Năm 2020 được TP Hồ Chí Minh chọn thực hiện chủ đề “Đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Ngay những ngày đầu năm, thành phố đã công nhận xếp hạng 5 di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố và triển khai thẩm định, lập hồ sơ xếp hạng nhiều di tích khác, trong đó có cầu đường sắt Bình Lợi-một trong những cây cầu lâu đời nhất, đánh dấu bước phát triển giao thương, kinh tế của vùng đất Sài Gòn-Gia Định. Cây cầu này thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn-Nha Trang, được hoàn thành tháng 2-1902. Đây là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn (một bên cầu thuộc quận Bình Thạnh, bên kia thuộc quận Thủ Đức ngày nay), kết nối Sài Gòn với miền Đông, miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Theo tài liệu lưu trữ, cầu đường sắt Bình Lợi dài 276m, gồm 6 nhịp, với độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu, thuyền qua lại. Cầu có kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán ri vê; bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh có một tháp canh. Mặt cầu bằng gỗ tấm lớn và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn-Thủ Đức và Biên Hòa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, 97 tuổi, ngụ tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh), kể rằng: Ngày xưa, vùng đất này hoang sơ, sông Sài Gòn cũng rộng hơn bây giờ rất nhiều. Ở phía Bình Thạnh có đồng Ông Cộ (nay thuộc phường 12, quận Bình Thạnh), trước đây thuộc vùng sát cận trung tâm tỉnh Gia Định. Toàn thể khu vực rộng lớn này rất hiếm đường cái quan. Dân cư trong vùng sinh sống bằng nghề ruộng nương, đánh cá dọc theo sông Sài Gòn, giao thông thủy là chủ yếu. Những khoảng đất không được khai phá thì toàn là rừng chồi, cây lùm rậm rạp. Người dân cư trú thưa thớt, kinh tế khó khăn. Việc đi lại bằng đường bộ từ Sài Gòn về hướng đông phải xuống đường Nguyễn Văn Học (đường Nơ Trang Long ngày nay), qua ngã tư Bình Hòa, qua cầu Băng Ky, cầu Gò Dưa, Thủ Đức... Cho nên, sự ra đời của cầu đường sắt Bình Lợi đánh dấu bước phát triển vượt bậc về giao thông ở Sài Gòn những thập niên đầu thế kỷ 20.
Cầu đường sắt Bình Lợi ban đầu chỉ cho lưu thông một chiều. Bên này lưu thông thì bên kia phải đợi. Ở hai đầu cầu có gác chắn hướng dẫn giao thông. Khi có xe lửa chạy qua, hai bên đường bộ dừng lại cho tới khi xe lửa chạy qua hết. Cầu liên kết Sài Gòn với các vùng lân cận nhằm trao đổi những sản vật của các vùng, miền Nam Bộ. Đặc biệt, cầu có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của TP Hồ Chí Minh và của ngành đường sắt Việt Nam.
Trong đợt 2 của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, nhiều đơn vị bộ đội ta tiến công địch trong nội thành đã bí mật vượt qua cầu Bình Lợi. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Mai, nữ biệt động Sài Gòn, bắt đầu đợt 2, một đơn vị chủ lực phối hợp với lực lượng địa phương xuất phát từ khu Tam giác sắt, tiến qua khu vực Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) rồi vượt sông Sài Gòn (ở khu vực cầu Bình Lợi) để đột nhập vào khu vực kế cận Tiểu khu Gia Định và đồng Ông Cộ. Do ở đây địa thế khá trống trải nên khi ta tiến công, địch sử dụng cả không quân, trực thăng vũ trang và tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến phản kích dữ dội, buộc lực lượng của ta phải rút dần vào một xóm nhỏ bên cầu. Chúng phát lệnh giới nghiêm, kiểm soát chặt chẽ cầu Bình Lợi và lùng sục khắp vùng. Thế nhưng, nhờ sự che chở của nhân dân và sự hướng dẫn, đưa đường của giao liên, du kích, bộ đội ta đã thoát ra ngoài an toàn.
Trước đó, trong trận đảo chính tháng 11-1960, quân đảo chính do hai sĩ quan ngụy cầm đầu đã cho đặt thuốc nổ TNT phá hủy một nhịp chính của cầu đường sắt Bình Lợi phía bờ Bình Thạnh để ngăn quân tiếp viện từ Biên Hòa và Thủ Đức về ứng cứu cho Ngô Đình Diệm. Sau khi đảo chính thất bại, chính phủ Ngô Đình Diệm đã cho sửa lại cầu, thay thế nhịp cầu bị sập.
Do thời gian tồn tại hơn trăm năm, nên cầu đường sắt Bình Lợi đã xuống cấp, đặc biệt là từ khi cầu Bình Lợi mới được xây dựng thì cầu đường sắt Bình Lợi đã hết công năng. Nó được giữ lại như một chứng tích lịch sử, một giá trị văn hóa, kiến trúc cổ độc đáo và được bảo tồn nguyên trạng một phần, gồm hai nhịp cầu giáp bờ phía quận Thủ Đức, trong đó có một nhịp cầu quay và một tháp canh đầu cầu. Việc lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với công trình này nhằm bảo tồn, phát huy giá trị to lớn của cây cầu gắn với không gian sông nước, phục vụ du lịch và nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, việc bảo tồn và xếp hạng di tích cầu đường sắt Bình Lợi-cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn góp phần nâng cao giá trị của di tích trong các hoạt động phát triển chung của đô thị, thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2020 mà thành phố đã lựa chọn.
Bài và ảnh: CHÂU GIANG