lại thấm mưa phùn đầu năm nên trông sẫm màu hơn bình thường, hơn nữa chính tà áo nâu đó vẫn mang hơi bùn đất quê nhà. Từ quê ra phố, tất nhiên mẹ bỡ ngỡ vì người xe qua lại tấp nập, phải níu vào tay con mới qua đường được, không như ở quê nhà…

Hành trang của mẹ chỉ có cái đãy khoác vai. Với nhiều bạn trẻ, từ "đãy” có phần xa lạ. Ngày xưa, trước khi sinh ra ba lô và các loại túi du lịch… rất lâu, ở nước ta, nhất là ở các vùng nông thôn, "đãy” là thứ dùng để đựng hành lý, đồ đạc đi đường. Đó là một loại túi vải, thường là vải thô, nhuộm nâu chắc bền, chỉ có một quai để chủ nhân đeo vào một bên vai, không chỉ nông dân, mà ngay cả sĩ tử đi thi hay các ông đồ Nho đi xa dạy học cũng dùng… Trong bài thơ này, nhà thơ đã khéo léo nêu công dụng của chiếc đãy từ thời Pháp thuộc, qua thời kháng chiến đánh Pháp, những năm miền Bắc xây dựng hòa bình và thời kháng chiến chống Mỹ. Người đọc ai cũng hiểu được thế, nhưng tác giả chỉ dùng một hình ảnh tiêu biểu cho từng giai đoạn ấy: “đưa em trốn ngục”, “thăm thầy trong lao” - trước cách mạng; “nắm cơm tiếp vận”-thời kháng chiến chống Pháp, “Bờ mương thoai thoải dài theo công trường”-những năm hòa bình xây dựng miền Bắc và “đưa con đánh Mỹ lên đường”. Những chiếc đãy như chiếc đãy hôm nay mẹ mang ra Hà Nội thăm con đã góp công trong từng giai đoạn lịch sử ấy. Dùng vật để nói người vậy thôi, qua hình tượng những chiếc đãy này, bạn đọc hiểu được gia đình mẹ, một gia đình có công với cách mạng trước năm 1945, ông cụ thân sinh và người em từng bị tù đày vì hoạt động cách mạng. Và chính người mẹ đã theo suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như lao động xây dựng miền Bắc những năm hòa bình. Đó là chuyện của quá khứ, còn hôm nay:

Bà ra bế cháu của bà

Những mong cùng ước lòng già hôm mai

Chuyện bà đi trông cháu không có gì là lạ, nhưng cách sinh hoạt, thói quen khác nhau giữa nông thôn và thành phố có khi làm người ta ngỡ ngàng. Hai câu thơ trong bài thơ này được bạn đọc tâm đắc nhất, nhớ nhất… và có nhiều người thuộc lòng, dù không biết xuất xứ của nó:

Lên thang chẳng dám bước dài

Vào khu tập thể gặp ai cũng chào!

Thang ở đây là cầu thang của khu tập thể, chứ không phải thang máy. Nhân tiện xin cung cấp cho bạn đọc một số liệu: Trước năm 1975, toàn miền Bắc chưa có thang máy và ngôi nhà cao tầng nhất cũng chỉ đến năm tầng mà thôi! Ngay cái cầu thang ấy cũng đã làm bà mẹ ngỡ ngàng, chân bước rụt rè rồi, nhưng ý của câu thơ tập trung vào câu bát: “Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”! Với thói quen nông dân, gặp nhau trên đường làng hay trên cánh đồng, dù quen hay lạ, bao giờ cũng chào hỏi, chỉ trừ khi đang giận dỗi nhau. Bà mẹ đã đem thói quen tốt đẹp đó ra thành phố, làm nhiều người ngạc nhiên! Trong bài thơ “Nhà quê”, Vương Trọng có hai câu nói về sự trớ trêu của người nông thôn ra phố: "Cả tin và biết nhịn nhường/ Thường sinh những chuyện ẩm ương theo về”, như tính đon đả chào hỏi của bà mẹ trong bài thơ này, có khi làm nhiều người thành phố khó chịu!

Kể ra, đến đây, bài thơ cũng đã nói được nhiều điều rồi, nhưng nhà thơ Lê Ðình Cánh còn triển khai thêm ý mới, đó là từ lời bà ru cháu, để giới thiệu thêm lịch sử mấy ngàn năm của Thanh Hóa, quê hương của nhà thơ và cũng là của bà mẹ trong bài thơ này:

Để hồn cháu có núi Nưa

Tiếng cồng bà Triệu ngày xưa vọng về

Lam Sơn rừng núi ba bề

Lũng Nhai vang mãi lời thề núi sông…

Vì thương cháu, muốn giúp con mà bà ra Hà Nội, nhưng ở quê nhà bà còn bao việc ruộng đồng chờ đợi, là chưa nói lòng bà nhớ làng xóm, nhiều lúc chỉ muốn về quê. Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều bà mẹ đi theo con để trông cháu. Nhà thơ đã thông cảm với nỗi lòng của người bà, đã để cho bà trở về quê sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” trông cháu ở thành phố và bà lại ra ga:

Run run mẹ lại lên tàu

Vị bùn vẫn thoảng áo nâu quê nhà

Thế là một hành trình khép kín, không biết bà đã ở thành phố bao lâu, nhưng trang phục vẫn nâu sồng dân dã như ngày ra đi. Tôi tin rằng, khi viết hai câu thơ kết này, thế nào nhà thơ Lê Ðình Cánh cũng nhớ tới hai câu kết trong bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính:

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

Đó là đối với cô thôn nữ trước năm 1945, còn với bà già năm 1975 ra thành phố trông cháu thì thời gian không hề thay đổi được đức tính giản dị và trang phục chân quê.

Đọc Mẹ ra Hà Nội”, những người con, người cháu xuất thân từ nông thôn hiện đang sinh sống ở thành phố thấy được hình ảnh của mẹ mình, bà mình… và lòng lắng lại vì thương cảm, nghĩ tới câu thành ngữ "nước mắt chảy xuôi” có tự bao đời. Thơ hay là vậy, có khi độc giả không còn nghĩ về thơ, mà nghĩ về tâm trạng và số phận của con người mà bài thơ đã đề cập. Với bài thơ này, nhà thơ Lê Ðình Cánh đã làm được điều đó!

VƯƠNG TRỌNG