QĐND - Tháng 10-1970, tôi thi đậu vào Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội)... Một năm sau, năm 1971, cũng vào dịp thu, trong ngày “hội khoa” nhân Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Lịch sử (1956-1971), tình cờ tôi bắt gặp trên tấm pa-nô khổ lớn treo trang trọng nơi chính diện hội trường bức ảnh một người thanh niên trẻ đẹp với mái tóc bồng bềnh rất thi sĩ, cổ quấn hờ chiếc khăn rằn nom thật Nam Bộ. Thầy Nguyễn Văn Hồng bảo: “Thầy Ca Lê Hiến đấy! Thầy hy sinh đã hơn 3 năm!”. Giọng thầy như nghẹn lại, rồi im lặng gỡ cặp kính ra lau...
 |
Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân).
|
Về sau, trong suốt gần 5 năm học, tiếp đến là công việc của một người làm báo, viết báo, hình ảnh về một người thầy giáo trẻ cứ dần dần đẹp, dần nét trong tôi. Cho đến tận hôm nay, với tôi, thời sinh viên đã trôi qua gần nửa thế kỷ nghĩ lại vẫn thầm cảm ơn những năm tháng ấy-những năm tháng đã cho tôi đến với không chỉ có bốn “tứ trụ” của sử học Việt Nam đương đại: Lâm, Lê, Tấn, Vượng-những giáo sư, những nhà sử học hàng đầu: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, mà còn cho tôi đến với một người thầy, một nhà thơ, một nhà giáo anh hùng!
Các thầy giáo, những đồng nghiệp thuộc nhiều thế hệ của thầy Ca Lê Hiến công tác trong Khoa Lịch sử bấy giờ như: Đinh Xuân Lâm, Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Quốc Hùng, Hồ Gia Hường, Đỗ Quang Hưng… đã có nhiều dịp kể về thầy. Ấy là những dịp hội khoa, hội trường; trong những lần đi sơ tán bom Mỹ; trong những chuyến đi điền dã dân tộc học, khảo cổ học; đôi khi là những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ của sinh viên...
Thầy Ca Lê Hiến, bút danh Lê Anh Xuân, sinh ngày 5-6-1940 tại Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân sinh thầy là giáo sư Ca Văn Thỉnh, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, từng là Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội Việt Nam - một tên tuổi lớn nhưng thật gần gụi với thầy trò chúng tôi. Các thành viên trong gia đình thầy như: Nhạc sĩ Ca Lê Thuần, đạo diễn Ca Lê Hồng, họa sĩ Ca Lê Thắng... Theo ba mẹ tập kết ra Bắc, thầy học Trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng, rồi lên Hà Nội học Trường cấp 3 Nguyễn Trãi. Tốt nghiệp cấp 3, thầy Hiến thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trở thành sinh viên Khoa Lịch sử khóa 3 (1959-1962).
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi đó đóng tại địa điểm cũ của Trường Sư phạm miền núi, liền với chùa Láng (nay là địa điểm của Học viện Ngoại giao). Bấy giờ tất cả sinh viên-dù có nhà ở Hà Nội và một số đông các thầy giáo đều ở nội trú. Hồi đó, bậc đại học chỉ học có 3 năm, dẫu thời gian ngắn ngủi vậy, nhưng dường như cả thầy và trò trong khoa ai cũng biết Ca Lê Hiến. Chẳng cứ gì sinh viên trong khoa mà ngay đến cả sinh viên trường bạn cũng biết thầy. Như nhà thơ Phạm Tiến Duật, bấy giờ học bên Trường Đại học Sư phạm. Ông có bài thơ tặng Ca Lê Hiến, trong đó có câu: Đường về hai trường ta cũng gần thôi/ Chúng ta đi hai bên bờ sông Tô Lịch/ Nói chuyện sông Cà Lồ và làng Cổ Tích...
Giáo sư Vũ Dương Ninh có lần nói: “Nếu kể đến một người học trò cụ thể mà tôi nhớ nhất, đó là trường hợp Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân. Anh ấy học rất giỏi, thông minh và khiêm nhường”.
Giáo sư Đinh Xuân Lâm nhớ lại: “Ngay từ những ngày đầu năm học 1959-1960, tôi đã chú ý tới một sinh viên nét mặt thanh tú, nói năng nhẹ nhàng. Đó là Ca Lê Hiến. Sau đó ít lâu, tôi lại được biết anh là con trai cụ Ca Văn Thỉnh, Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội, một vị trí thức có tên tuổi mà tôi đã nhiều lần được tiếp xúc và vô cùng cảm phục. Năm 1962, khi tôi công bố bài “Trung nghĩa ca” của Đoàn Hữu Trưng, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Dương Xuân năm 1866 ở Huế chống lại Tự Đức chủ hòa với thực dân Pháp, cụ Ca Văn Thỉnh đã vui lòng viết lời tựa cho cuốn sách, sau đó tôi đã được vinh dự viết chung với cụ cuốn: “Sài Gòn từ nguồn gốc tới 1945” do Nhà xuất bản Ngoại văn phát hành năm 1975...”.
 |
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh (thứ hai, từ trái sang) chúc mừng Ca Lê Hiến trong Lễ trao giải cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ, năm 1961. Ảnh tư liệu.
|
Tới cuối năm thứ ba, năm cuối cùng của khóa học, Giáo sư Đinh Xuân Lâm được phân công hướng dẫn Ca Lê Hiến làm luận văn tốt nghiệp, nội dung: “Thái độ của sĩ phu yêu nước Nam Kỳ trong những ngày đầu chống Pháp (1859-1873)”. Giáo sư Lâm nhớ lại: “Ngay từ việc chọn đề tài và sau đó qua nội dung luận văn, tôi nhận thấy rõ tình yêu quê hương, sự gắn bó ruột thịt, đồng thời cũng là một niềm tự hào mạnh mẽ của người sinh viên còn rất trẻ đối với miền Nam”.
Theo cố PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế, cựu sinh viên khóa 15, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), thì luận văn này được Ca Lê Hiến hoàn thành vào ngày 15-5-1962 hiện được lưu trữ tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội mang ký hiệu KL-CN 0015... và vẫn “còn tươi nguyên nét bút máy của anh và dòng nhận xét (bằng bút chì đỏ) của thầy Đinh Xuân Lâm”!
Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử (tháng 6-1962), Ca Lê Hiến được giữ lại làm giảng viên Bộ môn Lịch sử thế giới, chuyên nghiên cứu về lịch sử văn hóa Hy Lạp, La Mã, rồi được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài... Nhưng với người thầy giáo trẻ quê miền Nam Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân vẫn đêm ngày đau đáu:
Quê hương đang nước sôi lửa bỏng
Lẽ nào ta lại sống bình yên!
Không thể sống bình yên, Ca Lê Hiến đã từ chối đi du học, đi làm tiến sĩ... Và ông đến với thơ và theo tiếng gọi của quê hương về Nam chiến đấu.
Bài thơ “Nhớ mưa quê hương” của ông đã đoạt giải nhì cuộc thi thơ (1960-1961) - cùng với bài “Quê hương” của Giang Nam, do Tạp chí Văn nghệ (tuần báo Văn nghệ hiện nay) tổ chức. Và tiếng gọi từ quê hương, từ chiến trường đã thôi thúc người thầy giáo-nhà thơ cùng bộ đội, cùng nhiều đồng nghiệp “xẻ dọc Trường Sơn” lên đường như câu thơ sau này ông viết khi đã về được Bến Tre quê nhà và Sài Gòn “cái vầng sáng bồi hồi thương nhớ” cũng đang ở rất gần:
Cái vầng sáng bồi hồi thương nhớ ấy
Cứ đêm đêm lại thôi thúc gọi ta về
Giống như tập thơ “Tiếng gà gáy”, tập thơ chủ yếu viết về miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội với những cảm xúc say sưa, ngỡ ngàng trước cuộc sống bộn bề sôi động, trước những đổi thay nhanh chóng từng ngày, nhưng những hoài niệm về miền Nam, về quê nội, về hàng dừa trước ngõ, về những đêm mưa, những dòng sông mà tuổi thơ ông đã từng tắm mát vẫn luôn tràn dâng:
Mưa cuốn đi rồi
Mưa chảy xuống dòng sông quê nội
Sóng nước quê hương dào dạt chảy về khơi
Chở những kỷ niệm xưa, chìm lắng bốn phương trời
Và ta lớn tình yêu hòa bể rộng
Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống
Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông
Tập thơ “Hoa dừa” được anh viết trong thời gian làm việc ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã ghi lại những chặng đường mà ông đã từng qua, khắc họa chân dung những người anh hùng (đôi khi là vô danh) mà ông từng gặp nơi chiến trường máu lửa. Với các tập thơ “Tiếng gà gáy”, “Hoa dừa” và các tập “Giữ đất” (truyện ký), “Nguyễn Văn Trỗi” (trường ca), đặc biệt là với bài “Dáng đứng Việt Nam”, nhà giáo-chiến sĩ Ca Lê Hiến, nhà thơ-liệt sĩ Lê Anh Xuân đã được vinh dự truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật (2001).
Với những cống hiến xuất sắc cùng tấm gương hy sinh lẫm liệt trong lần đi thâm nhập thực tế ven đô Sài Gòn - ngày 24-5-1968 khi mới 28 tuổi, năm 2011, nhà giáo-chiến sĩ Ca Lê Hiến, nhà thơ-liệt sĩ Lê Anh Xuân được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân.
Và tên ông-nhà giáo Ca Lê Hiến, nhà thơ Lê Anh Xuân cũng được gắn với một tên đường, tên trường ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bến Tre quê hương ông.
NGÔ VĨNH BÌNH