Tàu đỗ ga Đa Phúc, khách lên xuống thưa thớt. Tôi nhìn đồng hồ, đã 1 giờ 15 phút, gần về sáng trời càng lạnh. Dừng ít phút, con tàu lại từ từ chuyển bánh rời sân ga. Ngồi trên tàu, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng kêu cứu thất thanh của một người đàn bà ở đâu đó như đang xoáy vào tận tâm can. Như một phản xạ, với tác phong của người lính, một quyết định dứt khoát, tôi bảo Ngọc: “Buộc chặt ba lô vào người”, và cứ thế mặc cho con tàu đang chạy, mặc cho mọi người can ngăn, bất chấp nguy hiểm, cả tôi và Ngọc đu người qua cửa sổ, nhảy xuống đất, ngược về phía người bị nạn.
Trước mặt chúng tôi là bà cụ khoảng 60 tuổi đang ôm ngang lưng cô gái độ mười chín, đôi mươi, đầu tóc rũ rượi, mặt mày tái mét, hai hàm răng nghiến vào nhau kèn kẹt. “Chắc bị cảm gió?”, tôi nghĩ vậy và hỏi bà cụ. Bà trả lời tôi bằng một câu gọn lỏn khiến tôi giật thót mình: “Không! Cháu nó trở dạ đẻ”. Biết xử lý thế nào bây giờ, mình là thanh niên (lúc đó tôi 25 tuổi), chẳng biết chút gì về chuyện này. Tôi và Ngọc đang loay hoay tìm cách để đưa cô gái vào bệnh viện gần nhất thì bà cụ lại hốt hoảng kêu lên: “Cháu nó bị vỡ ối rồi anh bộ đội ơi… Cứu con tôi với!”.
    |
 |
Tác giả (bên trái) và người bạn Nguyễn Xuân Ngọc, tháng 9-2018. Ảnh: NGÔ VĂN |
Mặc dù rất lúng túng, nhưng tôi và Ngọc vẫn cố ra vẻ bình tĩnh, cốt là để trấn an tinh thần nên bà cụ cũng phần nào yên tâm, hướng dẫn tôi một cách tỉ mỉ mọi công việc của một “bà đỡ”.
Một cuộc đỡ đẻ “bất đắc dĩ” diễn ra ngay sát gờ đá đường tàu: Tôi đóng vai “bác sĩ”, Ngọc là “hộ lý”, còn bà cụ làm “cố vấn”. Dụng cụ chỉ có một con dao găm, một lọ cồn với chiếc áo lót đông xuân và tăng võng, những thứ mà chúng tôi mang theo dọc đường.
- Là con gái cụ ơi! Tôi vội kêu lên.
Bà cụ lúc này đã thở phào như trút được gánh nặng. Phải nói là cô gái tương đối dễ đẻ nên chỉ trong giây lát, cháu bé đã nằm gọn trong lòng bàn tay của tôi. Theo hướng dẫn của bà cụ, tôi lấy chiếc áo lót đông xuân trong ba lô ra lau chùi sạch sẽ mặt, mũi, cơ thể cho cháu. Có một chi tiết không bao giờ quên, đó là trước khi cắt rốn cho cháu, bà cụ hỏi tôi: “Anh bộ đội có biết ken lòng lợn không?”, tôi trả lời: “Thưa cụ có ạ!”. Và cứ thế, theo chỉ dẫn của cụ, tôi dùng ngón trỏ và ngón giữa vuốt dồn nhẹ từ đầu rốn xuống bụng, cách ba tấc dùng sợi dây dù thắt chặt rồi dùng dao găm đã được sát trùng bằng cồn 90 độ để cắt rốn cho cháu.
Làm xong công việc thì đã 3 giờ sáng, chúng tôi đưa họ vào trong nhà ga cho đỡ lạnh. Tiếng khóc chào đời của cháu bé đã phá tan bầu không khí tĩnh mịch, căn phòng nhà ga lúc này bỗng trở nên ấm cúng lạ thường. Bà cụ vui vẻ, sôi nổi chuyện trò với chúng tôi. Đến lúc này, chúng tôi mới được biết về gốc tích của người đi đường. Đó là Lê Thị Hải Lý có chồng là bộ đội đóng ở sân bay Đà Nẵng. Lý là công nhân tại Xí nghiệp xây lắp 4 Bắc Thái (nay là tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên). Quê cô ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam). Mẹ cô lên cơ quan đón cô về quê nghỉ đẻ, nhưng cô lại trở dạ dọc đường…
Trời đã rạng sáng, chúng tôi chia tay họ để tiếp tục lên đường và không quên đến gặp trực tiếp các đồng chí phụ trách ga Đa Phúc nhờ trông nom chu đáo, và cũng chỉ kịp để lại dòng địa chỉ của mình. Vì nhỡ tàu nên tôi và Ngọc phải chạy bộ gần 3 cây số, từ ga Đa Phúc tới bến xe Phủ Lỗ để kịp tới nơi công tác.
Thời gian trôi đi. Khoảng hai tháng sau, tôi có nhận được thư của Lý. Bằng những tình cảm chân tình, lời lẽ mộc mạc, cô viết: …Trên trang giấy nhỏ hẹp này em làm sao nói hết được lòng biết ơn sâu nặng của em và gia đình đối với các anh, những người quân nhân cách mạng luôn nêu cao tấm gương đẹp đẽ, hình ảnh cao quý của anh Bộ đội Cụ Hồ. Mẹ con em vẫn được mạnh khỏe, bình an… Em đặt tên cho cháu là: Đặng Hồng Phúc (vì cháu được sinh ra ở tại ga Đa Phúc). Em mong muốn cháu Hồng Phúc được làm con nuôi các anh…
Sau này, do thay đổi đơn vị nên tôi mất liên lạc với Lý.
Binh nhất Nguyễn Xuân Ngọc sau đó thi đỗ vào Học viện Quân y, trở thành bác sĩ phục vụ quân đội cho đến khi về hưu. Còn tôi được điều về làm trợ lý tuyên huấn của Sư đoàn 337, rồi theo nghiệp người viết báo mặc áo lính cho đến hôm nay.
39 năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm ấy giờ đây chúng tôi vẫn lưu giữ trong lòng và luôn mong chờ như một lời nhắn nhủ tìm lại đứa con nuôi Hồng Phúc.
NGÔ VĂN HỌC