Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông cùng anh chị em nghệ sĩ-chiến sĩ đã nhiều lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở các chiến trường, có những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên...
Nghệ sĩ Nguyễn Thịnh đệm đàn cho ca sĩ Quách Lan Phương hát tại Vĩ tuyến 17 trong ngày đình chiến theo Hiệp định Pa-ri. Ảnh tư liệu.
Cuối năm 1972 đầu năm 1973, đoàn văn công của nghệ sĩ Nguyễn Thịnh thực hiện chuyến đi biểu diễn dài ngày từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào đến Quảng Trị. Đoàn đi biểu diễn phục vụ bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và nhân dân ở các chốt, trạm, điểm cao... dọc đường Trường Sơn vào đến Vĩ tuyến 17. Đêm thì đốt đèn măng-sông biểu diễn, khuya thì xuống hầm ngủ. Khi đoàn vào đến Vĩ tuyến 17 thì cũng là lúc Hiệp định Pa-ri được ký kết. Chương trình biểu diễn văn nghệ hôm đó trở thành sự kiện đặc biệt, mà theo ông, suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật không bao giờ có lần thứ hai...
Nghệ sĩ Nguyễn Thịnh kể:
- Hôm ấy, chúng tôi dựng sân khấu tại một bãi đất trống giữa Vĩ tuyến 17, thuộc làng Bích La Trung (tỉnh Quảng Trị). Tôi đệm đàn ác-coóc-đê-ông cho ca sĩ Quách Lan Phương thể hiện ca khúc “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Sau những năm tháng chiến đấu ác liệt, Hiệp định Pa-ri được ký kết đã đem lại một không khí thanh bình hiếm có ở chiến trường. Cán bộ, chiến sĩ ta tập trung đông đủ, ai cũng phấn chấn, háo hức đón xem chương trình. Khi tiếng đàn, lời ca vang lên, chúng tôi hết sức bất ngờ vì từ phía bên kia, sĩ quan, binh lính Quân đội Việt Nam cộng hòa cũng ùa lên chiến hào, chạy đến cùng xem. Cả một vùng chiến sự im tiếng súng, chỉ có tiếng hát của những người nghệ sĩ và tiếng vỗ tay, hò reo tán thưởng của khán giả ngân vang. Đoàn của chúng tôi có 6 nghệ sĩ, biểu diễn hết tiết mục này đến tiết mục khác, hát như chưa bao giờ được hát, ai cũng rạo rực thăng hoa. Nhiều tiết mục chỉ là ngẫu hứng, không có sự chuẩn bị trước. Đang ở thời kỳ chiến tranh, có lệnh đình chiến, chiến trường bình yên, tận mắt chứng kiến kẻ thù buông súng đến nghe mình hát và vỗ tay, cổ vũ nồng nhiệt, đúng là có quá nhiều cảm xúc đan xen.
Khi chương trình kết thúc, anh Nguyễn Thế Tạ, Chính trị viên của đoàn đã đến bắt tay viên trung úy thủy quân lục chiến của Quân đội Việt Nam cộng hòa và hỏi anh ta về cảm xúc khi xem chương trình. Viên trung úy cũng bày tỏ thái độ thân thiện, đáp rằng anh ta rất xúc động khi xem các nghệ sĩ biểu diễn, mong muốn chiến tranh kết thúc, lập lại hòa bình để trở về với gia đình, quê hương...
Hơn 40 năm trôi qua, nhưng buổi biểu diễn nghệ thuật hôm đó, với nghệ sĩ Nguyễn Thịnh, vẫn tươi rói cảm xúc như mới hôm qua...
HUY VÕ