QĐND - Đọc tin buồn trên Báo Quân đội nhân dân ngày 18-8-2016, báo tin Thiếu tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Ba từ trần, tôi đọc đi đọc lại, trong lòng trào dâng niềm thương tiếc nhưng cũng rất tự hào từng được quen biết chị, nữ tình báo gan dạ, mưu trí. Chị Ba sinh năm 1917, quê ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Chị nguyên là cán bộ tình báo Đoàn 1752. Lần đầu tôi gặp chị ở nhà anh Phạm Xuân Ẩn (Thiếu tướng tình báo, Anh hùng LLVT nhân dân). Anh Ẩn giới thiệu: Chị Nguyễn Thị Ba, người liên lạc vô cùng tin cậy, giữ mối liên hệ giữa tôi và chiến khu chưa bao giờ bị đứt. Chị Ba nói vui: “Cậu Ẩn làm khổ tôi nhiều lắm”.

Chị Ba cùng chồng và hai con trai đến điểm hẹn tập kết ra Bắc. Đến phút chót, chị nhận lệnh ở lại vì đã được phân công làm liên lạc cho một cán bộ tình báo tầm cỡ nhất nước ta. Không chậm trễ, chị khai lý lịch mới: Chồng chị là thượng sĩ (tất nhiên là ngụy), chết trận ở An Khê. Chị lên Sài Gòn. Theo ám hiệu cho trước, chị và anh Ẩn gặp nhau, nhận ra nhau. Nhưng về sau, chị Ba gặp con trai anh Ẩn, mới 6 tuổi và con chó tên King là chính.

Anh Ẩn kể: Tôi cùng quê với Nguyễn Cao Kỳ. Xét theo gia phả, tôi là anh họ Kỳ. Kỳ mê chơi đủ loại chó, có con chỉ nhỉnh hơn nắm tay. Sau lần thăm Ô-xtrây-li-a, Thủ tướng nước này biếu Kỳ hai con béc-giê cao, to khoảng 80kg. Tôi đến chơi với Kỳ. Kỳ tặng tôi một con. Tôi nhận con King (tiếng Anh nghĩa là vua). Lý lịch tôi oai hơn vì dòng dõi King ở Đức, chủ trước của King là Thủ tướng Ô-xtrây-li-a, em ruột King là Wa King của Nguyễn Cao Kỳ.

Chị Ba làm nghề bán hàng xén, có lần thay đổi sang bán vàng mã. Chị thuê cho mình căn hẻm khoảng 6m2, đặt vừa cái chõng và bàn thờ chồng. Chị luôn thay đổi chợ. Gặp chị, con King đứng từ xa. Cháu bé 6 tuổi (con trai anh Ẩn) đưa cái còi giống hệt bút máy ra lệnh cho chó. King ngậm kẹo đưa đến cho chị và những người bán hàng khác (để nghi trang). Chị cho King củ khoai, cái bánh rán… King mang về cho cậu chủ. Anh Phạm Xuân Ẩn buộc phải lộ mặt lần duy nhất để cứu chị Ba. Cảnh sát ngụy có thói quen quây dọc khu phố, khám xét khách qua lại. King báo động. Con anh rỉ tai ba: “Bác Ba bị bắt”. Anh tự lái xe đến, quát chị Ba: “Con kia, sao lại ở đây?”. Chị Ba vào cuộc rất nhanh, vẻ khúm núm: “Thưa ông chủ, con đi chợ. Các ông lính sẽ khám xét con”. Anh gặp tên thiếu tá chỉ huy cảnh sát. Tên này xun xoe vì bắt nhầm. Theo lệnh cậu chủ, con King đến bên chị vẫy đuôi, liếm tay chị. Chị trao túi cho King. Chị bám theo King ra khỏi vòng vây. Chị có quy ước với anh 6 địa điểm đặt hòm thư chết. Dịp Tết Mậu Thân, anh gửi vào R, 20 cuốn phim đã chụp sẵn. Anh có ký hiệu cần đưa hỏa tốc. Chị Ba sắm vai nhà giàu thuê taxi. Chị vào R như cơm bữa, chưa lần nào “vợ thượng sĩ mất chồng” với đầy đủ xác nhận bị ngăn cản.

Hôm tiếp tôi và chị Ba, anh Ẩn cho biết, anh không bị địch bắt nên tài sản còn nguyên vẹn, anh chị thuộc loại nhà giàu. Tôi đưa cái bát pha lê bỏ lọt trong lòng bàn tay nói với bà chủ:

- Chị có biết bát sắt, gọi là B-52 của bộ đội không? Tôi “đả” mỗi bữa không dưới 4 bát. Dùng bát này, chị phải xới cho tôi 20 lần trở lên.

- Em quen rồi. Em sẽ phục vụ anh chu đáo.

Lần đầu tiên tôi thấy trên mâm có 4 đĩa nhỏ. Tôi ngạc nhiên. Chị Ba gắp thức ăn bỏ vào bát tôi. Chủ nhà cho thay đĩa mới. Ngon vô cùng. Không hiểu do bà chủ khéo nấu hay lạ miệng, tôi đả tì tì. Chủ nhà thay loạt đĩa mới. Tôi hưởng nhiều món quá đặc biệt. Chị Ba biết tôi là người miền Bắc, hướng dẫn chu đáo cách nấu, cách thưởng thức. Tôi hỏi thăm gia đình chị. Chị khoe: “Anh cậu còn khỏe, không lấy vợ khác. Thằng con trai thứ hai lấy vợ miền Bắc, tặng bà nội ba cái tàu há mồm. Thằng đầu mới cưới tháng trước. Quê chị đất rộng, người thưa nên mấy đứa ở riêng, không bám bố mẹ”.

Chị Ba kính yêu. Em tự hào vì quen biết người chị có trăm tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng. Em đã được anh Ẩn thông báo là chị được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, em hỏi về chế độ đãi ngộ đối với chị, anh Ẩn cho biết: “Mấy bà già đã hy sinh hết mình. Sau đại thắng không đòi hỏi gì, về quê luôn. Chị Ba của chúng ta như thế!”.

NGUYỄN TRẦN THIẾT